Lợi nhuận trồng lúa vụ đông xuân giảm do chi phí sản xuất tăng

NDO -

Mặc dù sản xuất lúa vụ đông xuân 2021-2022 ở các địa phương gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất nhưng do ảnh hưởng của thời tiết, diện tích trồng giảm nên năng suất và sản lượng giảm so với vụ đông xuân trước. Hơn nữa, do giá vật tư đầu vào cho sản xuất tăng cao, nhất là phân bón dẫn đến tăng giá thành sản xuất và giảm lợi nhuận.

Bà con nông dân tỉnh Ninh Bình thu hoạch lúa đông xuân. (Ảnh: Lê Hồng)
Bà con nông dân tỉnh Ninh Bình thu hoạch lúa đông xuân. (Ảnh: Lê Hồng)

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vụ đông xuân 2021-2022, các địa phương phía bắc gieo cấy 1,078 triệu ha lúa, giảm khoảng 8 nghìn ha so với vụ đông xuân trước. Trong đó, vùng đồng bằng sông Hồng gieo cấy 484 nghìn ha; vùng Bắc Trung Bộ 349,7 nghìn ha và vùng Trung du miền núi phía bắc 244,3 nghìn ha.

Giá vật tư đầu vào tăng cao

Qua đánh giá sơ bộ của các địa phương, năng suất vụ đông xuân này ước đạt khoảng 62,7 tạ/ha (giảm 1,8 tạ/ha); sản lượng ước đạt 6,8 triệu tấn (giảm khoảng 246 nghìn tấn). Đại diện Cục Trồng trọt cho rằng, trong vụ đông xuân 2021-2022, diện tích gieo cấy lúa được áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như: quy trình canh tác lúa bền vững, SRI, phòng trừ sâu bệnh tổng hợp IPM được bà con nông dân quan tâm triển khai.

Mặt khác, diện tích gieo cấy lúa chất lượng được mở rộng, công lao động giảm do áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, giá lương thực tăng hơn so với cùng kỳ nhưng do giá vật tư đầu vào như phân bón tăng cao (giá một số loại phân bón nhập khẩu tăng từ 80 đến 100% so với cùng kỳ) cộng với thời tiết không thuận lợi khiến năng suất, sản lượng lúa và lợi nhuận giảm khoảng 2,8 triệu đồng/ha.

Theo đánh giá của các địa phương, tổng chi phí cho sản xuất vụ này ở toàn khu vực vào khoảng 32,2 triệu đồng/ha, trong đó chi phí công lao động và phân bón chiếm 87,1%. Ở các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng, tổng giá trị sản xuất lúa đạt khoảng 56 triệu đồng/ha, lợi nhuận hơn 19 triệu đồng/ha, giảm khoảng 3,5 triệu đồng/ha. Khu vực Bắc Trung Bộ, tổng giá trị đạt khoảng 44,4 triệu đồng/ha, lợi nhuận khoảng 16,5 triệu đồng/ha, giảm khoảng 2,9 triệu đồng/ha. Khu vực Trung du miền núi phía bắc, tổng giá trị đạt gần 49 triệu đồng/ha, lợi nhuận hơn 17 triệu đồng/ha, giảm khoảng 1,6 triệu đồng/ha.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cho biết, vụ đông xuân 2021-2022, trên địa bàn gieo cấy 55.330 ha. Trong đó, diện tích lúa chất lượng chiếm 75,8%, lúa thường chiếm 22,4%; năng suất lúa dự kiến đạt 65,5 tạ/ha. Tuy nhiên, trong vụ sản xuất này do giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng gấp 1,5 đến 2 lần so cùng kỳ năm trước đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất.

Tiềm ẩn những rủi ro vì thời tiết bất thuận

Kế hoạch vụ hè thu, vụ mùa 2022, khu vực phía bắc dự kiến gieo cấy 1.199 nghìn ha, giảm khoảng 20 nghìn ha so với năm 2021; phấn đấu năng suất trung bình dự kiến đạt 53,1 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha so với năm trước, sản lượng ước đạt khoảng 6,37 triệu tấn.

Mặc dù vậy, sản xuất vụ hè thu, mùa nhiều khả năng gặp những khó khăn do tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, nhất là hạn hán hoặc mưa lũ gây ngập úng, sâu bệnh gây hại và giá vật tư đầu vào cho sản xuất như: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… ở mức cao.

Để tiếp tục giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất góp phần bù đắp sản lượng lúa bị giảm trong vụ đông xuân 2021-2022, đồng thời làm tăng giá trị trong sản xuất lúa, Cục Trồng trọt cho rằng, các địa phương cần khuyến cáo nhân dân thu hoạch lúa đến đâu làm đất vùi sâu gốc rạ đến đó, giữ nước trên ruộng; căn cứ vào tình hình cụ thể để lựa chọn hình thức gieo mạ. Trong đó, ưu tiên làm mạ dầy xúc, mạ nền cứng, tăng cường áp dụng mạ khay, cấy máy, gieo mạ tập trung thành vùng để quản lý, chăm sóc và phòng trừ rầy được tốt hơn; huy động mọi nguồn lực cấy “càng sớm càng tốt”, đặc biệt ở những chân có nguy cơ bị ngập lụt và diện tích làm vụ đông sớm.

Tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận; mở rộng diện tích thâm canh lúa, xây dựng mô hình “cánh đồng lớn”; áp dụng các biện pháp canh tác nhằm rút ngắn thời gian sinh trưởng của lúa để thu hoạch sớm, tránh bị ngập lụt cuối vụ.

Đồng thời, tăng cường áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất; mở rộng sản xuất theo mô hình 3 giảm, 3 tăng; thâm canh lúa cải tiến (SRI) và IPM. Cùng với đó, các địa phương cần khuyến cáo nhân dân thường xuyên thăm đồng, phát hiện và phòng trừ kịp thời sâu bệnh gây hại như rầy lưng trắng đầu vụ, rầy nâu, bệnh bạc lá, sâu cuốn lá, sâu đục thân...

Bên cạnh đó, các địa phương nên chủ động rà soát và có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả (vùng thấp trũng, vùng thường xuyên bị khô hạn, không bảo đảm nước tưới cho cả vụ...) sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản hoặc chuyển sang cây trồng cạn khác có nhu cầu nước thấp để nâng cao hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, việc chuyển đổi phải bảo đảm theo vùng, đặc biệt các đối tượng cây trồng chuyển đổi cần phải có đầu ra, có liên kết sản xuất nhằm hạn chế hiện tượng rớt giá khi thu hoạch rộ. 

Có kế hoạch điều tiết nguồn nước tốt, bảo đảm đủ nước cho gieo cấy. Chủ động phòng tránh những diễn biến bất thường của thời tiết trong vụ hè thu, vụ mùa như nắng nóng, hạn hán, úng, ngập; xây dựng phương án cụ thể cho công tác phòng, chống và chuẩn bị tốt mọi điều kiện để khắc phục kịp thời nếu có thiên tai, dịch bệnh xảy ra.

Đặc biệt, cần tăng cường liên kết chuỗi sản xuất giữa doanh nghiệp với các tổ hợp tác, HTX, gắn với giảm chi phí vật tư đầu vào và chú trọng hỗ trợ, phát triển khâu lưu thông sản phẩm, bảo đảm lưu thông thông suốt, hạn chế thấp nhất hiện tượng tồn đọng, ứ tắc nông sản.