Ứng dụng kỹ thuật khó điều trị bệnh “khó nói” của phụ nữ

NDO - Với mong muốn giúp phụ nữ điều trị bệnh ở vùng kín, khó nói mà chưa bệnh viện nào trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên điều trị được vì đây là lĩnh vực khó, Bệnh viện A Thái Nguyên đã cử bác sĩ đi học chuyên sâu để điều trị cho bệnh nhân. Kết quả đã mang lại chất lượng cuộc sống bình thường cho các bệnh nhân.
0:00 / 0:00
0:00
Bác sĩ Chuyên khoa II Đào Ngọc Tuấn, Trưởng Khoa Phụ, Bệnh viện A Thái Nguyên thăm khám bệnh nhân điều trị tại viện.
Bác sĩ Chuyên khoa II Đào Ngọc Tuấn, Trưởng Khoa Phụ, Bệnh viện A Thái Nguyên thăm khám bệnh nhân điều trị tại viện.

Theo Bác sĩ Chuyên khoa II Đào Ngọc Tuấn, Trưởng Khoa Phụ, Bệnh viện A Thái Nguyên, thống kê cho thấy, hiện có khoảng 30-40% phụ nữ Việt Nam mắc sa sinh dục, chủ yếu thường gặp ở những người trong độ tuổi từ 40-60. Vì bệnh ở vùng kín, cùng tâm lý ngại tìm hiểu và thiếu thông tin, nhiều phụ nữ có thói quen xem nhẹ và ngại đi khám, chỉ đến khi bệnh chuyển nặng mới tìm đến bác sĩ.

Sa sinh dục là hiện tượng tử cung sa xuống thấp trong âm đạo hoặc sa hẳn ra ngoài âm hộ, thường kèm theo sa thành trước âm đạo và bàng quang hoặc thành sau âm đạo và trực tràng. Bệnh sa sinh dục gây ra những bất tiện, đau đớn và những ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý, chất lượng cuộc sống.

Nguyên nhân tình trạng sa sinh dục là do hệ thống cơ và dây chằng vùng đáy chậu bị lão hóa, dãn ra, các phủ tạng trong ổ bụng đè lên vùng đáy chậu khiến các cơ quan vùng chậu dễ dàng sa xuống theo các khe hở tự nhiên của đáy chậu.

Bệnh sa sinh dục hay gặp ở các phụ nữ sinh nhiều lần, sinh quá sớm, không được đỡ đẻ an toàn và đúng kỹ thuật; sản phụ đi làm quá sớm sau sinh; phụ nữ phải lao động nặng nhọc, nhất là những người thường xuyên phải làm việc ở tư thế đứng, gánh gồng, đội vác có áp lực ổ bụng lên đáy chậu luôn luôn cao; những người bị chấn thương vùng chậu.

Bác sĩ Chuyên khoa II Đào Ngọc Tuấn cho biết: “Tùy vào mức độ bệnh sẽ có phương pháp điều trị phù hợp. Ở giai đoạn nhẹ (độ I,II), khối sa xuất hiện khi ngồi xổm hoặc gắng sức, lúc này bệnh nhân được điều trị nội khoa bằng tập phục hồi chức năng, hoặc đặt vòng nâng. Tuy nhiên, tình trạng cải thiện sẽ chậm.

Khi bệnh tiến triển giai đoạn nặng (độ III, IV), khối sa vùng âm hộ sa ra ngoài ngày càng nhiều và thường xuyên hơn, thậm chí lộ hẳn ra ngoài âm hộ, không đẩy được vào trong âm đạo và phương pháp điều trị duy nhất là phải thực hiện phẫu thuật”.

Khoa Phụ, Bệnh viện A Thái Nguyên là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên áp dụng kỹ thuật mới vào điều trị. Theo Bác sĩ Chuyên khoa II Đào Ngọc Tuấn, trước đây, với những bệnh nhân sa sinh dục ở giai đoạn nhẹ (độ I, II), thường được điều trị nội khoa như tập luyện, dùng vòng nâng.

Tuy nhiên, phương pháp này chỉ cải thiện một phần, dần dần bệnh tiến triển nặng lên thành độ III, IV được xử lý bằng phương pháp phẫu thuật cắt tử cung đường âm đạo hoặc mổ đường bụng. Nhưng các phương pháp này có nhiều nhược điểm là tỷ lệ tái phát cao, phải cắt bỏ tử cung, gây thiếu tự tin, nhất là đối với phụ nữ còn trong độ tuổi sinh đẻ.

Trước tình hình đó, lãnh đạo Bệnh viện A Thái Nguyên đã cử các bác sĩ vào Bệnh viện Từ Dũ, Thành phố Hồ Chí Minh) học tập và trở về áp dụng các kỹ thuật mới vào để điều trị cho bệnh nhân trên địa bàn và các tỉnh lân cận từ năm 2022.

Một trong các phương pháp mới đó là phẫu thuật nội soi đặt lưới nâng điều trị sa sinh dục đã mang lại hiệu quả tốt nhất trong điều trị bệnh sa sinh dục vì khắc phục được các nhược điểm của mổ kinh điển, tỷ lệ tái phát thấp, giữ được tử cung, ít đau, phục hồi nhanh, tính thẩm mỹ cao. Đây là kỹ thuật tương đối khó và phức tạp do vị trí giải phẫu vùng sàn chậu có nhiều cơ quan, mạch máu lớn. Phẫu thuật viên phải giàu kinh nghiệm, trình độ cao để kiểm soát các tai biến như chảy máu, thủng ruột, bàng quang, niệu quản.

Đến nay, Khoa Phụ, Bệnh viện A Thái Nguyên đã tiến hành phẫu thuật rất nhiều ca bệnh, không để lại tai biến nào, đem lại chất lượng cuộc sống bình thường cho bệnh nhân.

Ứng dụng kỹ thuật khó điều trị bệnh “khó nói” của phụ nữ ảnh 1

Bệnh viện A Thái Nguyên hướng đến sự hài lòng của người bệnh.

Bà Nguyễn Thị Hiền ở xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên tâm sự: "Tôi bị khối sa đã 3 năm nay, gần đây khối sa xuống nhiều, bị đau, chảy máu, đi tiểu rất khó khăn, rất phiền lòng, sinh hoạt và cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vào Bệnh viện A Thái Nguyên khám và được chẩn đoán sa sinh dục độ III và được phẫu thuật nội soi đặt lưới nâng, sau 7 ngày điều trị, được các bác sĩ, hộ sinh, người nhà chăm sóc tốt tôi đã trở lại cuộc sống bình thường".

Các bác sĩ Khoa Phụ, Bệnh viện A Thái Nguyên khuyến cáo, khi có các dấu hiệu bệnh, nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời, hiệu quả, tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra.

Theo lãnh đạo Bệnh viện A Thái Nguyên, kỹ thuật này đã được phê duyệt và được bảo hiểm y tế thanh toán nên chí phí cho mỗi ca bệnh không cao. Thuận lợi khác là bệnh nhân được điều trị bệnh ngay tại địa phương, không phải đi lại vất vả, chi phí tốn kém. Đây là nỗ lực lớn trong việc vươn lên làm chủ kỹ thuật khó, chuyên sâu của Bệnh viện A Thái Nguyên để giúp bệnh nhân có cuộc sống tốt hơn.