Cung cấp thông tin tin cậy
Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Tài chính Ngân sách, Văn phòng Quốc hội, hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước đã phục vụ tích cực cho việc kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, tiền và tài sản của Nhà nước; thúc đẩy thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.
Báo cáo kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước hằng năm đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại và kiến nghị xử lý tài chính nhiều vi phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, bao gồm cả những hạn chế trong việc lập, phân bổ, giao dự toán ngân sách Nhà nước, làm cơ sở cho việc thảo luận, quyết định dự toán ngân sách Nhà nước năm sau của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, cung cấp thông tin phục vụ cho Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp quyết định dự toán ngân sách Nhà nước và ngân sách địa phương.
Từ sau khi Luật Kiểm toán Nhà nước và Luật Ngân sách Nhà nước được ban hành, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã có ý kiến trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương hằng năm.
Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước cũng đã có ý kiến chính thức bằng văn bản về dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương hằng năm, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi Ủy ban Tài chính Ngân sách sử dụng trong quá trình thẩm tra.
Năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách năm 2021 của 25 bộ, ngành và 60 địa phương.
Năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách năm 2021 của 25 bộ, ngành và 60 địa phương. Kết quả kiểm toán cho thấy, Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước của Chính phủ chưa làm rõ số liệu một số khoản chi chuyển nguồn đã được Hội đồng nhân dân các địa phương phê chuẩn.
Một số đơn vị chậm gửi báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách về Bộ Tài chính làm ảnh hưởng đến tiến độ thẩm định, tổng hợp, lập Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm. Việc xác nhận báo cáo quyết toán tại một số địa phương đã được Hội đồng nhân dân lưu ý phê chuẩn theo ý kiến của Kiểm toán Nhà nước.
Với kết quả kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách trong năm 2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 91/2023/QH15 ngày 30/6/2023 đề nghị Kiểm toán Nhà nước lưu ý công tác quyết toán ngân sách địa phương, bộ, ngành đối với khoản mục chi chuyển nguồn trong báo cáo quyết toán...
Sự tham gia của Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp những thông tin cần thiết cho việc thẩm tra dự toán ngân sách Nhà nước tại các Ủy ban của Quốc hội và hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
Ý kiến nhận xét, đánh giá, xác nhận của Kiểm toán Nhà nước về các tồn tại trong quá trình lập dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán ngân sách Nhà nước là những tài liệu quan trọng cung cấp cho cơ quan dân cử để thảo luận, thẩm tra và xem xét quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước.
5 giải pháp trọng tâm
Khẳng định Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách là kênh thông tin quan trọng của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho biết Báo cáo kiểm toán nói chung và báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nói riêng là căn cứ pháp lý quan trọng giúp Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của đất nước, trong đó có việc phê chuẩn quyết toán ngân sách.
Kết quả kiểm toán chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế trong công tác quyết toán ngân sách. Có những bất cập tồn tại qua nhiều năm nhưng đến nay chưa được các bộ, ngành, địa phương khắc phục. Thực tế này đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao hơn đối với hoạt động kiểm toán quyết toán ngân sách, đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ để thực hiện tốt hơn cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách.
Tăng cường hiệu quả hoạt động kiểm toán
Để nâng cao hơn nữa chất lượng, vai trò của Kiểm toán Nhà nước đối với việc xây dựng dự toán và quyết toán ngân sách Nhà nước, các chuyên gia kiến nghị cần tập trung thực hiện 5 giải pháp trọng tâm.
Cụ thể là: Cần quy định cụ thể về cơ chế phối hợp, trách nhiệm, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước trong quá trình tham gia thẩm tra dự toán ngân sách Nhà nước, phân bổ ngân sách Trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước hằng năm.
Qua kết quả kiểm toán một số năm liền kề, Kiểm toán Nhà nước cần cung cấp thông tin và đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm hiện hành và kiến nghị giải pháp điều hành ngân sách Nhà nước trong năm hiện hành và năm kế hoạch.
Giải pháp tiếp theo là cần đánh giá những yếu tố thuận lợi, không thuận lợi tác động đến dự toán ngân sách Nhà nước năm sau và kiến nghị giải pháp trong quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước hằng năm.
Cơ quan Kiểm toán Nhà nước cần nâng cao tính độc lập, khách quan, có đủ thời gian xem xét và tham gia ý kiến về dự toán ngân sách Nhà nước, thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước hằng năm trước khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Các cơ quan của Chính phủ cần kịp thời báo cáo cung cấp thông tin về dự toán ngân sách Nhà nước và phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước cho các cơ quan có nhiệm vụ thẩm tra, bảo đảm tính đầy đủ, kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Quá trình này đòi hỏi phải có nhiều thông tin về các lĩnh vực như thực trạng tình hình kinh tế-xã hội; tình hình thực hiện ngân sách; số liệu về tăng trưởng kinh tế, các chỉ tiêu có liên quan, quy định của pháp luật về chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức, khả năng thu ngân sách; nhu cầu vốn đầu tư phát triển và thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước....
Những thông tin này rất quan trọng là cơ sở căn cứ để Kiểm toán Nhà nước đánh giá, cho ý kiến về dự toán và quyết toán ngân sách Nhà nước cũng như phục vụ cho Ủy ban Tài chính Ngân sách trong quá trình thẩm tra dự toán và quyết toán ngân sách Nhà nước hằng năm.