Bảo đảm quyền lợi học tập cho học sinh trong tuyển sinh đầu cấp

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo trong tuyển sinh đầu cấp, các địa phương phải huy động 100% trẻ 6 tuổi trên địa bàn được vào học lớp 1. Việc tuyển sinh bảo đảm phân tuyến khoa học, hợp lý để thực hiện đúng Điều lệ trường tiểu học. Đối với tuyển sinh THCS, thực hiện theo phương thức xét tuyển.
0:00 / 0:00
0:00
Hỗ trợ phụ huynh đăng ký tuyển sinh trực tiếp tại Trường tiểu học Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội. (Ảnh Thùy Dung)
Hỗ trợ phụ huynh đăng ký tuyển sinh trực tiếp tại Trường tiểu học Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội. (Ảnh Thùy Dung)

Riêng trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào lớp 6 nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh thì sở giáo dục và đào tạo hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh. Đối với tuyển sinh THPT sẽ tổ chức theo một trong ba phương thức: Xét tuyển; thi tuyển hoặc kết hợp thi tuyển với xét tuyển.

Tại Hà Nội, vấn đề tuyển sinh đầu cấp luôn “nóng”, nhất là lần đầu công tác tuyển sinh không sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Năm học 2023-2024, Hà Nội tiếp tục áp dụng hình thức tuyển sinh trực tuyến và trực tiếp để tuyển trẻ mầm non 5 tuổi, lớp 1, lớp 6. Thời gian tuyển sinh trực tuyến các cấp học từ ngày 1 đến hết ngày 9/7; tuyển sinh trực tiếp từ ngày 13 đến hết ngày 18/7; thi tuyển vào lớp 10 ngày 10 và 11/6.

Quá trình tuyển sinh, việc phân tuyến và giao chỉ tiêu bảo đảm phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên từng trường, bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh; hạn chế học sinh trái tuyến ở những trường có số lớp quá cao. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết: Phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện sẽ tham mưu UBND cùng cấp về phân tuyến tuyển sinh phù hợp và có biện pháp kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc thực hiện chỉ tiêu ở các nhà trường, không để xảy ra hiện tượng quá tải ở một số trường.

“Tuyển sinh năm học 2023-2024 là năm đầu thực hiện các thủ tục xác minh thông tin cư trú, ngành giáo dục cam kết hỗ trợ tối đa cho cha mẹ học sinh và bảo đảm quyền lợi học tập cho học sinh” - ông Trần Thế Cương cho biết.

Các trường sẽ hướng dẫn cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh tự kê khai các thông tin cư trú của học sinh và tập hợp danh sách học sinh cần phải xác minh thông tin cư trú, chủ động phối hợp với công an cấp xã, phường để rà soát, xác thực. Các cơ sở giáo dục cũng đẩy mạnh tuyên truyền để cha mẹ học sinh sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID (của bố hoặc mẹ hoặc thành viên hộ gia đình có học sinh) để cung cấp thông tin cư trú cho học sinh.

Tại tỉnh Lào Cai, theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Minh Thuận, các trường THCS của tỉnh tổ chức hướng dẫn học sinh ôn tập; xây dựng kế hoạch tổ chức bồi dưỡng ôn tập cho học sinh có nguyện vọng ôn thi vào lớp 10 THPT bảo đảm khoa học, chất lượng. Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai lưu ý các trường thực hiện tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng sau khi tốt nghiệp THCS; tuyên truyền cho học sinh và phụ huynh về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, nhất là các điểm mới trong công tác tuyển sinh. Đáng chú ý, các cơ sở giáo dục bàn giao hồ sơ cho học sinh, phụ huynh để nộp hồ sơ tuyển sinh theo đúng nguyện vọng; đồng thời không tư vấn lệch dẫn đến mất cơ hội thi tuyển vào lớp 10 của học sinh.

Trong khi đó, tỉnh Bắc Giang cũng sớm triển khai các giải pháp tuyển sinh đầu cấp nhằm huy động tất cả số trẻ sáu tuổi được đến trường; tạo mọi điều kiện để trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em khuyết tật, trẻ em dân tộc ít người và trẻ em ở nước ngoài về nước... vào lớp 1.

Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục không nhận những trẻ chưa đủ tuổi vào học lớp 1 (học trước tuổi) nếu không đủ điều kiện theo quy định về phổ cập giáo dục tiểu học. Các trường không được tổ chức khảo sát để tuyển sinh lớp 1 dưới bất kỳ hình thức nào.

Việc tuyển sinh vào lớp 6 THCS được thực hiện theo phương thức xét tuyển. Đáng chú ý, để giảm bớt khó khăn, áp lực cho học sinh, tại Bắc Giang, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên năm nay sẽ thi ba môn: Toán, Ngữ văn và tiếng Anh. Trong đó, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; môn tiếng Anh và Toán thi theo hình thức trắc nghiệm kết hợp với tự luận. Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang Bạch Đăng Khoa, để học sinh ôn tập kỹ, dự thi đạt kết quả tốt, ngành giáo dục Bắc Giang đã xây dựng nội dung ôn tập và cấu trúc đề thi cho học sinh chuẩn bị dự tuyển vào lớp 10 THPT.

Đối với môn Toán, cấu trúc đề thi gồm 20 câu hỏi trắc nghiệm, trong đó có 14 câu kiến thức đại số và sáu câu kiến thức hình học; phần tự luận chiếm 70% tổng số điểm với 5 câu hỏi. Đối với môn Ngữ văn bao gồm phần đọc hiểu bốn điểm, phần làm văn sáu điểm. Riêng môn tiếng Anh, phần trắc nghiệm chiếm 80% và phần tự luận chiếm 20%.