Với phương châm phòng ngừa là chính, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã tiến hành rà soát, xác định các điểm nguy hiểm để hướng dẫn bảo đảm an toàn cho các phương tiện, nhất là khu vực bến đò ngang có nước chảy siết thời điểm mực nước ở các sông Lô, sông Gâm dâng cao.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các chủ phương tiện, yêu cầu chở đúng số lượng hàng hóa quy định, trang bị các thiết bị cần thiết trên tàu; dừng các hoạt động vận chuyển, kinh doanh trong những ngày mưa lũ.
Chủ đò ký cam kết chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa. |
Chủ đò Trần Đức Chinh, bến đò Xuân Vân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang cho biết: "Mỗi ngày, đò của gia đình tôi chở khoảng hơn 200 lượt khách qua sông. Phương tiện có đầy đủ về đăng ký, đăng kiểm, chứng chỉ người lái, phao cứu sinh, bình phòng cháy, thùng rác. Khi khách lên đò thì tôi hướng dẫn người dân mặc áo phao đầy đủ, đứng, ngồi đúng nơi quy định, lúc đó mới điều khiển đò rời bến để cho chuyến đò được bảo đảm an toàn".
Tại các huyện Na Hang, Lâm Bình, nơi có khu du lịch sinh thái lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và du khách tham quan, du lịch trong mùa du lịch hè 2024, Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Na Hang đã tập trung rà soát, thống kê phương tiện thủy đang hoạt động trên lòng hồ và hạ lưu sông Gâm.
Toàn huyện hiện có hơn 72 tàu, thuyền làm dịch vụ du lịch đưa đón khách đi tham quan trải nghiệm trên vùng lòng hồ. Các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát phương tiện, kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn của phương tiện và của người điều khiển phương tiện, và sắp xếp việc neo đậu; nhắc nhở các phương tiện chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa, bảo đảm đầy đủ các điều kiện an toàn.
Anh Quan Văn Dơ, thị trấn Na Hang, cho biết, gia đình anh có 3 thuyền du lịch hoạt động trên khu vực lòng hồ sinh thái Na Hang. Anh Dơ đã ký cam kết thực hiện đúng các quy định về an toàn giao thông đường thủy. Bên cạnh việc trang bị đầy đủ các thiết bị cứu sinh và bảo đảm tốt các yếu tố kỹ thuật, anh Dơ cũng chủ động xem dự báo thời tiết và tư vấn cho du khách trải nghiệm du lịch vào những ngày thời tiết thuận lợi để bảo đảm an toàn và giúp du khách có trải nghiệm tốt nhất.
Người dân chấp hành nghiêm quy định mặc áo phao khi đi đò qua sông. |
Trung tá Đỗ Tuấn Minh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Tuyên Quang, cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 31 bến thủy nội địa, 39 bến đò ngang sông với 788 phương tiện đã đăng ký, bao gồm 230 phương tiện vận tải hành khách và trên 550 phương tiện vận tải hàng hóa.
Từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã phát hiện, lập biên bản hơn 10 trường hợp vi phạm, xử phạt nộp ngân sách Nhà nước gần 40 triệu đồng. Đồng thời, lực lượng chức năng tiến hành yêu cầu ký cam kết và nhắc nhở 100% các chủ phương tiện thủy, chủ bến phà, bến đò chở khách sông chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa; yêu cầu tất cả các đơn vị công an các huyện, thành phố trên địa bàn quản lý của mình phải rà soát, lên danh sách tất cả các phương tiện vận tải hành khách, kiểm tra đăng ký, đăng kiểm, bảo hiểm hành khách, thủ tục bến bãi cũng như việc bảo đảm về đầy đủ thiết bị cứu nạn, cứu hộ, cứu sinh, cứu đắm, phòng cháy và bảo vệ môi trường. Chấp hành nghiêm việc hướng dẫn hành khách đứng, ngồi đúng vị trí trên phương tiện khi mà các phương tiện di chuyển. Nghiêm cấm những phương tiện không đủ điều kiện bảo đảm an toàn giao thông, không có đăng ký, đăng kiểm lưu thông; nghiêm cấm hành vi không mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thủy.
Bên cạnh nỗ lực của lực lượng chức năng, người dân cần tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm khi tham gia giao thông đường thủy, nghiêm túc thực hiện các quy định bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đường thủy nội địa, góp phần hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn giao thông đường thủy xảy ra trên địa bàn, nhất là trong mùa mưa bão.