Chúng tôi đến với Quảng Bình trong niềm cảm xúc dâng trào khi thắp hương tại Đền Tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn - bến phà Long Đại tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Kỷ niệm Ngày 27/7 năm nay cũng là tròn 10 năm ngày khánh thành Đền. Đoàn do Phó Tổng Biên tập báo Sài Gòn giải phóng Nguyễn Khắc Văn dẫn đầu cùng các cựu chiến binh, các nhà văn, nhà thơ và thân nhân gia đình đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Trong trang sử vàng chống Mỹ cứu nước, Bến phà Long Đại (Quảng Bình) trong chiến tranh là địa điểm đế quốc Mỹ ném quả bom đầu tiên đánh phá tuyến đường Trường Sơn, nhằm cắt đứt đường chi viện cho miền nam. Nơi đây đã hứng chịu hàng triệu tấn bom dội xuống suốt giai đoạn từ năm 1965 đến năm 1972. Đây cũng là nơi có nhiều Anh hùng liệt sĩ anh dũng hy sinh khi bảo vệ tuyến đường vận chuyển Đông Trường Sơn.
Ngày 16/6/1972, tại bến phà Long Đại, 15 thanh niên xung phong quê Nghệ An đang chào cờ trước lúc ra trận địa làm đường thông xe thì một trận bom của không quân Mỹ dội xuống, làm tất cả hy sinh, hầu hết họ đều ra đi khi tuổi đời chỉ mười tám, đôi mươi. Tiếp tục nhiệm vụ của họ là lực lượng thanh niên xung phong quê lúa Thái Bình, nhưng sau ba tháng, một loạt bom khác cũng cướp đi mạng sống của 16 chàng trai, cô gái C130 đang tiếp sức cho phà Long Đại. Ngoài ra, bến phà này còn chứng kiến hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị khác hy sinh do bom đạn mỗi ngày trong chiến tranh.
Cách đây 10 năm, Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, khi ấy đã 87 tuổi vẫn bay từ thành phố Hồ Chí Minh ra Vinh, rồi từ Vinh đi xe vào Quảng Bình dự lễ khánh thành Đài tưởng niệm Long Đại, đã tâm sự: “Số lượng anh em mất mát, hy sinh để bảo vệ phà được cộng thêm từng giờ, từng ngày. Ngày ấy, ác liệt đến nỗi ngay sau khi chúng tôi đưa Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm trung đội pháo binh bảo vệ phà, thì toàn bộ đơn vị bị bom, trung đội trưởng tên Bàng hy sinh mà trên môi vẫn như đang cười, tiếp lửa cho người còn sống tiếp tục chiến đấu. Rất nhiều liệt sĩ đã nằm lại, thân thể hòa với cây cỏ, sông nước Long Đại. Do vậy, đền tưởng niệm này là công trình thể hiện đạo lý, là công trình để đời cho con cháu sau này luôn nhớ về một thời cha ông đã anh dũng xả thân vì nước”.
Và cũng chính nơi này, còn khắc ghi nơi Đền thờ, những dòng thơ của một người lính là Vũ Đình Văn, cũng là bạn học của tôi tại Đại học Sư phạm Hà Nội I mà khi đọc lên ai cũng rưng rưng nước mắt: Đêm ấy đêm trăng/ Chúng tôi hành quân qua phà Long Đại/ Nơi mảnh bom thù dày hơn đá sỏi/ Nơi trao tay mình tiền phương, hậu phương/ Nơi ấy ngã ba chiến trường/ Nơi một tấm ván phà mấy trăm vết đạn/ Nơi ngọn hải đăng trong gió gào vẫn sáng/ Nơi mở đường đưa máu chảy về tim/ Nơi chuyến phà sang ngang trong đêm/ Tôi thấy lửa gọi những ngày sẽ đến/ Thấy những xe hàng nôn nao ra tiền tuyến/ Và thấy những đoàn quân đi xanh dãy Trường Sơn.
Các nhà văn, nhà báo và đại diện Vietcombank viếng thăm Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn- bến phà Long Đại. |
Lại nhớ năm 2009, khi cả nước kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, bến phà Long Đại được nhắc đến như địa danh lừng lẫy với bao chiến công của lòng yêu nước, quả cảm.
Người dân Long Đại lúc đó đãgửi 10.000 bức thư đi khắp nơi. Và sau đó, một dự án xây dựng đền đã hình thành khi chương trình "Nghĩa tình Trường Sơn" của Báo Sài Gòn giải phóng được phát động. Sau hai năm thi công,17 giờ ngày 20/7/2013, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình, Báo Sài Gòn giải phóng và Ngân hàng Vietcombank đã phối hợp tổ chức lễ khánh thành Đền Tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn- bến phà Long Đại với trị giá đầu tư 10 tỷ đồng.
Đã 10 năm trôi qua, Đền Tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn - bến phà Long Đại vẫn hết sức uy nghi, linh thiêng và sạch đẹp soi mình bên dòng sông Long Đại trong xanh và là một điểm tham quan về nguồn. Rất nhiều đoàn khách quốc tế, bao gồm cả những nguyên thủ quốc gia, hàng chục nghìn đoàn khách trong nước, ngoài nước và nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta đã về đây dâng hương, đặt vòng hoa tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ cũng như nhân dân trong vùng đã hy sinh thân mình trong cuộc kháng chiến vì sự nghiệp giải phóng miền nam và thống nhất Tổ quốc. Họ sống mãi với non sông đất nước ta.