Sau đại dịch, nguy cơ mắc bệnh tự miễn tăng 20-50%

NDO - Miễn dịch học, liệu pháp nhắm đích, liệu pháp tế bào T, phương pháp điều trị các bệnh tự miễn… là nội dung thu hút nhiều sự quan tâm của giới khoa học trong lĩnh vực y tế trong phiên tọa đàm “Thúc đẩy miễn dịch học chính xác để điều trị các bệnh rối loạn tự nhiên” của Tuần lễ Khoa học-công nghệ VinFuture chiều 18/12.
0:00 / 0:00
0:00
Các nhà khoa học trao đổi tại tọa đàm.
Các nhà khoa học trao đổi tại tọa đàm.

Tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang phát triển, thách thức trong điều trị các vấn đề rối loạn miễn dịch hiện nay là khoảng cách giữa nhu cầu của người bệnh và các sản phẩm điều trị.

Tại tọa đàm, các diễn giả tập trung thảo luận các liệu pháp điều trị nhắm đích, bao gồm liệu pháp tế bào sử dụng lympho T điều hòa, các kháng thể đơn dòng để điều trị một số bệnh lý tự miễn như lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp, xơ cứng bì... Những phương pháp điều trị theo hướng miễn dịch học chính xác này hứa hẹn có thể chữa khỏi hoàn toàn các bệnh lý tự miễn.

Thế giới đối mặt với nguy cơ các bệnh tự miễn

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá cao hội nghị quy tụ được các nhà khoa học hàng đầu thế giới quan tâm thúc đẩy miễn dịch học để điều trị rối loạn tự miễn.

Theo Thứ trưởng, bệnh rối loạn tự miễn được công nhận lần đầu vào năm 1900. Sau đó, con người đã có bước tiến đáng kể nhưng việc làm sáng tỏ nguyên nhân gây bệnh vẫn là thách thức lớn, tốn nhiều thời gian, công sức của các nhà khoa học. Nhân loại hiện biết 100 loại bệnh tự miễn trong cả nghìn bệnh lý hiếm gặp.

Sau đại dịch, nguy cơ mắc bệnh tự miễn tăng 20-50% ảnh 1

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại tọa đàm.

Sau đại dịch, chúng ta thấy nguy cơ mắc bệnh tự miễn tăng 20-50%. Tại Việt Nam cũng ghi nhận tỷ lệ mắc rối loạn miễn dịch sau dịch tăng nhưng còn hạn chế trong phát hiện, điều trị.

“Hiểu biết về rối loạn tự miễn còn hạn chế, nhiều khó khăn về tiếp cận các loại thuốc. Tọa đàm là nơi để hợp tác mang tới hy vọng cho người bệnh”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhận định.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Đĩnh, Trưởng khoa Nội chung, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, giảng viên lâm sàng thuộc Khối Khoa học Sức khỏe, Trường Đại học VinUniversity, Việt Nam, bệnh tự miễn là hệ tự miễn tấn công tế bào cơ thể, như vảy nến, viêm mạch máu…

Trước kia bệnh tự miễn được coi là hiếm gặp nhưng hiện gặp ở khoảng 4-5% trong cộng đồng dân số.

“Tỷ lệ bệnh tự miễn ngày càng tăng và gặp nhiều trên lâm sàng. Nghiên cứu thế giới hiện tại có tới 20% bệnh lý tập trung vào bệnh tự miễn. Việt Nam có 100 triệu dân nhưng tỷ lệ bệnh tự miễn khoảng 4%, tức là có khoảng 4 triệu người bị mắc bệnh. Đó là câu hỏi để chúng ta nghiên cứu phương án điều trị”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đĩnh nói.

Theo chuyên gia này, hiện các nhà nghiên cứu đang xác định các yếu tố dấu ấn sinh học, các kháng thể để chẩn đoán sớm cho bệnh nhân. Ngoài ra, còn xác định yếu tố bệnh học để áp dụng trong điều trị.

“Vấn đề là các chuyên ngành phải phối hợp điều trị giúp cho bệnh nhân tốt nhất. Ví dụ bệnh nhân gặp cả vấn đề về thể chất và tâm lý thì cần điều trị cả 2. Có khoảng 25% bệnh nhân không chỉ mắc một bệnh lý tự miễn là nhiều. Chúng ta phải có liệu pháp đích và một số liệu pháp điều trị trên tế bào T và B được triển khai để điều trị bệnh lý tự miễn”, Tiến sĩ Đĩnh cho hay.

Sau đại dịch, nguy cơ mắc bệnh tự miễn tăng 20-50% ảnh 2

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đĩnh, Trưởng khoa Nội chung, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, giảng viên lâm sàng thuộc Khối Khoa học Sức khỏe, Trường Đại học VinUniversity, Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm.

Theo Giáo sư Pascale Cossart, hệ vi sinh vật ở con người giống vi khuẩn, virus nhưng lành tính và đã cố định trên da, đường ruột. Cơ thể chứa số lượng vi khuẩn gấp nhiều lần số tế bào cơ thể.

Vai trò hệ vi sinh vật đường ruột là tiêu hóa thức ăn, tạo ra các miễn dịch cơ thể và tạo ra hệ thống nhầy, peptide kháng khuẩn, thậm chí còn ảnh hưởng tới suy nghĩ, hành vi cảm xúc. Hệ sinh vật đường ruột rất đa dạng, thay đổi tùy mức độ giải phẫu, thậm chí còn khác giữa cộng đồng dân cư giữa khí hậu các vùng khác nhau.

“Nghiên cứu cho thấy vi sinh vật ảnh hưởng tới các liệu pháp điều trị, ví dụ như ung thư. Nhiều bằng chứng cho thấy hệ vi sinh vật tác động lên đáp ứng hệ miễn dịch và liệu pháp miễn dịch. Theo nghiên cứu, trẻ em được bộc lộ phát triển tự do thì sẽ giảm được nguy cơ bệnh lý tự miễn.

Do đó, chúng ta phải đánh giá vai trò quan trọng hệ vi sinh vật đường ruột. Chúng ta phải cân nhắc trong điều trị kháng sinh; đưa ra các thuốc tăng hệ miễn dịch. Hoặc nghĩ tới giải pháp làm sao thay thế hệ vi sinh vật đường ruột. Đó là biện pháp có khả năng phòng ngừa”, Giáo sư Pascale Cossart nói.

Còn tranh luận về phương pháp điều trị các bệnh tự miễn

Trong bài chia sẻ “Liệu pháp tế bào T điều hòa giúp điều trị các bệnh miễn dịch”, Giáo sư Shimon Sakaguchi cho hay, bệnh tự miễn có ở trên 10% dân số. Hầu hết cơ quan trong cơ thể đều bị bệnh tự miễn.

Theo Giáo sư Shimon Sakaguchi, Giáo sư xuất sắc tại Trung tâm Nghiên cứu miễn dịch tiên phong (IFReC), Đại học Osaka (Nhật Bản), từ năm 1990, thế giới đã biết vai trò của tế bào T và đã xác định được các yếu tố kháng nguyên trong cơ thể. Nhưng làm sao điều chỉnh vai trò của tế bào T để làm giảm ức chế bất hoạt với các tế bào khác là điều đặt ra với các nhà khoa học.

Theo chuyên gia này, tế bào T tự nhiên có thể được nuôi cấy. Nhưng làm sao để đạt được hiệu ứng đích trong kháng nguyên này là vấn đề ông đang nghiên cứu.

Sau đại dịch, nguy cơ mắc bệnh tự miễn tăng 20-50% ảnh 3

Giáo sư Shimon Sakaguchi, Giáo sư xuất sắc tại Trung tâm Nghiên cứu miễn dịch tiên phong (IFReC), Đại học Osaka (Nhật Bản) chia sẻ về liệu pháp T trong điều trị bệnh tự miễn.

Giáo sư Shimon Sakaguchi cho hay, việc sử dụng tế bào T hiện cho lĩnh vực cụ thể. Khó để phát hiện ra được phân tử đích để cho một điều trị ung thư khác. Làm sao để vượt qua được khó khăn này là thách thức khác. Việc sử dụng biện pháp điều trị nào hiệu quả về cả y khoa và kinh tế vẫn là câu hỏi tranh luận.

Chia sẻ về thách thức của Việt Nam trong nghiên cứu các bệnh lý tự miễn và khả năng áp dụng các biện pháp với Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đĩnh cho biết, hiện một số loại thuốc được sử dụng ở Việt Nam như một số thuốc ức chế tế bào nhưng rất đắt tiền.

“Tôi khuyến cáo các công ty làm sao sản xuất thuốc trong Việt Nam để giảm giá thành để nhiều bệnh nhân Việt Nam có thể sử dụng được”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đĩnh bày tỏ.

Sau đại dịch, nguy cơ mắc bệnh tự miễn tăng 20-50% ảnh 4

Các nhà khoa học trao đổi tại phiên thảo luận.

Tọa đàm có sự tham gia trao đổi của các diễn giả: Giáo sư Teck-Seng Low, Phó Chủ tịch cấp cao tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), Singapore; Giáo sư Nguyễn Thục Quyên, Đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture, Giám đốc Trung tâm Polyme và Chất rắn Hữu cơ (CPOS) và Giáo sư Khoa Hóa học & Hóa sinh tại Đại học California, Santa Barbara, Hoa Kỳ; Giáo sư Albert Pisano, Đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture, Hiệu trưởng Trường Kỹ thuật Jacobs thuộc Đại học California, San Diego, Hoa Kỳ; Tiến sĩ Sadasivan Shankar, Quản lý Nghiên cứu – Phát triển Công nghệ tại Phòng thí nghiệm Máy gia tốc Quốc gia SLAC tại Đại học Stanford, Hoa Kỳ; Giáo sư Vivian Yam, Thành viên Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture và Giáo sư Philip Wong Wilson Wong về Hóa học và Năng lượng, Giáo sư Chủ nhiệm Hóa học tại Đại học Hồng Kông, Trung Quốc.