Tuyên Quang sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06

NDO -

Ngày 4/4, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng về dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh (Đề án 06).

0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng về dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng về dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Qua 2 năm triển khai Đề án 06, tỉnh Tuyên Quang đã thành lập các tổ công tác từ cấp tỉnh đến cấp thôn, xóm.

Tỉnh đã đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến tháng 3/2024, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh cung cấp 1.826 thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Trong đó có 1.047 thủ tục được cung cấp dịch vụ công toàn trình, đạt tỷ lệ 57.33%; 445 thủ tục được cung cấp dịch vụ công một phần, đạt tỷ lệ 24.37%; 335 thủ tục là dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến, đạt tỷ lệ 18.34%.

Hết năm 2023, tỉnh đã hoàn thành 100% chỉ tiêu cấp căn cước công dân cho công dân đủ điều kiện đang sinh sống trên địa bàn, vượt tiến độ 50 ngày so với mốc thời hạn Bộ Công an giao và vượt 102,9% đối với chỉ tiêu thu nhận hồ sơ, kích hoạt tài khoản định danh điện tử theo chỉ tiêu Bộ Công an giao...

Tuyên Quang sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06 ảnh 1

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Hạ tầng công nghệ thông tin cũng được nâng cấp, đáp ứng yêu cầu thực hiện Đề án. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn nhiều hạn chế, như vai trò người đứng đầu cấp ủy, ngành trong thực hiện Đề án còn chưa quyết liệt, chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của Đề án trong thực tiễn; nhiều chỉ số của tỉnh còn thấp, đòi hỏi cần sự quyết tâm, nỗ lực hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ.

Đối với việc kết nối, chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, Tuyên Quang là 1 trong 14 địa phương đầu tiên trên toàn quốc bảo đảm đủ điều kiện kết nối đến cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã hoàn thiện tính năng tra cứu, sử dụng 20 trường thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch trên môi trường điện tử.

Phát biểu tham luận tại hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế và đề xuất giải pháp hoàn thành các nhóm nhiệm vụ trong Đề án 06, như việc trang cấp thiết bị máy móc cho các xã, phường, thị trấn để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06; xử lý, khắc phục vùng lõm sóng tại các địa phương; tiếp tục cập nhật, khai thác các dữ liệu để làm giàu hệ sinh thái thông tin trên môi trường số; đẩy nhanh tiến độ đo đạc cơ sở dữ liệu đất đai kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cách thức tuyên truyền Đề án 06 trong nhân dân; trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai, tổ chức thực hiện Đề án 06 vào cuộc sống; việc chuẩn hóa mã số thuế cá nhân còn chậm; nâng cao thứ hạng Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân doanh nghiệp.

Tuyên Quang sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06 ảnh 3

Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh, Đề án 06 có ý nghĩa cốt lõi, quyết định sự thành công của chương trình chuyển đổi số quốc gia, có tác động trong phạm vi rộng, lan tỏa lớn và có lợi ích thiết thực đối với công tác quản lý, phát triển kinh tế.

Sau 2 năm, việc triển khai đã có kết quả cụ thể, giúp cho hoạt động quản lý điều hành, phát triển kinh tế-xã hội, giúp cho người dân doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Tỉnh Tuyên Quang là địa bàn không có nhiều thuận lợi trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện Đề án 06, tuy nhiên, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của hệ thống chính trị, vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, công chức, sự ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, sau 2 năm đã đạt được kết quả quan trọng.

Đồng chí nhấn mạnh, nhiệm vụ của năm 2024 còn lớn, tuy nhiên, qua thực tế triển khai đề án, vẫn còn nhiều hạn chế, chưa có chuyển biến lớn, như việc thành lập Trung tâm điều hành thông minh (IOC) của tỉnh chậm, điểm số thực hiện Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân doanh nghiệp không bền vững... Những hạn chế này là điểm nghẽn, cản trở, chính vì vậy cần quyết tâm lớn hơn nữa của cả hệ thống chính trị, để triển khai các nhiệm vụ của đề án trong năm 2024.

Tuyên Quang sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06 ảnh 4

Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong 2 năm thực hiện Đề án 06.

Để bảo đảm triển khai kịp thời hiệu quả Đề án 06 trong năm 2024 và những năm tiếp theo, đồng chí Nguyễn Văn Sơn yêu cầu người đứng đầu các địa phương, đơn vị phải tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ quán triệt sâu sắc, thay đổi nhận thức, hành động để thực hiện các Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh trong thực hiện Đề án 06; tập trung cao độ tổ chức thực hiện 71 nhiệm vụ trong năm 2024.

Đồng thời có giải pháp thực hiện tốt Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân doanh nghiệp; tích cực thực hiện các tiện ích từ Đề án 06; nghiên cứu đề xuất triển khai các tiện ích mới.

Công an tỉnh phát huy vai trò cơ quan thường trực để tham mưu, phối hợp Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh đôn đốc, giám sát việc thực hiện theo đúng quy định.

Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị tăng cường công tác phối hợp, giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn trong triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn; đồng thời tiếp tục triển khai các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ; đổi mới công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức; hằng tháng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trực tiếp tổ chức giao ban đánh giá thực hiện Đề án 06 tại địa phương.

Nhân dịp này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã tặng Bằng khen cho 13 tập thể, 20 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 2 năm thực hiện Đề án phát triển ứng dụng về dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.