Giải bài toán thiếu giáo viên ở các tỉnh miền núi phía bắc

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên các môn chuyên biệt như: Ngoại ngữ, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, thời gian qua một số trường học tại các tỉnh miền núi phía bắc đã đưa học sinh từ điểm lẻ về trường chính để học; điều động giáo viên dạy tăng tiết ở nhiều trường; cử giáo viên đi học văn bằng 2... Tuy nhiên, để bảo đảm đủ giáo viên các cấp học và giáo viên các môn chuyên biệt ở các tỉnh vùng cao về lâu dài vẫn cần những giải pháp căn cơ ở tầm vĩ mô.
0:00 / 0:00
0:00
Giờ học vẽ của học sinh điểm trường Háng Đồng C, xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. (Ảnh NGỌC TUẤN)
Giờ học vẽ của học sinh điểm trường Háng Đồng C, xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. (Ảnh NGỌC TUẤN)

Đầu năm học 2022-2023 vừa qua, tỉnh Hà Giang thiếu 3.393 giáo viên, chủ yếu là thiếu giáo viên các môn chuyên biệt ở bậc tiểu học và giáo viên mầm non. Ông Nguyễn Thế Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang cho biết, lường trước tình trạng này, từ năm 2019, ngành đã cử 300 giáo viên đi đào tạo văn bằng 2 các môn. Đến cuối năm 2022, đội ngũ này hoàn thành chương trình đào tạo, về tỉnh giảng dạy đã giải quyết một phần khó khăn.

Bước đầu khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

Hà Giang đã đẩy mạnh việc đưa học sinh tiểu học từ điểm trường lẻ về trường chính (nhất là học sinh từ lớp 3). Đến năm học 2022-2023, tỉnh giảm 366 điểm trường tiểu học thôn bản so năm 2016. Các trường giảm số lớp ở điểm trường lẻ, tăng số lượng học sinh tại trường chính, cho nên thuận tiện cho việc sắp xếp giáo viên tiểu học.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung đề xuất tuyển dụng giáo viên mới theo số biên chế đã giao, trong năm học 2022-2023 tuyển được 400 giáo viên mới ở các cấp học. Cùng với đó Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang chỉ đạo các phòng giáo dục tăng cường biệt phái, điều động giáo viên từ nơi thiếu ít sang nơi thiếu nhiều; phân công giáo viên dạy thêm giờ, một giáo viên dạy nhiều trường; ký hợp đồng với các giáo viên...

Cùng với các giải pháp của ngành Giáo dục và Đào tạo, các huyện vùng cao cũng chủ động các phương án khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên dạy các môn chuyên biệt.

Tại huyện Mèo Vạc, năm học 2022-2023 chỉ có một giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học, trong khi huyện có tới 18 trường tiểu học với 76 lớp 3 bắt buộc phải học tiếng Anh theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trước khó khăn trên, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mèo Vạc đã liên hệ và được Trường Marie Curie (Hà Nội) hỗ trợ dạy trực tuyến từ điểm cầu Hà Nội. Từ đầu năm học, Trường Marie Curie đã tuyển 20 giáo viên tiếng Anh dạy trực tuyến cho 18 trường tiểu học trên địa bàn huyện. Mỗi tuần, các lớp 3 trên địa bàn học trực tuyến ba tiết; một tiết học trực tiếp do giáo viên các trường trung học cơ sở giảng dạy, cơ bản khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh. Học tập cách làm này của huyện Mèo Vạc, tất cả các huyện còn lại trên địa bàn tỉnh Hà Giang đều tổ chức dạy trực tiếp kết hợp với trực tuyến bộ môn tiếng Anh cho học sinh tiểu học.

Năm học 2022-2023 tỉnh Tuyên Quang còn thiếu 1.986 giáo viên so với nhu cầu và định mức quy định. Để khắc phục tình trạng này, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã tổ chức mở các lớp bồi dưỡng cho 133 giáo viên dạy Tin học-Công nghệ ở tiểu học; 156 giáo viên trung học cơ sở dạy Lịch sử-Địa lý và 232 giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên.

Sở phối hợp với ủy ban nhân dân cấp huyện phân công, điều động giáo viên các môn chuyên biệt dạy chưa đủ số tiết theo định mức tăng cường cho các trường còn thiếu theo cụm liên trường và cụm trường trong địa bàn huyện.

Đối với môn Tin học cấp tiểu học, nhiều trường chưa có phòng máy vi tính đã chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học cho phù hợp thực tế. Các trường dạy lý thuyết trước, sau đó liên hệ với các trường THCS hoặc THPT trên cùng địa bàn để mượn và sử dụng phòng máy tính để dạy thực hành sau.

Tại tỉnh Sơn La, Sở Giáo dục và Đào tạo vừa triển khai xong khóa bồi dưỡng hơn 650 giáo viên tiểu học để dạy tin học và công nghệ cho học sinh từ lớp 3 trở lên của 12 huyện, thành phố trước khi khai giảng năm học 2023-2024.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức bồi dưỡng cho hơn 1.000 giáo viên trung học cơ sở dạy học tích hợp liên môn theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đối với môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Sở Nội vụ chỉ đạo các huyện, thành phố thực hiện tuyển dụng giáo viên theo biên chế được giao, trong đó ưu tiên tuyển dụng giáo viên đối với các môn học mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật…). Tính đến nay đội ngũ giáo viên cơ bản đáp ứng được công tác giảng dạy cho năm học mới, trong đó bảo đảm theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thực hiện đặt hàng đào tạo giáo viên

Mặc dù đã có nhiều giải pháp khắc phục, nhưng hầu hết các tỉnh miền núi phía bắc vẫn thiếu giáo viên. Theo quy định, định mức giáo viên ở bậc học mầm non là 2,2 giáo viên/lớp, nhưng tỉnh Hà Giang hiện mới có 1,3 giáo viên/lớp; tiểu học mới có 1,31 giáo viên/lớp, cho nên việc thực hiện học hai buổi/ngày rất khó mới đạt 51,1%.

Dự kiến đến năm 2030, ngành giáo dục Hà Giang cần phải bổ sung gần 6.000 cán bộ, giáo viên thay thế cho những người nghỉ chế độ hưu trí, nghỉ chế độ trước tuổi.

Để giải quyết căn bản tình trạng thiếu giáo viên, ông Nguyễn Thế Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang cho biết, về ngắn hạn, ngành sẽ tiếp tục duy trì các giải pháp như những năm học trước. Về lâu dài, tỉnh tiếp tục thực hiện công tác tuyển dụng giáo viên theo số biên chế đã được giao, đồng thời tiếp tục đề nghị Trung ương bổ sung biên chế cho ngành giáo dục vùng cao.

Giải bài toán thiếu giáo viên ở các tỉnh miền núi phía bắc ảnh 1

Giờ học môn giáo dục thể chất tại Trường mầm non Tùng Vài, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang, Vũ Đình Hưng cho biết, hiện nay số lượng giáo viên còn thiếu so với nhu cầu và định mức quy định là 4.245 người. Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp Sở Nội vụ rà soát thực trạng số lớp, học sinh và việc sử dụng, bố trí số lượng người làm việc được giao, thực tế có mặt và nhu cầu của các đơn vị, trên cơ sở đó trình Ủy ban nhân dân tỉnh giao biên chế số lượng người làm việc đối với từng cấp học, bảo đảm cân đối giữa các huyện, thành phố.

Trong khi chưa tuyển dụng đủ số giáo viên, ngành sẽ cân đối số giáo viên giữa các đơn vị để xây dựng và thực hiện kế hoạch biệt phái và ký hợp đồng lao động để bảo đảm đủ đội ngũ cho việc dạy và học trong năm học 2023-2024. Đối với những bộ môn thiếu giáo viên trong phạm vi toàn tỉnh như môn Tin học cấp tiểu học, không thể bố trí kịp thời giáo viên, các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức bố trí dạy học trực tuyến hoặc bố trí giáo viên dạy liên trường, liên cấp.

Một trong những trở ngại đối với ngành giáo dục vùng cao là việc tuyển giáo viên rất khó khăn do nguồn nhân lực tại chỗ chưa đáp ứng được nhu cầu.

Mới đây, tỉnh Hà Giang đã làm việc với Đại học Thái Nguyên để mở Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh và bắt đầu tuyển sinh từ năm 2023. Theo đó, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép đào tạo ba ngành gồm đại học giáo dục mầm non, đại học giáo dục tiểu học, cao đẳng giáo dục mầm non.

Bên cạnh đó, Phân hiệu phối hợp các trường đại học thành viên Đại học Thái Nguyên đào tạo 12 ngành đại học khác. Hiện nay, với kết quả tuyển sinh bước đầu khả quan đối với ba ngành mà Phân hiệu được cấp phép, tỉnh Hà Giang đã thực hiện các thủ tục cần thiết để đặt hàng đào tạo. Căn cứ vào đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ giao chỉ tiêu cho phân hiệu thực hiện công tác đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Hà Giang.

Ông Lục Quang Tấn, Giám đốc Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang cho biết: “Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang được thành lập nhằm tạo cơ hội cho các thí sinh vùng cao bước vào giảng đường đại học, đào tạo nguồn nhân lực cho con em đồng bào các dân tộc Hà Giang và các tỉnh khu vực miền núi phía bắc ở hệ đại học và cao đẳng chính quy”.

Với cách làm này, tình trạng thiếu giáo viên ở các tỉnh miền núi phía bắc nước ta sẽ phần nào được khắc phục trong những năm tới, góp phần thực hiện đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các địa phương.