Với định hướng “Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và không có điểm dừng”, sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2023, xã Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, đang tập trung mọi nguồn lực, phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2026-2030.
Ruộng bậc thang ở xã Hồng Thái, huyện Na Hang là điểm thu hút khách du lịch. |
Ông Chẩu Văn Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hồng Thái chia sẻ, Hồng Thái là xã vùng cao của huyện Na Hang, có đông đồng bào dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Dao chiếm hơn 70%, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, cuộc sống của người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Để giữ vững các tiêu chí nông thôn mới nâng cao đã đạt được và tập trung các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện xã nông thôn mới kiểu mẫu, xã đã đề ra các giải pháp để thực hiện các tiêu chí khó, trong đó cần phát huy thế mạnh sẵn có của địa phương, thay đổi cơ cấu cây trồng, tư duy canh tác, đưa các giống cây mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân.
Đến nay, xã đã phát triển vùng nông sản sạch, với gần 100ha chè đặc sản, hơn 90ha lê, hàng chục ha rau sạch các loại... Cùng với đó, xã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Hợp và Hợp tác xã Sơn Trà chuyên sản xuất rau an toàn, thu mua, chế biến chè và dịch vụ trồng trọt. Qua đó, đầu ra nông sản cho bà con đã được giải quyết, giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Đóng gói sản phẩm chè Shan Tuyết của Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái, huyện Na Hang. |
Ông Đặng Ngọc Phố, Giám đốc Hợp tác xã Sơn Trà cho biết: Hợp tác xã Sơn Trà hiện đang quản lý 21ha chè Shan tuyết được chứng nhận hữu cơ và nhiều diện tích chè Shan liên kết với người dân trên địa bàn huyện; xưởng chế biến chè của hợp tác xã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu ISO 22000: 2018.
Các sản phẩm của Hợp tác xã đều sản bảo đảm nguyên tắc “ba không”: không có sâu bệnh, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học, không pha tạp. Với định hướng phát triển đúng đắn cùng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, việc nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho chè Shan tuyết đã tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân bản địa, góp phần vào công cuộc giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Cùng với việc chú trọng phát triển nông nghiệp, Hồng Thái còn phát huy lợi thế được thiên nhiên ban tặng, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc để phát triển các loại hình du lịch cộng đồng.
Xã định hướng cho người dân, đặc biệt là những hộ gia đình có khả năng làm du lịch cộng đồng tiếp cận với nguồn vốn của ngân hàng để xây dựng, chỉnh trang khuôn viên nhà ở và khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn.
Hiện xã có 5 hộ làm homestay, đủ tiêu chuẩn đón khách với năng lực phục vụ 300 khách/ngày đêm. Từ đầu năm đến giữa tháng 10/2024, xã thu hút được trên 76.200 lượt khách đến tham quan trải nghiệm, tổng doanh thu xã hội từ du lịch hơn 10,9 tỷ đồng.
Đồng chí Chẩu Văn Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hồng Thái cho biết thêm, đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 51,1 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ nghèo đa chiều là 25/327 hộ, chiếm 7,64%.
Đường thôn, xã và đường liên xã, đường trục chính nội đồng được cứng hóa đạt tỷ lệ 100%. Số có nhà ở kiên cố và bán kiên cố đạt gần 94%. Số hộ có nhà tắm hợp vệ sinh đạt 93%; số hộ bảo đảm 3 sạch (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) đạt 96%; số hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt 99,7%...
Thời gian tới, Ủy ban nhân dân xã tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ vai trò, lợi ích trong xây dựng nông thôn mới, đồng thời vận dụng, lồng ghép sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ để hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao.
Xã phấn đấu hết năm 2024, thu nhập bình quân đạt trên 52 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm dưới 7%.
Khẩn trương thi công hoàn thiện công trình chỉnh trang khuôn viên cây xanh và cải tạo nâng cấp tuyến đường ven sông Lô tại thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên. |
Thực hiện xây dựng huyện nông thôn mới, đến nay, huyện Hàm Yên đã huy động được hơn 332 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa, chiếm 15,2% nguồn vốn xây dựng nông thôn mới; vận động nhân dân hiến 106.413m2 đất, giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn.
Từ nguồn xã hội hóa và nguồn ngân sách Nhà nước, huyện đã đầu tư, cải tạo hơn 200km đường giao thông nông thôn; lắp đặt 37,3km kênh mương; nâng cấp 12 công trình thủy lợi; cải tạo, xây mới 72 công trình trường học; 8 nhà văn hóa xã, 40 nhà văn hóa thôn được nâng cấp, xây mới; hỗ trợ xóa 1.634 nhà tạm, dột nát...
Để hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới, huyện Hàm Yên đã có nhiều cách làm sáng tạo, trong đó có phong trào Ngày thứ bảy cùng dân, Ngày thứ bảy làm nông thôn mới...
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Yên Nguyễn Việt Phương cho biết: Địa phương thường xuyên rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí, bám sát lộ trình đề ra với những giải pháp cụ thể. Đồng thời, tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận của nhân dân, doanh nghiệp tham gia chung sức thực hiện các tiêu chí liên quan đến giao thông, thủy lợi, môi trường và xây dựng thêm nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị... góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân.
Hiện nay, toàn huyện đã có 13/17 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, xã Đức Ninh đạt xã nông thôn mới nâng cao, xã Bình Xa đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện, đã đạt 5/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, trong 4 tiêu chí còn lại, có nhiều chỉ tiêu đã đạt, phấn đấu hết năm 2024 huyện sẽ hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới.
Bình Xa là xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Hàm Yên. |
Đồng chí Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Hiện, thành phố Tuyên Quang đang duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng tiêu chí thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới theo quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Với mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có 95 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 30% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Hàm Yên và huyện Sơn Dương được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Đến hết tháng 9/2024, tiêu chí bình quân trên xã xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh đạt 16,12 tiêu chí/xã. Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024 trên địa bàn tỉnh hơn 3.681 tỷ đồng. Phấn đấu đến 31/12/2024 tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đạt 95% trở lên.
Dù đã đạt được kết quả nhất định, nhưng vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như việc duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí đã đạt chuẩn ở một số xã, đặc biệt là ở các xã thuộc khu vực III, điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn. Việc đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn như cầu đường, trường học, chợ, cơ sở vật chất văn hóa… cần nhu cầu vốn lớn, trong khi ngân sách của tỉnh, huyện, xã còn hạn chế, việc huy động nhân dân đóng góp gặp nhiều khó khăn.
Để tháo gỡ khó khăn, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Văn bản số 3625/UBND-KT ngày 12/8/2024 về việc phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện, hoàn thiện các tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chỉ đạo các sở, ban, ngành tăng cường chỉ đạo, kiểm tra và hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện đúng quy trình, thủ tục, bảo đảm hồ sơ thanh, quyết toán dự án, công trình tuân thủ đúng quy định của nhà nước. Việc hoàn thành các tiêu chí tại các xã mục tiêu năm 2024 phải hoàn tất trước ngày 15/12/2024.