Các phụ huynh này không đưa con đến trường trung tâm để học vì họ cho rằng, cơ sở vật chất ở phân hiệu Đồng Hưng vẫn bảo đảm cho việc dạy học và mong muốn được tiếp tục duy trì lớp 1, lớp 2 tại phân hiệu.
Các cháu còn nhỏ, để đến trường trung tâm phải đi qua đoạn đường quốc lộ 2, không được thuận tiện và phiền hà, vất vả cho phụ huynh trong việc đưa đón con.
Việc sắp xếp lại trường, điểm trường, lớp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, thực hiện theo kế hoạch 119/KH-UBND ngày 30/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh (kế hoạch 119), nhằm giúp học sinh được học trong điều kiện cơ sở vật chất khang trang, tiếp cận trang thiết bị hiện đại, thuận lợi cho việc học tập của học sinh, nhằm nâng cao chất lượng học tập theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Việc xóa lớp ghép, lớp tạm, sáp nhập các điểm trường lẻ về điểm trường chính đã góp phần đưa chất lượng giáo dục của tỉnh có nhiều khởi sắc. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng. Hệ thống mạng lưới trường, lớp từng bước được rà soát, sắp xếp và hoàn thiện ở các cấp học theo hướng hợp lý và hiệu quả hơn.
Học sinh tiếp thu tốt hơn kiến thức khi được học tại lớp học có đủ điều kiện. |
Cô giáo Cao Thị Hồng Thúy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Minh Cầm cho biết, năm học 2024-2025, nhà trường có tổng số 297 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Còn phân hiệu Đồng Hưng tại thôn Hưng Quốc cần thực hiện sắp xếp, sáp nhập, căn cứ vào những yêu cầu của chương trình giáo dục năm 2018 và thực hiện kế hoạch 119 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang.
Cô Thúy cũng cho biết, Phân hiệu Đồng Hưng nằm cách điểm trường chính hơn 2km. Năm học 2023-2024, tại phân hiệu này, nhà trường đã thực hiện dồn ghép các lớp 3,4,5 về trường chính và nhận được sự đồng thuận của 100% phụ huynh. Đến năm học 2024-2025, nhà trường tiếp tục thực hiện dồn ghép lớp 1, lớp 2 về trường chính để học tập, vì ở trường trung tâm cơ sở vật chất bảo đảm và có đủ các phòng chức năng để học sinh được tham gia đầy đủ các tiết học, cũng như các hoạt động tập thể, hoạt động trải nghiệm.
Học sinh được học tin học tại phòng máy vi tính được trang bị tại Trường tiểu học Minh Cầm mà ở điểm trường Đồng Hưng không có. |
Trong quá trình triển khai, nhà trường đã thông tin đầy đủ đến phụ huynh học sinh về chủ trương dồn, ghép điểm trường theo kế hoạch của huyện và của tỉnh. Tuy nhiên, một số phụ huynh có ý kiến muốn duy trì phân hiệu. Đến thời điểm hiện tại, có 8 em học sinh chưa được phụ huynh đưa ra trường chính để học tập.
Nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương đến từng nhà học sinh để tuyên truyền, vận động phụ huynh đưa con đến trường. Nhà trường sẽ bố trí giáo viên đón sớm hơn và trả học sinh muộn nếu phụ huynh bận đi làm, bảo đảm cho công việc của phụ huynh không bị xáo trộn. Cùng với đó, nhà trường cũng sắp xếp cho học sinh ăn bán trú và bố trí nghỉ trưa bảo đảm theo quy định.
Đối với các phụ huynh chưa đồng thuận, hằng ngày, cô giáo chủ nhiệm vẫn ra bài tập rồi gửi về cho phụ huynh để các con làm và yêu cầu phụ huynh quay, chụp lại gửi cho cô giáo để đánh giá kết quả học tập. Các thầy, cô giáo chủ nhiệm hằng ngày vẫn động viên, tuyên truyền phụ huynh đưa con em ra lớp học, để được tham gia các hoạt động học tập, không bị mất đi kiến thức.
Đại diện cho các phụ huynh đang phản đối, chưa đưa con ra trường chính học, bà Hoàng Thị Chung, thôn Hưng Quốc, xã Đội bình, huyện Yên Sơn khẳng định: "Cô giáo vẫn cho bài tập và tôi vẫn cho con làm đầy đủ bài. Khi con làm xong, tôi chụp ảnh và gửi lại cho cô giáo chủ nhiệm".
Ngoài những giờ học trên lớp, các em học sinh được đọc sách, truyện tại thư viện của nhà trường. |
Ông Lê Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đội Bình, huyện Yên Sơn cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin có các nội dung đơn kiến nghị của phụ huynh lớp 1, 2 tại phân hiệu Đồng Hưng, Trường tiểu học Minh Cầm, Ủy ban nhân dân xã đã có báo cáo số 98/BC-UBND ngày 3/9/2024 báo cáo kết quả xác minh.
Theo đó, Tổ công tác của huyện và xã đã trực tiếp làm việc với 17 hộ tại thôn Đồng Giàn và thôn Hưng Quốc hiện đang có ý kiến muốn con học tại phân hiệu Đồng Hưng, có 9/17 hộ nhất trí đưa học sinh ra học lớp 1, 2 năm học 2024-2025 tại điểm trung tâm. Còn 8 hộ chưa nhất trí cho con ra học, trong đó, lớp 1 là 6 em và lớp 2 là 2 em.
Qua rà soát, trong số 17 học sinh, có 2 em nhà cách trường chính là khoảng 4km; 15 em nhà cách trường chính từ 1,1km đến 3,5km. Việc thực hiện dồn ghép điểm trường Đồng Hưng ra trường trung tâm là đúng theo các văn bản hướng dẫn và phù hợp với thực tế, có đường giao thông bê-tông hóa, đi lại thuận lợi; số học sinh vẫn bảo đảm theo điều lệ trường học không quá 35 em/lớp.
Ông Chẩu Bình Yên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Sơn cho biết, tại điểm trường Đồng Hưng số lượng học sinh trên lớp ít (lớp 1: 19 học sinh; lớp 2: 22 học sinh). Việc thực hiện sắp xếp lại điểm trường bảo đảm khi dồn ghép số học sinh lớp 1, 2 hiện có ra học tại điểm trường trung tâm (lớp 1: 2 lớp với 59 học sinh; lớp 2: 2 lớp với 69 học sinh); số lớp học tại trường trung tâm không tăng, số học sinh bảo đảm theo quy định tại điều lệ trường tiểu học và giảm được 2 biên chế giáo viên dạy văn hóa. Bên cạnh đó, khi học sinh ra học điểm trường trung tâm các em sẽ có điều kiện học tập tốt hơn, có đầy đủ các phòng chức năng, cơ sở vật chất phục vụ dạy và học tốt mà phân hiệu Đồng Hưng không có.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, xác minh thực tế và căn cứ vào các văn bản chỉ đạo của các cấp. Phòng giáo dục và đào tạo huyện nhận thấy việc dồn ghép học sinh từ Phân hiệu Đồng Hưng ra học tại điểm trường trung tâm là phù hợp với quy định, đúng với chủ trương chỉ đạo của các cấp. Kiến nghị của công dân về việc không nhất trí dồn ghép học sinh từ phân hiệu ra điểm trường trung tâm là không có cơ sở để giải quyết.
Việc chuyển học sinh từ điểm trường lẻ ra học tại trường chính là phù hợp với các quy định của tỉnh và thực tế giảng dạy ở địa phương. Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động của các cấp chính quyền, nhà trường, các bậc phụ huynh cũng cần phải hiểu rõ và có nhận thức đúng về những lợi ích, hiệu quả của việc sắp xếp, sáp nhập các điểm trường, lớp học giúp con, cháu mình có điều kiện học tập tốt hơn, nâng cao chất lượng giáo dục.
Việc phụ huynh không đưa học sinh đến trường không chỉ gây ra những thiệt thòi cho các em. Vì khi nghỉ học sẽ mất đi rất nhiều kiến thức, đến khi quay lại trường các em sẽ bị hụt hẫng và gây khó khăn cho việc tiếp thu kiến thức đối với các môn học. Việc làm này còn vi phạm pháp luật về quyền được học hành của học sinh nên những phụ huynh này cần sớm thay đổi nhận thức để không làm ảnh hưởng tới quyền lợi của con em mình.