Tuyên Quang nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ cấp xã

Ðể nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ cấp xã, tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều biện pháp nhằm khắc phục những hạn chế, nâng cao năng lực lãnh đạo và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ cơ sở cùng người dân Tuyên Quang xây dựng kênh mương.
Cán bộ cơ sở cùng người dân Tuyên Quang xây dựng kênh mương.

Tỉnh Tuyên Quang có tổng số cán bộ, công chức các xã, phường, thị trấn là 2.679 người. Trong những năm qua, tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung và đội ngũ cán bộ cấp xã nói riêng. Do vậy, chất lượng đội ngũ cán bộ công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng lên, có bước phát triển về năng lực và phương pháp công tác, cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, góp phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Cùng với sự nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân, trong những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2015-2020 hơn 6,45%/năm; năm 2021 là 5,67%; năm 2022 là 8,66%; GRDP theo giá hiện hành hiện nay đạt 51,1 triệu đồng/người/năm.

Hiện nay, cán bộ lãnh đạo các cấp của tỉnh là nữ chiếm 29,5%; người dân tộc thiểu số chiếm gần 58%. Trong đó, từ 31-50 tuổi chiếm hơn 71%. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 2/138 Bí thư Ðảng ủy cấp xã là nữ, Bí thư Ðảng ủy kiêm Chủ tịch HÐND là 7/138 người, Phó Bí thư Ðảng ủy 48 người, Chủ tịch UBND chỉ có 6/138 người, Phó Chủ tịch UBND là 33/276 người.

Về cơ cấu độ tuổi, dù đã được quan tâm, nhưng số lượng cán bộ trẻ đến nay vẫn còn thấp, dưới 30 tuổi chỉ chiếm 18,01% (có 69/1.383 người), chủ yếu là Bí thư Ðoàn Thanh niên và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã. Về trình độ học vấn, một bộ phận chưa được đào tạo, bồi dưỡng cơ bản, toàn diện, hiện vẫn còn 11/1.383 cán bộ lãnh đạo xã chỉ tốt nghiệp trung học cơ sở (chiếm 0,79%). Về chuyên môn nghiệp vụ, còn 13/1.383 người chỉ có trình độ sơ cấp (chiếm 1,06%), đến tháng 5/2022 vẫn còn bảy người chưa có bằng chuyên môn; số có trình độ trung cấp là 219 người (chiếm 15,83%).

Có thể thấy, trên thực tế chất lượng của một bộ phận cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh nói chung và năng lực thực tiễn của một bộ phận cán bộ lãnh đạo xã, phường, thị trấn nói riêng còn những hạn chế nhất định về nhận thức, năng lực quản lý điều hành, về trình độ, kỹ năng tổ chức các hoạt động thực tiễn. Ðồng thời, đội ngũ cán bộ lãnh đạo xã, phường, thị trấn tại tỉnh hầu hết đều xuất thân là người địa phương, sinh sống có quan hệ dòng tộc; gắn bó với địa phương, dân làng, vừa công tác, vừa tham gia lao động sản xuất tại địa phương, gia đình.

Ðiều này có nhiều thuận lợi trong quá trình thể hiện năng lực thực tiễn như: am hiểu địa bàn, văn hóa, truyền thống, những thuận lợi, khó khăn… tại địa phương nhưng cũng do chủ yếu là người địa phương nên cũng có những mặt trở ngại như: các mối quan hệ anh em, dòng tộc, cục bộ… ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ lãnh đạo cấp xã còn thiếu tính chủ động, sáng tạo, quyết liệt, còn lúng túng trong xử lý, giải quyết các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn, dẫn đến khả năng tác nghiệp, tổ chức thực hiện nhiệm vụ và phương pháp công tác chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ được giao.

Ðể khắc phục những hạn chế, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ cấp xã ở Tuyên Quang, tỉnh tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống; thực hiện nghiêm túc các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải thật sự nêu gương về phẩm chất, đạo đức, lối sống, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; cải tiến phương pháp làm việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.

Đồng chí Phạm Kiên Cường, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Tuyên Quang

Mặt khác, tỉnh xây dựng tiêu chuẩn chức danh, mô tả vị trí việc làm của cán bộ, công chức xã. Thực hiện nghiêm túc việc quy hoạch cán bộ chủ chốt; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng gắn với quy hoạch cán bộ và công chức xã; chú trọng công tác luân chuyển, đẩy mạnh chuyển đổi vị trí công tác, rà soát, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức xã.

Cùng với đó, tỉnh yêu cầu tăng cường hoạt động thanh tra công vụ; kiểm tra thường xuyên, đột xuất để chấn chỉnh giờ giấc làm việc, lề lối, tác phong, tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm... để từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, phong cách làm việc khoa học, sâu sát cơ sở “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân”.