Sa mạc Sahara bao phủ phần lớn Bắc Phi, đã trải qua sự thay đổi nhiệt độ trong vài trăm nghìn năm qua, nhưng rất hiếm khi băng tuyết bao phủ ở đây.
Vào ngày 10-1, người dân địa phương ở khu vực miền núi thị trấn Ain Sefra của Algeria đã phải hứng chịu một trận bão tuyết lớn. Trong 42 năm qua, đây là lần thứ tư thị trấn Ain Sefra có tuyết rơi. Trước đó, tuyết đã từng rơi ở đây vào các năm 1979, 2017 và 2018.
Năm 1979, một trận bão tuyết mạnh khiến giao thông ở đây tê liệt. Năm 2017, bão tuyết đã đổ xuống lớp tuyết dày tới cả mét. Vào năm 2018, lượng tuyết rơi ở đây dày 40cm.
Thị trấn Ain Sefra được mệnh danh là "cửa ngõ vào sa mạc Sahara", ở độ cao khoảng 1.000m so với mực nước biển và được dãy núi Atlas bao quanh.
Tuyết cũng bao phủ các khu vực của A-rập Xê-út, nơi nhiệt độ chạm ngưỡng -2 °C.
Tháng 1 là một trong những tháng lạnh nhất ở đây với nhiệt độ trung bình là 14 °C. Vào mùa hè, nhiệt độ đạt trung bình là 38 °C.
Nhà khí tượng học Eric Leister, công ty truyền thông về thời tiết toàn cầu AccuWeather cho biết, khu vực Tabuk, vùng lạnh nhất của A-rập Xê-út hiếm khi có tuyết, nhưng đây không hoàn toàn là điều bất thường.
Năm 2018, A-rập Xê-út cũng đã từng trải qua mùa tuyết rơi và người dân địa phương vui chơi với xe trượt tuyết và ném tuyết.
Tuyết cũng rơi ở Lebanon, Syria và Iran, có một số khu vực bị tuyết chôn vùi dưới bốn mét.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu những thay đổi đối với lượng mưa ở khu vực Sahara và phát hiện sa mạc đã thay đổi đáng kể trong thế kỷ qua do biến đổi khí hậu.
Giáo sư Sumant Nigam, nhà khoa học khí quyển và đại dương thuộc Đại học Maryland, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: "Kết quả nghiên cứu của chúng tôi là cụ thể cho Sahara, nhưng biến đổi khí hậu có thể có tác động đến các sa mạc khác trên thế giới".