Khai thác di sản ẩm thực cần chuyên nghiệp

Hoàn Kiếm là trung tâm du lịch của Thủ đô, với phố cổ, hồ Gươm được xem là những nơi khách du lịch “phải đến” khi có mặt tại Hà Nội. Đây cũng là nơi hội tụ những nét đẹp ẩm thực, nhưng việc khai thác giá trị ẩm thực còn không ít hạn chế. Do đó, Hoàn Kiếm đang từng bước “chuẩn hóa”, chuyên nghiệp hóa việc khai thác giá trị ẩm thực một cách bền vững, chú trọng tiếp cận ẩm thực từ khía cạnh di sản.
0:00 / 0:00
0:00
Khách phải xếp hàng dài mới đến lượt được phục vụ là hình ảnh quen thuộc ở những quán ăn ngon tại quận Hoàn Kiếm.
Khách phải xếp hàng dài mới đến lượt được phục vụ là hình ảnh quen thuộc ở những quán ăn ngon tại quận Hoàn Kiếm.

Quận Hoàn Kiếm là trung tâm kinh tế-văn hóa-du lịch của Thủ đô, được thừa hưởng những di sản văn hóa có giá trị đặc sắc. Với bề dày lịch sử hơn 1000 năm Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội, Hoàn Kiếm không chỉ có không gian kiến trúc phố cổ, di tích lịch sử văn hóa…, mà còn được biết đến với kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú. Nổi bật nhất trong đó là di sản văn hóa ẩm thực. Hoàn Kiếm đóng góp nhiều món ăn, nhiều nhà hàng, quán ăn mang tầm thương hiệu ẩm thực cho cả Thủ đô.

Thí dụ, món bún thang đặc trưng cho văn hóa Hà Nội xuất phát từ món ăn ngày Tết của người dân phố cổ; hay như hiện nay, Hà Nội có sáu quán phở được Michelin vinh danh thì năm quán nằm tại quận Hoàn Kiếm. Quận Hoàn Kiếm là địa bàn mà hầu như “quán nào cũng ngon”, chưa kể những tuyến phố chuyên doanh, hoặc có nhiều quán ăn ngon như: Tống Duy Tân, ngõ chợ Đồng Xuân, phố Mã Mây, ngõ Phất Lộc… Ẩm thực Thủ đô và quận Hoàn Kiếm đã được khai thác, quảng bá nhưng những hoạt động này chưa phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh.

Theo các chuyên gia, ẩm thực Hoàn Kiếm xứng đáng là những di sản văn hóa phi vật thể. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) quận Hoàn Kiếm Lê Anh Thư khẳng định: “Khi ẩm thực được coi là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ, những tiềm năng, thế mạnh này sẽ được phát huy bền vững và mang ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh Thủ đô Hà Nội đẩy mạnh công nghiệp văn hóa và du lịch bền vững.

Nhiều nước trên thế giới đã xếp ẩm thực vào di sản văn hóa phi vật thể, từ đó có chiến lược phát huy để thu hút khách. Vì thế, việc đưa ẩm thực thành di sản văn hóa phi vật thể, xây dựng bản đồ ẩm thực số để phục vụ du lịch là mục tiêu của quận Hoàn Kiếm”. Hiện nay, UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa xây dựng và thực hiện Đề án “Phát triển và quảng bá di sản văn hóa ẩm thực quận Hoàn Kiếm phục vụ phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Bước đầu tiên của Đề án là nhận diện thương hiệu và xây dựng tiêu chuẩn di sản ẩm thực quận Hoàn Kiếm phục vụ du lịch.

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp đánh giá về ẩm thực và trên mạng xã hội đã có những nhóm nhỏ tự phát, chưa có tính chuyên nghiệp. Quận Hoàn Kiếm xây dựng bộ nhận diện và bộ tiêu chuẩn di sản ẩm thực để phục vụ cho du lịch và cộng đồng, là một việc làm hết sức cần thiết.

Tiến sĩ Đặng Phương Anh - chuyên gia về du lịch cho biết, bộ tiêu chuẩn di sản ẩm thực phục vụ du lịch được xây dựng dựa trên tình hình thực tế của điểm di sản ẩm thực trên địa bàn quận để từng bước lựa chọn, xác nhận và tôn vinh điểm di sản ẩm thực vì sự phát triển bền vững. Điều này sẽ giúp hệ thống hóa được các điểm cần đẩy mạnh truyền thông, quảng bá cho sự phát triển loại hình du lịch di sản ẩm thực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm như một dấu ấn riêng có của du lịch Thủ đô Hà Nội trong bức tranh phát triển kinh tế, xã hội nói chung.

Thạc sĩ Nguyễn Đức Tăng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa đã trao đổi bước đầu về các sản phẩm nhằm đẩy mạnh quảng bá, phát huy giá trị ẩm thực, gồm Bản đồ số và Danh mục di sản ẩm thực Hoàn Kiếm. Hiện nay, Đề án đã thống kê đưa vào trong danh mục có 55 cơ sở ẩm thực trên địa bàn quận. Để nhận diện thương hiệu cần có phương án thiết kế logo và slogan làm sao bảo đảm được nét tinh hoa truyền thống, có tính hiện đại, dễ nhận diện, tạo ấn tượng với khách du lịch.

Dự kiến, Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục xác định chủ thể thực hành và trao truyền các giá trị văn hóa ẩm thực; đề xuất biện pháp hỗ trợ, phát huy và tôn vinh di sản và người nắm giữ di sản; sớm hoàn thiện bản đồ di sản ẩm thực và bộ tiêu chuẩn đánh giá các cơ sở ẩm thực đủ điều kiện phục vụ và phát triển du lịch.