Việc thực hiện sắp xếp lại điểm trường, lớp học đã giúp học sinh được học tập trong điều kiện cơ sở vật chất khang trang, đồng thời góp phần nâng chất lượng giáo dục của tỉnh. Cùng với đó, sắp xếp trường, lớp là để giảm chi phí giáo dục, nhưng phải nâng cao chất lượng. Do đó, khi sắp xếp, giảm điểm trường cần bảo đảm nguyên tắc phù hợp với tình hình thực tế như: Điều kiện đội ngũ cán bộ, giáo viên; cơ sở vật chất, trang thiết bị; diện tích nhà trường; điều kiện đi lại của học sinh, cự ly giữa các trường...
Điểm trường Bản Dần thuộc Trường tiểu học Yên Lập ở thôn Bản Dần, xã Yên Lập, huyện Chiêm Hóa được thành lập từ những năm 2000. Điểm trường cách trường chính khoảng 8 km, do được xây dựng từ lâu, cơ sở vật chất đã xuống cấp không bảo đảm điều kiện học tập và giảng dạy. Thực hiện Kế hoạch 119, năm học 2021-2025, điểm trường Bản Dần được dồn ghép với điểm trường Đầu Cầu ở cùng xã, điểm trường này có cơ sở vật chất, trang thiết bị và điều kiện dạy, học tốt hơn.
Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Bình, phụ trách dạy học tại điểm trường Bản Dần cho biết: Năm học 2023-2024, điểm trường có ba lớp gồm lớp 1, lớp 2 và lớp 5 với 39 học sinh. Điểm trường ở thôn cho nên cha mẹ đưa con em đến lớp rất thuận tiện và gần hơn so với đến trường trung tâm. Tuy nhiên, điểm trường nằm ngay gần sông, học sinh đi lại rất bất tiện và do đang ở độ tuổi hiếu động, việc quản lý học sinh gặp nhiều khó khăn. Năm học này, điểm trường Bản Dần được dồn ghép về điểm trường Đầu Cầu, lớp học có đầy đủ chỗ ngồi để học sinh học tập, có đủ nước uống, nhà vệ sinh... để các em yên tâm học tập.
Cô giáo Hoàng Thị Thúy Lan, Hiệu trưởng Trường tiểu học Yên Lập cho biết: Yên Lập là xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn của huyện, học sinh trên địa bàn chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Tày và Dao. Năm học 2024-2025, trường có 21 lớp học với 610 học sinh và còn bốn điểm trường nữa cần sáp nhập, nhà trường đã dồn ghép được hai điểm trường là Khuôn Khương và Bản Dần.
Trong quá trình triển khai dồn ghép, sáp nhập điểm trường, lớp học, nhà trường cũng gặp phải khó khăn như một số cha mẹ học sinh chưa đồng tình, do họ phải đi làm tại các khu công nghiệp, con em ở nhà với ông bà cho nên khoảng cách từ nhà đến trường chính rất xa, họ chỉ mong muốn cho con học ở điểm trường thôn để thuận tiện cho việc đi lại. Tuy nhiên, khi thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp tiểu học sẽ học hai buổi mỗi ngày; do vậy, nhà trường đã họp và tuyên truyền tới các bậc cha mẹ về chính sách của Nhà nước đối với con em vùng dân tộc khó khăn, phân tích những lợi ích khi dồn ghép điểm trường và về chế độ chính sách, môi trường giáo dục... để cùng hiểu và đồng thuận.
Theo thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chiêm Hóa, khi bắt đầu triển khai thực hiện Kế hoạch 119, năm học 2020-2021 tổng số điểm trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn huyện có 139 điểm trường, lớp ghép. Đến năm học 2023-2024, huyện đã giảm được 60 điểm trường mầm non, vượt kế hoạch được giao 17 điểm. Ông Trần Văn Chính, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chiêm Hóa cho biết: Khi dồn các điểm trường về điểm trường chính, học sinh rất phấn khởi, nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn các em học sinh được hưởng các chế độ như miễn học phí, hỗ trợ 15 kg gạo và tiền ăn 900.000 đồng/tháng. Về học trường chính, việc tổ chức giảng dạy cũng như chăm sóc, giáo dục trẻ sẽ toàn diện hơn. Có những đồ dùng, trang thiết bị không thể mang lên điểm trường được do đó phải học ở những điểm trường chính các em mới được tiếp cận.
Từ đó, chất lượng giáo dục mới được nâng lên. Trong thời gian tới, Phòng tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền tại các xã tuyên truyền, vận động cha mẹ học sinh cố gắng khắc phục những khó khăn trong việc đưa, đón con em đến trường để hoàn thành việc sắp xếp điểm trường, lớp học theo kế hoạch. Cùng với đó, huyện Chiêm Hóa cũng đang khẩn trương triển khai quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh về lộ trình xây dựng trường nội trú và bán trú. Đối với những trường chưa thành lập bán trú, huyện cũng đã chỉ đạo dựa theo điều kiện thực tế, tổ chức cho học sinh ăn trưa tại trường để các em đỡ phải đi lại nhiều.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, đến hết năm học 2023-2024, việc thực hiện sáp nhập giảm các điểm trường trên địa bàn toàn tỉnh đã bảo đảm đúng kế hoạch. Tuy nhiên, còn huyện Chiêm Hóa và Yên Sơn là chưa hoàn thành sắp xếp, giảm điểm trường tiểu học do thiếu nguồn vốn, dẫn tới việc đầu tư xây dựng bổ sung các công trình phục vụ cho việc sắp xếp, sáp nhập, giảm điểm trường lẻ còn gặp khó khăn.