Năm 2023, tỉnh Tuyên Quang được Trung ương giao hơn 5.280 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách địa phương hơn 1.158 tỷ đồng. Đến hết ngày 31/3, tỉnh giải ngân vốn đầu tư công được 231 tỷ đồng, đạt 7,3% kế hoạch. Thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đứng thứ 53 trong số 63 tỉnh, thành phố; đứng thứ 10 trong số 14 tỉnh khu vực trung du và miền núi phía bắc.
Nguyên nhân là do lũy kế số vốn tạm ứng theo chế độ chưa thu hồi đến hết năm 2022 chuyển sang năm 2023 hơn 947 tỷ đồng chiếm 32% tỷ lệ vốn giao; một số chủ đầu tư chưa tập trung hoàn thiện hồ sơ giải ngân vốn đầu tư công trình phê duyệt quyết toán tại kho bạc theo quy định; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư thực hiện chậm, còn nhiều vướng mắc chưa được giải quyết kịp thời; khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vật liệu đất đắp; một số chủ đầu tư chưa quyết liệt trong việc đôn đốc các nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc, trang thiết bị để đẩy nhanh tiến độ thi công.
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã thảo luận các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án; tháo gỡ khó khăn về đơn giá đất đai, quỹ đất ở trong công tác giải phóng mặt bằng; cải cách đo đạc, lập hồ sơ đền bù, thu hồi đất; tháo gỡ các vướng mắc trong bố trí kinh phí để xây dựng các khu tái định cư; tăng cường nhân lực thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Một số nội dung thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa có quy định hướng dẫn cụ thể.
Các đơn vị thi công đã đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguyên liệu đất đắp, bãi đổ thải; đề xuất ủy quyền để thực hiện thủ tục hành chính nhanh gọn hơn; bố trí nguồn vốn đúng, hiệu quả.
Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang, nhấn mạnh, mấu chốt trong việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công phải từ chính mỗi đơn vị, địa phương, người đứng đầu, cần thay đổi và quyết liệt hơn trong công tác chỉ đạo điều hành. Giải ngân chậm đồng nghĩa với việc không phát huy được hiệu quả nguồn vốn.
Đồng chí Chẩu Văn Lâm yêu cầu các chủ đầu tư tuân thủ nghiêm túc các quy định, linh hoạt trong tháo gỡ khó khăn, xử lý các vấn đề phát sinh khi thực hiện. Cần phân cấp cụ thể, làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị; tiếp tục thực hiện cải cách hành chính.
Những khó khăn về giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư, đất đắp, vật liệu xây dựng cần được giải quyết triệt để, các ngành, các huyện cùng tập trung xây dựng phương án hợp lý, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, không né tránh khi giải quyết các khó khăn.
Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang cũng đề nghị nghiêm túc phê bình những địa phương, cá nhân, đơn vị triển khai giải ngân chậm. Mục tiêu đặt ra trong 6 tháng đầu năm, giải ngân tối thiểu 50%, cả năm giải ngân 98% nguồn vốn.
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang, phát biểu tại hội nghị. |
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang yêu cầu trong quý II, các sở, ngành, các huyện, thành phố quyết liệt trong điều hành, tháo gỡ khó khăn để bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện nghiêm Chỉ thị 08 của Chính phủ, Công điện số 01 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh với tinh thần cao nhất. Các chủ đầu tư phải tập trung cao độ đôn đốc các nhà thầu thi công bảo đảm tiến độ đề ra.
Riêng đối với cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang, các đơn vị phải chuẩn bị các điều kiện khởi công trong tháng 5/2023; khởi công Bệnh viện đa khoa tỉnh trong tháng 6/2023. Các huyện, thành phố phải thực hiện ngay việc giao kế hoạch vốn. Các sở, ngành chuyên môn tập trung phê duyệt quy hoạch sử dụng đất; chủ động rà soát bảo đảm giải ngân vốn đối ứng, thẩm tra quyết toán đúng, đủ; cập nhật giá vật liệu xây dựng kịp thời, sát thực tế.