Các đồng chí: Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng; Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố; Võ Công Trí, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật thành phố Đà Nẵng đồng chủ trì tọa đàm. Tham dự tọa đàm có gần 100 đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia, trí thức trẻ, cán bộ quản lý, lãnh đạo các sở, ban ngành và huyện Hòa Vang.
15 bản tham luận và ý kiến phát biểu trao đổi, thảo luận tại buổi tọa đàm của các chuyên gia, nhà khoa học đã phân tích thực trạng, những hạn chế, yếu kém, vướng mắc trong ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ ở huyện Hòa Vang, huyện nông thôn duy nhất của thành phố Đà Nẵng. Đồng thời đưa ra những giải pháp mang tính sáng tạo, đột phá để tạo ra các động lực mới, giúp huyện Hòa Vang phát triển nhanh và bền vững hơn trong giai đoạn đến.
Nhiều ý kiến đề cập các nội dung cụ thể và giải pháp tích cực, khả thi, như về tổng quan trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ trong phát triển kinh tế-xã hội huyện Hòa Vang, tiến trình ứng dụng chuyển đổi số vào công tác quy hoạch, quản lý tài nguyên, phát triển nguồn lực, xây dựng đô thị sinh thái, phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu, du lịch sinh thái, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tập thể, xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ trong thời kỳ mới…
Phát biểu kết luận chương trình tọa đàm, đồng chí Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng khẳng định, Hòa Vang là địa bàn có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh đối với thành phố Đà Nẵng; dư địa đất đai còn rất lớn, chiếm 75% diện tích đất liền toàn thành phố, Hòa Vang có vai trò vệ tinh, với nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển.
Do vậy, việc đầu tư, phát triển huyện Hòa Vang luôn được Ban Thường vụ Thành ủy đặc biệt quan tâm. Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành 02 nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển Hòa Vang. Các cấp, các ngành thành phố đã phối hợp, tập trung ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm xây dựng và phát triển huyện Hòa Vang.
Nhờ đó, huyện Hòa Vang đã có bước phát triển rõ nét, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ. Nông nghiệp phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, phục vụ đô thị, du lịch; việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào các ngành, lĩnh vực được quan tâm, nhất là bối cảnh thích nghi với dịch Covid-19, việc ứng dụng khoa học công nghệ trên lĩnh vực giáo dục, y tế đã mang lại một số kết quả tích cực.
Xây dựng nông thôn mới hoàn thành sớm mục tiêu đề ra. Văn hóa-xã hội có chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Kết quả của sự phát triển của Hòa Vang hôm nay ngoài sự nỗ lực của sở, ngành thành phố, mà còn có 1 phần không nhỏ từ những đóng góp, chia sẻ của đội ngũ trí thức, nhà khoa học.
Các đại biểu trao đổi, thảo luận. |
Về nhiệm vụ trong thời gian đến, đồng chí Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh 5 nhiệm vụ. Trước hết, với mục tiêu đến năm 2025, Hòa Vang trở thành thị xã. Vì vậy, UBND thành phố và các sở, ngành hỗ trợ Hòa Vang rà soát, tháo gỡ vướng mắc khó khăn, hoàn thiện quy hoạch, quản lý tốt quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng, đô thị huyện đồng bộ, bảo đảm tính kết nối theo hướng bền vững, phù hợp quy hoạch chung của thành phố. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, nhất là tài nguyên đất đai, rừng, khoáng sản và nguồn nước...
Thứ hai, Hòa Vang cần tập trung phát triển ngành nông nghiệp theo quy mô phù hợp, theo hướng hiện đại, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái, hình thành và phát triển các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP chất lượng cao.
Thứ ba, chính quyền, cơ quan chức năng thành phố cần tập trung huy động nguồn lực xây dựng và phát triển Khu Công nghệ cao Đà Nẵng trên địa bàn huyện gắn với Khu đô thị sáng tạo-khoa học-công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế, có tính cạnh tranh nhằm thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; đồng thời, định hướng phát triển và thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện như khu công nghiệp Hòa Ninh, Hòa Nhơn, Hòa Khương... phục vụ sản xuất kinh doanh theo hướng khu, cụm công nghiệp sinh thái. Đây chính là chìa khóa để sớm thay đổi bộ mặt huyện Hòa Vang trong giai đoạn đến.
Thứ tư, cần đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong cả 2 khu vực công và khu vực tư; Đảng bộ, chính quyền huyện cần tranh thủ sự hỗ trợ của thành phố, các cơ quan chức năng để xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia xây dựng, phát triển Hòa Vang.
Thứ năm, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm hình thành xã hội số, công dân số trong bối cảnh mặt bằng dân trí Hòa Vang hiện nay chưa đồng đều; nhiều khu vực dân cư có đời sống còn khó khăn… đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian đến.