Ukraine chấp nhận đàm phán “vô điều kiện” tại Belarus

NDO -

Trong ngày 27/2, Văn phòng Tổng thống Ukraine đã xác nhận thông tin Kiev và Moskva sẽ tiến hành đàm phán “vô điều kiện” tại Belarus.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại 1 sự kiện ở Kiev, Ukraine, ngày 24/2/2022. (Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine/Reuters)
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại 1 sự kiện ở Kiev, Ukraine, ngày 24/2/2022. (Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine/Reuters)

Trên mạng xã hội cùng ngày, Tổng thống Zelensky cho biết Kiev nhất trí đàm phán với Moskva tại biên giới Belarus-Ukraine gần sông Pripyat. Thỏa thuận đàm phán đạt được trong cuộc điện đàm giữa ông Zelensky và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko.

Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden dự kiến trong ngày 28/2 sẽ tiến hành 1 cuộc họp trực tuyến cùng các đồng minh và đối tác nhằm thảo luận những diễn biến mới nhất liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.

Thông báo của Nhà trắng cho biết, cuộc họp sẽ được tiến hành vào lúc 16 giờ 15 phút (tức 23 giờ 15 phút giờ Việt Nam). Các bên sẽ nỗ lực nhằm thống nhất các biện pháp ứng phó chung đối với cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay.

Cùng ngày 27/2, Bộ Ngoại giao Đức-quốc gia đang giữ vị trí Chủ tịch luân phiên Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã ra thông cáo báo chí gửi các cơ quan truyền thông tại nước này, sau khi kết thúc Hội nghị Ngoại trưởng G7 thảo luận về tình hình căng thẳng ở Ukraine.

Thông cáo cho biết, tại hội nghị trực tuyến giữa ngoại trưởng Anh, Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản và Mỹ, cùng sự tham dự của đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) và ngoại trưởng Ukraine, các bên tham gia đã thảo luận sâu về các biện pháp mạnh mẽ khác nhằm hỗ trợ Ukraine và người dân nước này, bao gồm hỗ trợ an ninh và không gian mạng, cũng như cuộc chiến chống thông tin sai lệch. G7 cam kết tăng cường hỗ trợ nhân đạo phù hợp với nhu cầu thực tại cho người dân Ukraine.

Thông cáo cũng nêu rõ, các bên tham gia hội nghị cũng kêu gọi Nga lập tức chấm dứt chiến dịch quân sự, đồng thời rút ngay lực lượng vũ trang ra khỏi Ukraine. G7 cũng đã đưa ra các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc và có sự phối hợp, trong đó có biện pháp trừng phạt Belarus vì "đã tạo điều kiện cho chiến dịch quân sự của Nga". G7 cũng sẽ triển khai những bước tiếp theo nếu Nga không chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Trước đó cùng ngày, EU tuyên bố sẽ siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, triển khai hành động cứng rắn với Belarus, đồng thời tài trợ vũ khí cho Ukraine. EU cũng sẽ đóng cửa không phận đối với các máy bay của Nga, cũng như cấm kênh truyền hình nhà nước Russia Today và hãng thông tấn Sputnik của Nga phát sóng bên trong phạm vi của khối.

Đáp lại, Nga đã cấm các chuyến bay từ một số quốc gia như Anh, Latvia, Lithuania, Estonia, Slovenia, Bulgaria, Ba Lan và Cộng hòa Séc. Trong ngày 27/2, hãng hàng không hàng đầu của Nga Aeroflot cũng thông báo sẽ ngừng các chuyến bay đến châu Âu từ ngày 28/2/2022 cho đến khi có thông báo mới.

Do EU quyết định đóng không phận đối với Nga, Bộ Ngoại giao Pháp ngày 27/2 đã hối thúc các công dân nước này ngay lập tức rời khỏi Nga. Trong thông báo đi lại thứ 2 liên quan đến Belarus, Bộ Ngoại giao Pháp cũng đề nghị các công dân nước này ngay lập tức rời khỏi quốc gia đồng minh của Nga thông qua các cửa khẩu biên giới trên bộ với Litva, Ba Lan và Latvia.

Cũng trong ngày 27/2, bà Lindiwe Zulu, Chủ tịch Tiểu ban quan hệ quốc tế của đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền tại Nam Phi cho biết, đảng này ủng hộ 1 giải pháp hòa bình cho căng thẳng giữa Nga và Ukraine.

Trong tuyên bố của mình, bà Zulu cho biết, đảng ANC quan ngại sâu sắc về tình hình leo thang căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Đảng ANC cam kết tuân theo các giá trị của Liên hợp quốc trong việc theo đuổi giải quyết xung đột bằng giải pháp ngoại giao và hòa bình. Bà đồng thời nhấn mạnh lịch sử đã chứng minh các cuộc chiến tranh đã kết thúc hoặc thậm chí bị ngăn chặn thông qua các cuộc đàm phán.

Trước đó, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cũng kêu gọi hòa giải và giải quyết cuộc xung đột thông qua biện pháp hòa bình.

Trong 1 diễn biến liên quan, Cơ quan Liên lạc đặc biệt và bảo vệ thông tin của Ukraine cho biết, nhiều vụ nổ đã xảy ra ở thủ đô Kiev và thành phố lớn Kharkov trong sáng 28/2. Quân đội Ukraine cũng cho biết thành phố Zhytomyr ở miền bắc nước này cũng đã bị tấn công tên lửa trong đêm.

Theo tập đoàn quốc phòng Ukraine Ukroboronprom, quân đội Nga ngày 27/2 đã phá hủy máy bay vận tải An-225 Mriya của Ukraine-vốn là máy bay vận tải lớn nhất hiện nay. Ukroboronprom cho biết, chiếc máy bay bị phá hủy trong 1 cuộc tấn công của quân đội Nga nhằm vào sân bay Hostomel bên ngoài Kiev. Việc sửa chữa chiếc máy bay dự kiến sẽ mất nhiều thời gian. Máy bay An-225 Mriya, được thiết kế vào thập niên 80 của thế kỷ trước, là chiếc máy bay dài nhất và nặng nhất từng được chế tạo trên thế giới. Máy bay này có thể chở tới 640 tấn hàng hóa.

Đại diện cấp cao về đối ngoại của EU Josep Borrell cùng ngày thông báo, các nước EU sẽ gửi "máy bay chiến đấu" đến Ukraine theo đề nghị của chính quyền Kiev. Phát biểu tại 1 cuộc họp báo, ông Borrell khẳng định, viện trợ của EU cho Ukraine "sẽ không chỉ là đạn dược, thậm chí là máy bay chiến đấu".

Cùng ngày, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, ông Valery Zaluzhny, thông báo nước này đã huy động khoảng 100 nghìn binh sĩ trong cuộc xung đột với Nga. Khoảng một nửa lực lượng huy động thuộc Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ thuộc các lực lượng vũ trang Ukraine.

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine