Giáo sư Shimon Sakaguchi.
Giáo sư Shimon Sakaguchi.

Tương lai của liệu pháp tế bào T trong điều trị ung thư

NDO - Giáo sư Shimon Sakaguchi nổi tiếng với việc phát hiện ra các tế bào T điều hòa cho rằng đây là liệu pháp điều trị hiệu quả bệnh ung thư, các bệnh lý tự miễn trong tương lai. 

Giáo sư Shimon Sakaguchi là nhà miễn dịch học và Giáo sư xuất sắc tại Trung tâm Nghiên cứu miễn dịch tiên phong (IFReC), Đại học Osaka, Nhật Bản. Ông nổi tiếng với việc phát hiện ra các tế bào T điều hòa (Tregs) và sử dụng trúng đích để kích hoạt và tăng cường khả năng miễn dịch của khối u cũng như điều trị các bệnh tự miễn và các bệnh viêm nhiễm khác trong môi trường lâm sàng.

Bên lề tọa đàm phiên y sinh tại Tuần lễ Khoa học-Công nghệ VinFuture, Giáo sư Shimon Sakaguchi đã có những chia sẻ về hành trình nghiên cứu tế bào T và tương lai của liệu pháp này trong điều trị các bệnh lý miễn dịch.

Phóng viên: Thưa Giáo sư Shimon Sakaguchi, việc áp dụng liệu pháp T-cell trong điều trị ung thư hiện nay đã được ông nghiên cứu trong bao lâu và kết quả của nghiên cứu đó tính tới thời điểm hiện tại là như thế nào?

Giáo Sư Shimon Sakaguchi: Tôi đã nghiên cứu lĩnh vực này được 40 năm rồi, từ giai đoạn thử nghiệm trên động vật sang giai đoạn thử nghiệm trên người và giờ đã đến giai đoạn có thể áp dụng cho điều trị các bệnh về tim mạch và đặc biệt là các bệnh về miễn dịch liên quan đến tự miễn.

Phóng viên: Liệu pháp tế bào T này sẽ hiệu quả khi điều trị cho những bệnh lý tự miễn nào?

Giáo sư Shimon Sakaguchi: Ở đây có 2 xu hướng áp dụng, cụ thể là người ta ứng dụng liệu pháp tế bào T với 2 cách tiếp cận. Một là giảm tế bào Treg trong cơ thể, từ đó có thể hỗ trợ điều trị ung thư hiệu quả hơn và hiện tại, liệu pháp này đang được thử nghiệm lâm sàng.

Phương pháp thứ 2 đó là tăng lượng tế bào Treg này lên, giải pháp này sẽ giúp điều trị các bệnh như là tim mạch, dị ứng hay là một số các loại bệnh khác. Cách thực hiện này là người ta sẽ lấy lượng tế bào Treg có sẵn trong cơ thể của chúng ta, phân tách ra khỏi hệ thống miễn dịch sau đó nhân rộng, tăng số lượng tế bào lên và sau đó đưa ngược trở lại cơ thể và sử dụng chúng để ức chế các tế bào có hại và giúp quá trình điều trị hiệu quả hơn.

Cả 2 cách tiếp cận này đều đang trong giai đoạn thử nghiệm hiệu quả.

Tương lai của liệu pháp tế bào T trong điều trị ung thư ảnh 1

Giáo sư Shimon Sakaguchi trao đổi tại phiên tọa đàm về y sinh.

Phóng viên: Liệu pháp này đã được sử dụng tại các bệnh viện lớn chưa, ví dụ tại nơi giáo sư đang sinh sống?

Giáo sư Shimon Sakaguchi: Hiện nay liệu pháp này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, kể cả ở Mỹ hay là châu Âu, họ vẫn đang trong giai đoạn này.

Liệu pháp sử dụng tế bào Treg này có thể được sử dụng để điều trị bệnh của những người trẻ mắc phải, ví dụ như đái tháo đường tuýp 1. Hy vọng trong một vài năm nữa, chúng ta có thể áp dụng liệu pháp này vào điều trị rộng rãi. Còn bây giờ, nó vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

Phóng viên: Các chuyên gia đều chia sẻ rằng Hoa Kỳ, Đức, Anh… có số người mắc bệnh tự nhiễm tăng đến 50% sau đại dịch. Ông có đánh giá nào về vấn đề này và liệu pháp Treg có thể giúp gì cho việc giảm bớt bệnh tự miễn không?

Giáo sư Shimon Sakaguchi: Tôi nhận thấy rằng, các bệnh tự miễn có xu hướng tăng ở những nước giàu có như ở Mỹ, châu Âu hay khu vực Scandinavian. Những nước này là những nước rất phát triển về kinh tế, điều kiện vệ sinh cũng rất tốt nhưng nguy cơ từ các bệnh tự miễn lại ngày càng tăng. Các bệnh liên quan đến dị ứng hay hệ miễn dịch của cơ thể đều có xu hướng tăng.

Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao lại như vậy? Các quốc gia này có tỷ lệ bệnh truyền nhiễm giảm rất mạnh nhưng các bệnh tự miễn lại gia tăng. Người ta vẫn không hiểu tại sao ở một quốc gia giàu có về tài chính, với điều kiện vệ sinh tốt, bệnh truyền nhiễm giảm nhưng bệnh tự miễn lại tăng lên.

Ít nhất các thử nghiệm trên động vật cho thấy rằng liệu pháp sử dụng tế bào Treg có hiệu quả trong việc điều trị các bệnh tự miễn. Và một số khảo sát ở nhiều nước giàu có bao gồm cả Nhật Bản cho thấy trẻ em hồi bé gặp nhiều căn bệnh như quai bị hay các bệnh truyền nhiễm khác nhưng giờ đây thì gần như là không có.

Ở thời của tôi, rất nhiều bạn bè mắc những căn bệnh lây nhiễm như vậy nhưng có lẽ bây giờ nhờ vaccine nên không còn tình trạng như vậy. Vậy thì ứng dụng với liệu pháp tế bào Treg là chúng ta huấn luyện cho tế bào Treg. Làm như vậy để tế bào Treg giúp kiểm soát cơ thể chúng ta không quá khỏe mạnh nhưng cũng không quá yếu và bằng cách cho tế bào Treg tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh để cho các tế bào quen và tăng sức đề kháng.

Đối với Covid-19, chúng tôi không chắc chắn tỷ lệ người gia tăng các bệnh tự miễn là do virus Covid-19 làm suy giảm hệ miễn dịch của chúng ta hay là do một nguyên nhân nào khác. Chúng tôi không có một câu trả lời chắc chắn, tuy nhiên tôi cho rằng việc áp dụng liệu pháp tế bào Treg này, ít nhất trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên động vật là xu hướng có thể sử dụng để điều trị.

Tương lai của liệu pháp tế bào T trong điều trị ung thư ảnh 2

Giáo sư Shimon Sakaguchi cho biết các nhà nghiên cứu vẫn đang ở giai đoạn tìm kiếm các giải pháp sử dụng tế bào Treg, CAR-T để điều trị các tác nhân đích.

Phóng viên: Tế bào T cũng là hướng nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trên thế giới, Việt Nam cũng đang ứng dụng CAR-T trong điều trị một số bệnh lý về ung thư như ung thư máu, giáo sư đánh giá như thế nào về vấn đề điều trị này và ông có hiểu về liệu pháp điều trị đó tại Việt Nam hay không?

Giáo sư Shimon Sakaguchi: Tôi cũng biết là Việt Nam áp dụng tế bào CAR-T vào điều trị ung thư máu, tuy nhiên vẫn là các khó khăn tương tự như các nước khác đang gặp phải, kể cả Nhật Bản cũng vậy.

Thế giới ngày này ngày càng phẳng hơn, chúng ta cũng gặp phải những vấn đề khá tương tự và cách giải quyết của chúng ta cũng khá là tương đồng. Việc áp dụng liệu pháp tế bào CAR-T này cũng tương tự như vậy, đều tương đồng với điều kiện như ở Việt Nam.

Phóng viên: Đâu là những khó khăn thách thức khi đưa liệu pháp này vào điều trị các bệnh tự miễn, thưa giáo sư?

Giáo sư Shimon Sakaguchi: Tôi nghĩ đây là vấn đề về tương lai. Các quốc gia có cách tiếp cận khác nhau trong điều trị ung thư ví dụ như trong điều trị ung thư máu. Cuối cùng thì người ta vẫn đang ở giai đoạn tìm kiếm các giải pháp sử dụng tế bào Treg, CAR-T để điều trị các tác nhân đích.

Sau một quá trình nghiên cứu như vậy, đến thời điểm này, họ nhận thấy rằng với công nghệ của phương pháp này, vẫn còn rất nhiều vấn đề như tác dụng phụ hay khó khăn liên quan. Chúng ta hy vọng trong tương lai chúng có thể giải quyết được để phương pháp điều trị này an toàn hơn, ít đắt đỏ hơn và giải quyết được nhiều loại ung thư khác nhau.

Phóng viên: Hiện tại, hướng nghiên cứu của ông đối với liệu pháp tế bào T này là như thế nào?

Giáo sư Shimon Sakaguchi: Có 2 hướng nghiên cứu trong tương lai đối với các mục đích khác nhau hay các tế bào T cell đích khác nhau.

Thứ nhất là giảm lượng tế bào T cell trong cơ thể có hiệu quả trong việc điều trị ung thư. Tuy nhiên điểm tiêu cực là nó gây ra nhiều tác dụng phụ và câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tăng tính hiệu quả trong việc điều trị ung thư bằng việc giảm lượng tế bào Treg nhưng cũng đồng thời giảm tác dụng phụ đối với cơ thể. Hướng nghiên cứu này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

Cách tiếp cận thứ 2 là tăng lượng tế bào Treg, người ta cũng đang có rất nhiều thử nghiệm. Ta cũng có 2 hướng tiếp cận, 1 là tăng lượng tế bào Treg trong cơ thể và cách thứ 2 là phân tách lượng tế bào Treg ra khỏi cơ thể, nhân số lượng sau đó đưa ngược trở lại cơ thể.

Cả 2 cách này đều đang được quan tâm rất nhiều, chủ động nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng.

Xin cảm ơn Giáo sư Shimon Sakaguchi!

back to top