Ứng xử với di sản kiến trúc thời bao cấp

Có những công trình mà hôm nay có thể khiến không ít người thấy lạc hậu, đó là kiến trúc thời bao cấp. Điển hình như những khu tập thể cũ, những nhà máy, xí nghiệp trong khu vực nội thành… Tuy nhiên, đó lại là một phần bản sắc Hà Nội, nơi lưu giữ ký ức của cộng đồng. Chưa kể, giai đoạn này cũng có nhiều công trình giá trị. Nếu có giải pháp khai thác hợp lý, chúng sẽ đóng góp vào chiến lược phát triển Hà Nội trong xây dựng nền kinh tế sáng tạo, giàu bản sắc văn hóa.
0:00 / 0:00
0:00
Qua nhiều năm tháng, Cung Thiếu nhi vẫn là nơi gắn bó với nhiều thế hệ người Hà Nội.
Qua nhiều năm tháng, Cung Thiếu nhi vẫn là nơi gắn bó với nhiều thế hệ người Hà Nội.

Ngay sau ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954), chính quyền mới bắt tay vào xây dựng, phát triển Hà Nội. Hàng loạt công trình đã ra đời là những trung tâm công nghiệp sản xuất quy mô lớn, tiêu biểu như cụm công nghiệp Nhà máy Cao su-Nhà máy Xà phòng-Nhà máy Thuốc lá, Nhà máy Bia Hà Nội, Nhà máy Dệt 8-3…, những công trình thuộc hệ thống giáo dục, trung tâm văn hóa-xã hội như: các trường đại học Bách khoa, đại học Thủy lợi; sân vận động Hàng Đẫy, Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội, Nhà xuất bản Sự thật, Bưu điện Hà Nội, Cung Văn hóa hữu nghị Việt-Xô…

Các công trình công cộng đó được tạo ra theo chiến lược xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa và đã đóng góp hiệu quả vào công cuộc xây dựng đất nước. Đáng chú ý, không thể không kể đến các trụ sở bộ, ngành và nhiều khu tập thể như Kim Liên, Trung Tự, Nghĩa Tân, Thành Công, Thanh Xuân… Trong số đó, những dãy nhà tập thể Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng) là khu nhà tập thể đầu tiên của thành phố. Những khu tập thể góp phần tạo nên bản sắc văn hóa đô thị Hà Nội trong thời đại mới.

Thời bao cấp kéo dài từ năm 1954 đến năm 1986. Trong hơn 30 năm đó, trong điều kiện đất nước còn chiến tranh, Hà Nội gánh chịu bom đạn, nhưng chúng ta đã kiến tạo một số lượng khổng lồ các công trình, bao quát hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế-văn hóa-xã hội.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học nhận định, khi xây dựng các công trình kiến trúc thời bao cấp, các kiến trúc sư Việt Nam đã lấy cảm hứng từ cuộc sống của người dân Hà Nội để thể hiện mơ ước, khát vọng của nhân dân và cũng là ước mơ, khát vọng của chính bản thân họ để vượt lên những khó khăn, rào cản, xây dựng được những công trình kiến trúc tốt nhất cho xã hội.

Trước nhu cầu phát triển, kiến tạo đô thị hiện đại, hàng loạt công trình kiến trúc thời bao cấp bị phá bỏ, thay thế bằng những công trình mới. Đây là một điều đáng tiếc trong quá trình tái thiết đô thị. Chúng ta đang cố gắng gìn giữ những nếp nhà cổ, tiêu biểu cho thời kỳ phong kiến; những kiến trúc do người Pháp xây dựng, hoặc kiến trúc phong cách Pháp, giao thoa văn hóa Việt-Pháp trước năm 1954 và khai thác chúng vào các hoạt động văn hóa-du lịch.

Còn các công trình kiến ​​trúc thời bao cấp phản ánh một giai đoạn của đất nước, với những nguyên tắc định hình hiện đại, tiến bộ, có giá trị lịch sử, khoa học, xã hội và kinh tế, là một phần tạo dựng nên bản sắc Hà Nội thì dường như đang bị “quay lưng”.

Sau một thời gian dài ít được để ý, thậm chí, nhiều người tìm mọi cách để dỡ bỏ di sản kiến trúc thời bao cấp, gần đây, kiến trúc thời bao cấp bắt đầu được quan tâm hơn, chủ yếu ở góc độ nghiên cứu, học thuật. Kiến trúc sư Vũ Hiệp là một trong số ít những người nghiên cứu một cách đầy đủ về kiến trúc thời bao cấp. Theo khảo sát của ông, khi được hỏi kiến trúc nào đại diện cho bản sắc Hà Nội, có tới 56% số người được hỏi cho rằng đó là kiến trúc truyền thống.

Tiếp theo, có 18% cho rằng đó là kiến trúc Pháp. Chỉ có 9% cho rằng kiến trúc thời bao cấp đại diện cho bản sắc Hà Nội. Nguyên nhân không hẳn chỉ do công chúng mà có phần trách nhiệm của nhà quản lý. Kiến trúc sư Vũ Hiệp cho biết: Kiến trúc giai đoạn 1954-1986 ít được quảng bá đến công chúng.

Khảo sát các sách lịch sử kiến ​trúc trong 10 năm trở lại đây, nhóm nghiên cứu nhận thấy sự thống trị của các cuốn sách về kiến ​trúc thời Pháp thuộc và sự vắng bóng của kiến ​trúc giai đoạn 1954-1986. Điều này dẫn đến các bạn trẻ không có kiến thức gì nhiều về kiến trúc thời bao cấp.

Vài năm trở lại đây, Hà Nội cũng bắt đầu quan tâm hơn đến tái thiết những khu nhà máy cũ thay vì đập đi xây mới. Song, những khu tập thể cũ thì phần lớn người dân muốn “dẹp” đi.

Phó Giáo sư Nguyễn Văn Huy cho rằng, việc khai thác các kiến trúc thời bao cấp là vấn đề cần được quan tâm. Khu tập thể thời bao cấp gắn liền với cuộc sống người dân Hà Nội, ăn sâu vào ký ức người Hà Nội. Vì vậy, chúng ta có thể bảo tồn một số khu tập thể. Về vấn đề này, Kiến trúc sư Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cũng cho rằng, kiến trúc thời bao cấp không được quan tâm đúng mức.

Song, điều đáng mừng là chúng bắt đầu được nhìn nhận đúng hơn. Ứng xử như thế nào đối với các di tích kiến trúc thời bao cấp không chỉ nằm ở chỗ các nhà nghiên cứu và cộng đồng quan tâm mà cần được các nhà quản lý định hướng, giải quyết.