Động lực để Tuyên Quang thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội

Với 658 di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh, 425 di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc, tỉnh Tuyên Quang xác định văn hóa là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách tham quan di tích lịch sử lán Nà Nưa, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và lãnh đạo Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Du khách tham quan di tích lịch sử lán Nà Nưa, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và lãnh đạo Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

Là địa bàn sinh sống của 22 dân tộc, tỉnh Tuyên Quang có nhiều di sản văn hóa độc đáo của các dân tộc Kinh, Tày, Dao, Cao Lan, Pà Thẻn, Nùng, La Chí, Sán Chỉ...

Từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã có 10 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có nhiều di sản đặc sắc, gồm: lễ hội Lồng Tồng, hát Then của dân tộc Tày; hát Páo Dung và lễ Cấp sắc của dân tộc Dao; hát Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu; hát Sình Ca của dân tộc Cao Lan...

Đặc biệt, tỉnh Tuyên Quang được giao chủ trì, phối hợp với 10 tỉnh khác xây dựng hồ sơ và đề nghị Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tỉnh luôn quan tâm, chú trọng phục dựng, duy trì và phát triển các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc.

Toàn tỉnh hiện có 46 lễ hội, trong đó có 42 lễ hội truyền thống, bốn lễ hội văn hóa. Nhiều lễ hội được nghiên cứu, phục dựng và tổ chức quy mô, bài bản, như lễ hội Lồng Tồng, lễ hội cầu May, lễ hội cầu Mùa của dân tộc Tày; lễ hội Đầm Mây của dân tộc Dao; lễ hội đình Như Xuyên; lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn...

Từ năm 2014 đến nay, tỉnh duy trì tổ chức Lễ hội Thành Tuyên-một lễ hội đặc sắc, do chính nhân dân Tuyên Quang khởi xướng, phát huy và duy trì từ nhiều năm nay, được sách Kỷ lục Guiness Việt Nam công nhận là "Lễ hội có nhiều mô hình đèn lớn nhất Việt Nam".

Lễ hội Thành Tuyên góp phần nâng cao đời sống tinh thần của trẻ thơ và trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, ấn tượng, hấp dẫn, riêng có của tỉnh Tuyên Quang, thu hút đông đảo nhân dân, du khách trong nước và quốc tế.

Với vị thế chiến lược quan trọng trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc, Tuyên Quang được ví như một "bảo tàng cách mạng" của cả nước.

Tuyên Quang vinh dự được Trung ương Đảng và Bác Hồ hai lần chọn làm Thủ đô lãnh đạo cách mạng, đó là: "Thủ đô Khu giải phóng" lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945; "Thủ đô kháng chiến" lãnh đạo thành công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đây cũng là nơi Bác Hồ đã sống, làm việc gần sáu năm; có 65 bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương đóng trụ sở trong thời kỳ kháng chiến. Cùng với đó, nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng, của dân tộc đã diễn ra, nổi bật là: Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội Tân Trào; khai sinh Quốc kỳ, Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đặc biệt hơn, dưới bóng đa Tân Trào lịch sử, đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc Bản Quân lệnh số 1 chỉ huy đơn vị Giải phóng quân tiến về Hà Nội, mở đầu cho thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của dân tộc.

Tỉnh Tuyên Quang còn tự hào là nơi tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa (là đại hội đầu tiên của Đảng được tổ chức ở trong nước sau khi thành lập và đến nay là đại hội duy nhất được tổ chức ngoài Thủ đô Hà Nội); Đại hội thống nhất Việt Minh-Liên Việt; Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất... Những địa danh, sự kiện lịch sử trọng đại mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang cũng như đồng bào cả nước.

Hiện nay, tỉnh Tuyên Quang có 658 di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh (474 di tích lịch sử, 127 di tích văn hóa, 57 danh lam thắng cảnh), có 182 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, 259 di tích được xếp hạng cấp tỉnh.

Trong đó có ba di tích và danh thắng đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, gồm: Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào; Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Bình; Khu danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Na Hang-Lâm Bình.

Những "địa chỉ đỏ" này phục vụ hiệu quả công tác giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng của dân tộc gắn với phát triển du lịch. Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh Tuyên Quang tập trung nguồn lực bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.