Năng lượng tái tạo đang ngày càng khẳng định vị trí quan trọng

NDO - Năng lượng tái tạo được hiểu là nguồn năng lượng có thể được tái tạo hoặc tái sinh trong thời gian ngắn so thời gian mà nó được sử dụng. Là nguồn tài nguyên quý giá, năng lượng tái tạo đang ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong cơ cấu năng lượng toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Năng lượng tái tạo hứa hẹn sẽ mang lại những thay đổi tích cực cho nền kinh tế và môi trường sống.
Năng lượng tái tạo hứa hẹn sẽ mang lại những thay đổi tích cực cho nền kinh tế và môi trường sống.

Xu hướng toàn cầu

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt, xu hướng toàn cầu đang chuyển dịch mạnh mẽ sang sử dụng năng lượng tái tạo. Các quốc gia trên thế giới nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của việc phát triển nguồn năng lượng sạch, không chỉ nhằm bảo vệ môi trường mà còn bảo đảm an ninh năng lượng trong tương lai.

Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ và Trung Quốc là những nước điển hình cho nỗ lực sử dụng năng lượng tái tạo thay cho nhiên liệu hóa thạch. Các nước này đặt ra mục tiêu đầy tham vọng về tăng cường tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ năng lượng. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo đang mở ra những cơ hội mới cho nền kinh tế toàn cầu, đồng thời thúc đẩy sự chuyển mình của các ngành công nghiệp truyền thống sang mô hình bền vững hơn.

Liên minh châu Âu là một trong những khu vực đi đầu trong việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển nguồn năng lượng sạch. Với quyết tâm mạnh mẽ, Liên minh châu Âu đặt mục tiêu tăng tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng sinh học lên 60% vào năm 2030, tăng cường công suất điện gió ngoài khơi lên gấp 25 lần vào năm 2050 nhằm đạt mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050.

Nhận thức tầm quan trọng của phát triển bền vững gắn liền bảo đảm nguồn năng lượng tái tạo, Chính phủ Mỹ đã triển khai nhiều chính sách mạnh mẽ nhằm thúc đẩy năng lượng tái tạo và giảm khí thải carbon.

Đạo luật Đầu tư cơ sở hạ tầng và việc làm (IIJA) cho phép chi 1,2 nghìn tỷ USD, trong đó 550 tỷ USD, dành cho năng lượng tái tạo, nhằm cải thiện giao thông, cung cấp nước sạch và nâng cao cơ sở hạ tầng. Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) trị giá 430 tỷ USD tiếp tục hỗ trợ an ninh năng lượng và khuyến khích sản xuất năng lượng xanh. Đạo luật Cải cách cấp phép năng lượng (EPRA) được ban hành để cải thiện quy trình cấp phép và đáp ứng nhu cầu điện.

Từ năm 2023, đầu tư vào năng lượng tái tạo đã tăng mạnh, đạt 1,7 nghìn tỷ USD toàn cầu, với Mỹ chiếm 303 tỷ USD, nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của năng lượng tái tạo trong nền kinh tế.

Là một đất nước sử dụng phần lớn nguồn nhiên liệu hóa thạch (dầu mỏ, khí đốt, than,…), giờ đây, Trung Quốc xem trọng việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm trong việc phát triển nền kinh tế dẫn đầu thế giới.

Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng tỷ trọng của nhiên liệu tái tạo trong tiêu thụ năng lượng sơ cấp lên khoảng 25% vào năm 2030. Đây được coi là mục tiêu chính nằm trong cam kết của Trung Quốc nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon trước năm 2030, và là một phần của chương trình cải tổ toàn diện năng lượng quốc gia, nhằm cắt giảm dần các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường.

Xu hướng năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Với đường bờ biển dài và khí hậu nhiệt đới, Việt Nam nhận được lượng nhiệt mặt trời dồi dào. Đây được xem là một trong những tiềm năng lớn để phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo tại nước ta.

Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một trong số 14 nước trên thế giới đứng đầu về tiềm năng thủy điện. Hiện nước ta có 387 trạm thủy điện với tổng công suất ước đạt hơn 8.000MW. Lợi thế đường bờ biển dài theo chiều dọc đất nước, Việt Nam có nhiều tiềm năng khai thác năng lượng gió, tập trung chủ yếu ở vùng duyên hải miền trung, miền nam, Tây Nguyên như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu…

Việt Nam nằm ở khu vực cận xích đạo, tổng số giờ nắng cao hơn 2.500 giờ/năm, tổng lượng bức xạ trung bình năm vào khoảng 230-250 kcal/cm2/ngày. Đây là một lợi thế cho Việt Nam khai thác nguồn năng lượng tái tạo này để phục vụ cho nhu cầu sản xuất năng lượng tái tạo.

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đến cuối năm 2023, tổng công suất nguồn điện (đã COD) toàn hệ thống đạt khoảng 80.555MW, tăng ~2.800MW so năm 2022. Trong đó, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) là 21.664MW, chiếm tỷ trọng 27%, nhiệt điện than là 26.757MW, chiếm tỷ trọng 33,2%; thủy điện (bao gồm thủy điện nhỏ) là 22.872MW, chiếm tỷ trọng 28,4%. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện.

Quyết định số 2068/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược phát năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quan điểm chính là phát triển năng lượng tái tạo với triển khai thực hiện mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường: Kết hợp phát triển năng lượng tái tạo với các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường là cần thiết. Năng lượng tái tạo không chỉ mở rộng quy mô và tăng tỷ lệ trong cung cấp năng lượng, mà còn giải quyết nhu cầu năng lượng cho nông thôn, thúc đẩy sản xuất và xây dựng xã hội tiết kiệm, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Phát triển này cần dựa trên nguồn lực và nhu cầu phát triển của từng địa phương.

Bên cạnh đó, phát triển năng lượng tái tạo cần kết hợp với công nghiệp chế tạo thiết bị. Cần ưu tiên các lĩnh vực như điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối, mở rộng nhu cầu thị trường và tăng cường hợp tác quốc tế để chuyển giao công nghệ. Mục tiêu là tự chủ công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững ngành công nghiệp năng lượng tái tạo.

Tương lai của năng lượng tái tạo hứa hẹn sẽ mang lại những thay đổi tích cực cho nền kinh tế toàn cầu và môi trường sống. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và các chính sách hỗ trợ từ chính phủ, năng lượng tái tạo không chỉ trở thành nguồn cung cấp điện chính mà còn góp phần giảm thiểu khí thải carbon và chống biến đổi khí hậu.

Việc đầu tư vào năng lượng tái tạo sẽ không chỉ tạo ra hàng triệu việc làm mới mà còn xây dựng một hệ thống năng lượng bền vững hơn cho các thế hệ tương lai.