Tỷ lệ thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đạt 82%

NDO - Ngày 30/12, Kiểm toán Nhà nước tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ và công tác Đảng năm 2025. Đồng chí Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội dự.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Hải ghi nhận và biểu dương những kết quả nổi bật, toàn diện của Kiểm toán Nhà nước trong năm 2024 và bày tỏ tin tưởng toàn ngành sẽ phát huy truyền thống đoàn kết, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2025 cũng như các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Đồng chí Nguyễn Đức Hải nêu rõ, trong tình hình chung của đất nước, năm 2024, kết quả công tác của Kiểm toán Nhà nước đạt được đã góp phần siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; cung cấp nhiều thông tin cho Quốc hội trong lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Ban cán sự Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã quyết liệt chỉ đạo, điều hành để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, chính sách pháp luật của Nhà nước vào hoạt động kiểm toán.

Nhiều hạn chế, bất cập các năm trước đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ đạo quyết liệt và có nhiều chuyển biến. Trong đó, việc thực hiện kiến nghị kiểm toán đã có chuyển biến tích cực với 82% kiến nghị xử lý tài chính, kiến nghị khác cùng với nhiều kiến nghị về sửa đổi bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm cá nhân được thực hiện.

Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý, công tác công khai kết quả kiểm toán có nhiều chuyển biến rõ rệt. Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước đã thiết lập đường dây nóng hoạt động 24/7 để tiếp nhận toàn bộ thông tin phản ánh có liên quan đến hoạt động kiểm toán, phòng ngừa và xử lý kịp thời các sai phạm trong hoạt động kiểm toán.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, những kết quả nổi bật nêu trên cùng nhiều kết quả trên các mặt công tác khác là minh chứng cho sự trưởng thành của Kiểm toán Nhà nước qua 30 năm xây dựng và phát triển.

Nhấn mạnh đến những thách thức đặt ra trong nhiệm vụ của năm 2025, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Đảng ủy, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước và toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, khắc phục những bất cập, hạn chế, tiếp tục có nhiều giải pháp, nhiều đổi mới để hoàn thành toàn diện kế hoạch công tác đề ra.

Tán thành với phương châm của Kiểm toán là “An toàn - Uy tín” và các phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp của Kiểm toán Nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Kiểm toán Nhà nước cần tiếp tục bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội, Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030 để thực hiện nhiệm vụ năm 2025 bảo đảm tiến độ, chất lượng và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản hướng dẫn trong hoạt động kiểm toán để đảm bảo phù hợp với Chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước mới được sửa đổi, bổ sung; tăng cường giáo dục về đạo đức, văn hóa, ứng xử, trách nhiệm và lòng tự tôn nghề nghiệp cho đội ngũ kiểm toán viên.

Tỷ lệ thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đạt 82% ảnh 2

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải trao Cờ Thi đua cho tập thể, cá nhân Kiểm toán Nhà nước.

Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu rõ, Kiểm toán Nhà nước sẽ khẩn trương cụ thể hoá những chỉ đạo của đồng chí vào chương trình công tác năm 2025 và các năm tiếp theo và bảo đảm các nội dung chỉ đạo được triển khai thực hiện tốt nhất.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn đề nghị toàn ngành thực hiện thắng lợi 10 nhiệm vụ trọng tâm và 5 nhóm giải pháp đã đề ra, đồng thời nhấn mạnh 6 nội dung quan trọng, trong đó cần tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành.

“Công tác kiểm toán phải chú ý phương châm An toàn-Uy tín, muốn có an toàn, uy tín thì phải có chất lượng. Phải tập trung đánh giá hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của các bộ, ngành, địa phương thông qua kiểm toán quyết toán ngân sách, kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách, kiểm toán chuyên đề; tập trung đánh giá xem có thất thoát, lãng phí ở đâu, dư luận, nhân dân, cử tri thấy lãng phí ở đâu thì kiểm toán phải chú trọng tập trung vào đó để kiểm toán, xác nhận”, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh.

Báo cáo tại hội nghị cho biết, tính đến ngày 15/12/2024, thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 22.817 tỷ đồng, trong đó kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước 2.637 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 9.341 tỷ đồng; kiến nghị khác 10.839 tỷ đồng; đồng thời kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới một số nội dung không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn đối với 125 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý;

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị chấn chỉnh hoạt động của đơn vị được kiểm toán và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã trao Cờ Thi đua của Chính phủ tặng tập thể Kiểm toán Nhà nước và trao Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc nghỉ hưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh.