Báo cáo đánh giá công tác phối hợp, chỉ đạo, điều hành giữa các cơ quan (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy lợi, EVN, Viện Quy hoạch thủy lợi, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, các cơ quan thông tấn báo chí) ở các đợt lấy nước được thực hiện sâu sát, quyết liệt góp phần đẩy nhanh tiến độ lấy nước.
Trong đó, EVN được đánh giá đã tổ chức vận hành linh hoạt các nhà máy thủy điện để bổ sung nguồn nước theo yêu cầu và tiết kiệm lượng xả, đồng thời bảo đảm cung cấp đủ điện cho các trạm bơm hoạt động.
Thông tin điều hành xả nước của Tập đoàn được gửi hằng ngày đến Tổng cục Thủy lợi và các cơ quan liên quan để phối hợp thực hiện. Các cơ quan báo chí, truyền thông đã tổ chức tuyên truyền tốt trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình nguồn nước, lịch lấy nước và các khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, góp phần quan trọng thúc đẩy tiến độ lấy nước và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Báo cáo cho biết, đến chiều ngày 17/2 (ngày cuối cùng của đợt lấy nước), tổng diện tích đã lấy được nước là 503.235/506.558 ha, đạt 99,34% diện tích gieo cấy theo kế hoạch. Như vậy, trong cả 3 đợt xả nước, tổng cộng lượng xả của cả 3 đợt là 4,24 tỷ m3 (Đợt 1: 1 tỷ m3, Đợt 2: 2,44 tỷ m3, Đợt 3: 0,8 tỷ m3). Tổng lượng xả của cả 3 đợt thấp hơn khoảng 1,33 tỷ m3 nước so với kế hoạch dự kiến ban đầu.
Cũng theo báo cáo, mặc dù nhìn chung việc cấp nước đổ ải vụ đông xuân 2021-2022 đã hoàn thành trước hạn và tiết kiệm nước so với kế hoạch ban đầu, nhưng riêng đối với một số khu vực tại TP Hà Nội, diện tích phụ thuộc vào dòng chảy từ sông Hồng chưa hoàn thành tổng cộng là 145 ha, thuộc các huyện Hoài Đức 28 ha, Thạch Thất 117 ha (Hà Nội).
Các diện tích sẽ tiếp tục được địa phương cấp đủ nước bằng trạm bơm dã chiến. Trong thời gian tới, để bảo đảm yêu cầu phục vụ sản xuất và dân sinh, vừa bảo đảm tiết kiệm nước để phát điện trong điều kiện nguồn nước ngày càng khó khăn, Tổng cục Thủy lợi đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội đánh giá khả năng lấy nước của các hệ thống thủy lợi trong vụ đông xuân 2021-2022; triển khai khẩn cấp xây dựng trạm bơm dã chiến Liên Mạc, trạm bơm dã chiến Trung Hà; cải tạo, nâng cấp một số công trình lấy nước thuộc Thành phố để bảo đảm đủ năng lực theo kịp tiến độ lấy nước của các địa phương khác (trạm bơm Ấp Bắc, Liên Mạc, Trung Hà).
Ngay sau khi nhận được văn bản của của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo lịch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ đông xuân 2021-2022 khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ, EVN đã xây dựng kế hoạch vận hành và xả nước từ các hồ thủy điện phía bắc (Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang) và bảo đảm điện phục vụ bơm nước gieo cấy.
EVN đã chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia thực hiện điều tiết nước các hồ thủy điện và vận hành hệ thống hợp lý để đáp ứng nhu cầu nước và bảo đảm kế hoạch cung cấp điện, đồng thời điều tiết các hồ chứa duy trì mực nước tại Hà Nội ở mức hợp lý để tiết kiệm nguồn nước bảo đảm hiệu quả cao nhất của 3 đợt lấy nước tập trung và bảo đảm cung cấp điện mùa khô năm 2022 cho hệ thống điện Quốc gia.
EVN cũng đã yêu cầu các Công ty Điện lực rà soát, kiểm tra và chuẩn bị sẵn sàng để bảo đảm cung cấp điện ổn định, liên tục cho các trạm bơm điện trong suốt thời gian lấy nước tập trung (từ ngày 4/1 đến 17/2) và sau các đợt lấy nước để phục vụ bơm dẫn nước.
Đặc biệt, để tránh lãng phí nước và tiết kiệm sử dụng điện, EVN và các công ty thủy điện liên quan đã chủ động đề nghị các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh/ thành phố chỉ đạo ngay các địa phương chủ động bơm sớm, trữ nước vào ao, đầm, vùng trũng thấp và các kênh dẫn từ các nguồn nước sẵn có ở sông, ngòi.
Ngoài ra cần lấy đủ nước vào ruộng trong thời gian xả nước tập trung từ các hồ thủy điện để tránh lãng phí nước và tiết kiệm sử dụng điện. Các đơn vị của ngành điện lực cũng đề nghị các công ty khai thác công trình thủy lợi theo dõi sát nguồn nước trong thời gian xả nước tập trung để bơm nước vào hệ thống thủy nông, sử dụng có hiệu quả nguồn nước từ các hồ thủy điện, bảo đảm cung cấp đủ lượng nước đổ ải và tưới dưỡng cho lúa.