Có thể nói, 2023 là năm mà Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh nhiều hoạt động du lịch đường thủy nhất từ trước đến nay. Từ Lễ hội sông nước lần đầu tiên được tổ chức đến việc ra mắt những tour du lịch đường sông đã mang đến cho du khách những trải nghiệm mới lạ, đầy thú vị.
Phát huy lợi thế sông nước
Tháng 9 vừa qua, tại Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh đã cho ra mắt sản phẩm du lịch với tên gọi “Du ngoạn sử xanh”. Đây là tour du lịch khám phá vẻ đẹp năng động của Quận 3 xen lẫn nét cổ kính mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đang được giữ gìn trên địa bàn quận bằng việc ngao du trên kênh Nhiêu Lộc.
Trên dòng kênh yên bình đã được cải tạo, xanh hóa từ nhiều năm nay, du khách sẽ đi qua những cây cầu, ngôi chùa mà ở đó, mỗi cây cầu là một câu chuyện gắn với các sự kiện lịch sử cách mạng của dân tộc với những tên gọi quen thuộc như cầu Công Lý, cầu Kiệu, cầu Điện Biên Phủ, cầu Thị Nghè... Không chỉ thế, niềm tự hào dân tộc sẽ được khơi dậy khi hướng dẫn viên giới thiệu những cầu mang tên Trần Khánh Dư, Hoàng Hoa Thám, Bùi Hữu Nghĩa… mà du khách được chiêm ngưỡng trong suốt cuộc hành trình.
Điểm nổi bật là tham gia tour, du khách được cung cấp các kiến thức về bảo vệ môi trường, tham gia hoạt động làm hoa đăng bằng giấy bột tre và thả cá cải tạo nguồn nước, góp phần tăng cường hệ sinh thái phong phú cho dòng kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Ngoài ra, du khách được tham gia đố vui, trả lời những câu hỏi trắc nghiệm, tham gia trò chơi về bảo vệ môi trường để nhận những phần quà lưu niệm.
Chị Vũ Thị Tuyết Nhung, phường Võ Thị Sáu, Quận 3 cho biết, đi thuyền trên kênh Nhiêu Lộc cho du khách và cả người dân bản địa có cái nhìn và cảm giác mới lạ về thành phố, vừa cảm nhận sự sôi động của một đô thị hiện đại, vừa có chút lắng đọng khi được nghe những câu chuyện văn hóa, lịch sử khi đi qua những cây cầu bắc qua con kênh này.
Mới đây, ngày 9/11, Công ty TNHH Thuyền Nhiêu Lộc đón hơn 200 khách tàu biển đến tham quan và trải nghiệm sản phẩm “Một thoáng Sài Gòn” trên dòng kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè có lộ trình dài 4,5 km xuất phát từ bến tàu du lịch Quận 1 và kết thúc ở bến tàu du lịch Quận 3. Với hành trình kéo dài 60 phút, tour được thiết kế để du khách chiêm ngưỡng chín cây cầu bắc qua dòng kênh như cầu Hoàng Hoa Thám, cầu Trần Khánh Dư, cầu Kiệu, cầu Công Lý,... Điểm nhấn của tour này là du khách được trải nghiệm thả cá trên sông nhằm cải tạo nguồn nước, góp phần tăng cường hệ sinh thái phong phú cho dòng kênh. Dưới những cây cầu đã được lắp đặt những loại đèn mầu, trở thành điểm “check-in” mới lạ.
Sự kiện đáng chú ý nhất khơi dậy tiềm năng du lịch đường sông là Lễ hội sông nước Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 8 vừa qua. Lễ hội là chuỗi hoạt động văn hóa-giải trí-nghệ thuật đặc sắc diễn ra bên dòng sông Sài Gòn, kết hợp với các hoạt động trải nghiệm, các chương trình khuyến mãi mua sắm, kích cầu giảm giá vé các chương trình biểu diễn nghệ thuật và đa dạng các hoạt động.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Lễ hội đã đem lại nguồn cảm hứng và những khám phá, trải nghiệm thú vị cho người dân và du khách về bản sắc văn hóa, về những điều đặc biệt nhất của Thành phố Hồ Chí Minh qua các thời kỳ. Lễ hội giúp ngành chức năng có cái nhìn cụ thể trong lộ trình phát huy tiềm năng vốn có và khai thác tối đa giá trị kinh tế, văn hóa, du lịch của dòng sông Sài Gòn, từng bước định vị thương hiệu đô thị sông nước giàu bản sắc của Thành phố Hồ Chí Minh.
Định vị thương hiệu “Thành phố bên sông”
Lịch sử hình thành của Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định-Thành phố Hồ Chí Minh trong hơn 300 năm qua ghi dấu ấn đậm nét của những dòng sông. Dòng sông không chỉ ôm trọn thành phố suốt chiều dài lịch sử mà đã hình thành nên những địa danh Bến Nghé, Bến Bạch Đằng, Bến Bình Đông thông qua những hoạt động giao thương, buôn bán.
Rồi từ hệ thống kênh rạch phong phú chạy sâu vào lòng phố đã góp phần tạo nên các vùng Thủ Đức, Hóc Môn, Gò Vấp, Nhà Bè và các bán đảo Thủ Thiêm, Thanh Đa… Sông Sài Gòn và những con kênh chảy qua đã kết nối thành phố với các tỉnh Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tạo nên tiềm năng lớn cho thành phố trong phát triển loại hình du lịch sinh thái, đường thủy nội đô, cũng như các tuyến đường liên tỉnh.
Theo thông tin từ Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Sở đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch số 3793 về phát triển sản phẩm du lịch đường thủy Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2025. Ngoài ra, trong Chiến lược phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 đã xác định các sản phẩm du lịch đường thủy trở thành một trong các sản phẩm du lịch tạo sự khác biệt của thành phố, thỏa mãn nhu cầu nghỉ ngơi giải trí, thưởng thức các giá trị văn hóa nhân văn của khách du lịch quốc tế và nội địa, vì đường thủy là một lợi thế, một điểm mạnh của thành phố cần được khai thác một cách hiệu quả.
Đến nay, thành phố đã triển khai nhiều tuyến đường thủy tập trung ở trung tâm thành phố, thuận lợi trong việc vận chuyển hành khách kết hợp du lịch đường sông. Theo thống kê sơ bộ của Sở Du lịch hiện có 123 phương tiện thủy đang hoạt động, gồm: 43 tàu nhà hàng, tàu lưu trú, du thuyền và 80 ca-nô, tàu gỗ nhỏ.
Trên địa bàn thành phố hiện có 13 cảng thủy nội địa và 229 bến thủy nội địa đang hoạt động, trong đó 19 bến hàng hóa, 71 bến hành khách, hai bến hành khách-hàng hóa, 14 bến neo đậu, 25 bến khách ngang sông... Lượng khách du lịch bằng đường thủy đóng vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng của du lịch thành phố.
Cụ thể, năm 2018, thành phố đón 845.400 lượt khách (gồm 805.400 lượt khách du lịch bằng đường sông, 40.000 lượt khách du lịch bằng đường biển); năm 2019 đón 786.700 lượt khách (gồm 745.500 lượt khách du lịch bằng đường sông, 41.200 lượt khách du lịch bằng đường biển)… Năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh từng bước xúc tiến các sản phẩm du lịch đường thủy để thu hút khách tham quan.
Đến nay, thành phố có gần 150 chương trình tour, gói, sản phẩm đường thủy của hơn 100 doanh nghiệp. Sản phẩm du lịch đường thủy ngày càng đa dạng, từ các tuyến du lịch tầm ngắn, tầm trung, tầm xa, tầm xa liên vận quốc tế và đa dạng các loại phương tiện đường thủy.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông-Marketing TSTtourist cho biết: Những năm gần đây, công ty đã khai thác tour khám phá thành phố Thủ Đức bằng sản phẩm du lịch “Thành phố bên dòng sông xanh”. Trong tour này, du khách được trải nghiệm du lịch trên sông Sài Gòn, khám phá vẻ đẹp hai bên bờ sông.
“Du khách trong và ngoài nước rất thích khám phá những điều mới mẻ của thành phố bằng đường thủy kết hợp với đường bộ. Chính vì thế, sản phẩm này luôn được du khách lựa chọn và chúng tôi tiếp tục đưa vào khai thác trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp tới” - ông Nguyễn Minh Mẫn cho hay. Bà Nguyễn Thị Vương, Quản lý điều hành Công ty TNHH Thuyền Nhiêu Lộc cho biết: Sản phẩm du lịch trên dòng kênh có sức cạnh tranh với nhiều điểm du lịch khác, trong các tour du lịch đón khách đến với Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện tại khách quốc tế chiếm tới hơn 50% lượng khách tham quan tuyến du lịch này của công ty. Sắp tới công ty sẽ đón thêm nhiều đoàn khách ngoại quốc đến trải nghiệm và sử dụng dịch vụ tại bến.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Thị Ngọc Hiếu cho biết: Mục tiêu của ngành du lịch thành phố đến năm 2025 là sản phẩm du lịch đường thủy được khai thác trên tất cả các tuyến sông Sài Gòn (Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu), được liên kết Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, Bến Tre, các tuyến kênh nội đô với ít nhất 10 chương trình du lịch đường thủy; khai thác các chương trình du lịch kết nối từ các cảng biển với các tuyến đường sông.
Thành phố phấn đấu đến năm 2030 du lịch đường thủy trở thành một trong các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch tạo sự khác biệt của thành phố, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của thành phố. Để đạt được mục tiêu, theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, thành phố phải có các bến tàu, cảng đủ tiêu chuẩn phục vụ du lịch; có cơ chế, chính sách thông thoáng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tham gia xã hội hóa đầu tư các bến tàu du lịch, xây dựng các khu vực nhà chờ, nhà vệ sinh… phục vụ khách du lịch, cùng sự tham gia ủng hộ của các ngành chức năng liên quan phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy.
Đối với du lịch tàu biển, thành phố cần có chính sách về việc tiếp nhận các tàu biển lớn được cập cảng biển ở khu vực trung tâm thành phố nhằm khai thác hiệu quả cảng Sài Gòn; đồng thời, kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển tuyến vận tải hành khách từ Sài Gòn đi Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và ngược lại, nhằm thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa, vận tải ven biển và du lịch đường thủy, đáp ứng nhu cầu đi lại, du lịch của người dân tại hai địa phương.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Sử học Thành phố Hồ Chí Minh, là thành phố bên sông, Thành phố Hồ Chí Minh cần quy hoạch bờ sông một cách hiệu quả để làm đẹp cảnh quan và tạo điều kiện khai thác những giá trị từ sông Sài Gòn. Đặc biệt, cảng Sài Gòn phải được chuyển đổi chức năng là cảng du lịch để thành phố có cơ hội bứt phá trong phát triển du lịch đường thủy.
Theo dòng chảy của sông, bao đời nay người dân đã đến, đã sống, đã nhờ sông mà vun bồi cho vùng đất Sài Gòn-Gia Định-Thành phố Hồ Chí Minh ngày thêm phát triển. Từ quá khứ đến hiện tại và tương lai, khát vọng vươn lên vẫn không ngừng lưu chuyển trong huyết quản của người dân vùng đất này. Và thành phố vẫn đang nỗ lực hết mình để phát huy giá trị văn hóa, tiếp tục khơi dậy tiềm năng du lịch đường thủy, nhằm định vị thương hiệu “Thành phố bên sông” trong tương lai.