Kiểm tra tế bào CAR-T.
Kiểm tra tế bào CAR-T.

Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm: Liệu pháp tế bào CAR-T không còn là khoa học viễn tưởng

NDO - Sau 10 năm điều trị mắc Lơ-xê-mi cấp thể L2 và đã lui tế bào ung thư, H.G.B (12 tuổi) chưa kịp mừng vui hạnh phúc thì tháng 7/2023, những tế bào ung thư tái xuất hiện, phá hủy cơ thể cậu bé. Liệu pháp cứu cánh cuối cùng - ghép tế bào CAR-T một lần nữa tái sinh cuộc đời cậu bé.

Những cuộc tái sinh kỳ tích

Bé H.G.B, 12 tuổi là bệnh nhân mới nhất của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City được điều trị bằng liệu pháp tế bào CAR-T. Đầu năm 2021, bé được chẩn đoán mắc Lơ-xê-mi cấp thể L2, nhóm nguy cơ trung bình tại Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành các phác đồ điều trị hóa chất cho bé trong một năm, bệnh nhân đạt lui bệnh hoàn toàn.

Tuy nhiên, đến tháng 7/2023, bệnh tái phát với 80% tế bào ác tính blast trong tủy. Các bác sĩ tiếp tục điều trị cho em với các phác đồ hóa chất khác nhau, nhưng vẫn không đẩy lui được bệnh hoàn toàn. Tháng 9.2023, B. được tiếp nhận điều trị bằng liệu pháp tế bào CAR-T tại Vinmec.

Sau 3 tuần điều trị, các xét nghiệm đánh giá kiểm tra kỹ lưỡng cho thấy bệnh nhân đáp ứng tốt và các tế bào ác tính trong máu ngoại vi đã bị tiêu diệt hoàn toàn. 19 ngày từ ngày truyền tế bào CAR-T, B. chính thức được ra khỏi phòng điều trị cách ly đặc biệt và tiếp tục được các bác sĩ theo dõi.

Ung thư bạch cầu dòng lympho là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở trẻ em; phương pháp điều trị chuẩn cho đến nay với căn bệnh này bao gồm hóa trị, xạ trị, thuốc điều trị đích. Tuy nhiên với các phác đồ điều trị chuẩn vẫn có khoảng 20% trẻ bị kháng thuốc hoặc tái phát. Các trẻ này thường tử vong trong một thời gian ngắn do các tế bào tăng sinh rất nhanh làm tắc mạch não và mạch của các nội tạng.

Mẹ B. kể lại, con đã có một hành trình dài kiên trì điều trị 10 năm tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương và 14 lần hóa chất. Niềm vui con lui bệnh chưa lâu thì con lại tái phát. “Gia đình một lần nữa buồn và hoang mang. Chúng tôi đã tìm đến Vinmec với niềm hy vọng cuối cùng khi thấy có một số bạn đã điều trị thành công. Giờ nhìn con khỏe mạnh, chúng tôi vô cùng cảm ơn các y, bác sĩ”.

Dự án “Thử nghiệm lâm sàng pha I đánh giá tính an toàn và hiệu quả bước đầu của liệu pháp tế bào CAR-T sản xuất theo công nghệ của Miltenyi để điều trị u lympho không Hodgkin và bạch cầu cấp dòng lympho CD19+ tái phát hoặc kháng trị với các phác đồ điều trị chuẩn” là một dự án trọng điểm của Hệ thống Y tế Vinmec nhằm ứng dụng một trong những công nghệ hàng đầu trong điều trị ung thư ở Việt Nam. Đây là thử nghiệm lâm sàng đầu tiên về liệu pháp tế bào CAR T được Bộ Y tế cho phép triển khai tại Việt Nam .

Trường hợp điều trị thành công đầu tiên bằng liệu pháp tế bào CAR-T tại Việt Nam vào tháng 8/2023 là bệnh nhi T.B.C (4 tuổi), được chẩn đoán mắc ung thư bạch cầu cấp dòng lympho.

Sau khi trải qua điều trị tấn công bằng 5 chu kỳ hóa chất và tiếp theo bằng 3 chu kỳ với phác đồ hóa chất mạnh hơn trong năm 2022 đến đầu năm 2023, bệnh của C. không có dấu hiệu thuyên giảm.

Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm: Liệu pháp tế bào CAR-T không còn là khoa học viễn tưởng ảnh 1

Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm và các cộng sự tại Viện VRISG trao đổi thông tin về dự án nghiên cứu.

Giữa năm 2023, C. được tiếp nhận tại Bệnh viện Vinmec Times City để tiếp tục điều trị hóa chất và các công đoạn chuẩn bị tiếp nhận liệu pháp điều trị bằng tế bào miễn dịch T được chuyển nạp một loại gene nhân tạo (CAR-T) giúp tìm và diệt các tế bào ung thư.

Sau nhiều lần hội chẩn trao đổi và thống nhất ý kiến với các đồng nghiệp của Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec và Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tế bào gốc và công nghệ Gene Vinmec và nhóm nghiên cứu quyết định sử dụng liệu pháp tế bào CAR-T cho bệnh nhân vì đây là cơ hội sống cuối cùng của người bệnh.

Dự kiến đến hết năm 2023, đề tài sẽ điều trị cho 8 người trong số 16 bệnh nhân dự kiến được truyền tế bào CAR-T, đạt 50% tiến độ.

Sau quá trình chuẩn bị kỹ càng, C. được truyền tế bào CAR-T. Sau truyền mặc dù bé đã xuất hiện các biểu hiện của hội chứng giải phóng cytokine nhưng đã được phát hiện và điều trị kịp thời. Sau 30 ngày, bệnh nhân tỉnh táo trở lại, sinh hoạt bình thường, không có dấu hiệu nhiễm độc thần kinh.

Qua nhiều kiểm tra gắt gao, bệnh nhân được kết luận không còn tế bào ung thư trong máu ngoại vi, kết quả sinh thiết tủy cho thấy bệnh nhân lui bệnh hoàn toàn. Bệnh nhân được xuất viện ngày 21/8/2023.

Tính đến thời điểm hiện tại đã có 4 bệnh nhân sử dụng liệu pháp tế bào CAR-T trong đó, có 3 bệnh nhân bạch cầu cấp và 1 bệnh nhân ung thư hạch. Kết quả sau điều trị rất khả quan, cả 3 trường hợp đã lui bệnh hoàn toàn và được ra viện, 1 bệnh nhân hiện đang được điều trị và theo dõi.

Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm: Liệu pháp tế bào CAR-T không còn là khoa học viễn tưởng ảnh 2

Bệnh nhi đầu tiên được điều trị thành công bằng liệu pháp CAR-T.

Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm cho biết, trường hợp thứ 5 vừa được điều trị bằng phương pháp này có xuất hiện biến chứng nhưng các bác sĩ đã khống chế được tình trạng này, bệnh nhân đang trong tình trạng ổn định.

Hành trình 6 năm chinh phục kỹ thuật đỉnh cao

Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, liệu pháp điều trị CAR-T là một dự án quan trọng vì cứu tính mạng nhiều bệnh nhân trong tình trạng tuyệt vọng. “Trước đây, các trường hợp mắc bệnh bạch cầu cấp, ung thư hạch bạch huyết (lymphoma) tái phát hoặc kháng trị là tử vong. Nhưng với phương pháp CAR-T, các kết quả nghiên cứu trên thế giới đã có bằng chứng khoa học cho thấy cứu được 80% bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu cấp, 60% bệnh nhân ung thư hạch”, Giáo sư Liêm cho hay.

Hiện nay, chúng ta làm chủ công nghệ, làm chủ vấn đề chẩn đoán, điều trị và đặc biệt sản xuất được tế bào CAR-T tại Việt Nam với giá thành thấp. Nếu chúng ta gửi tế bào sang nước ngoài sản xuất mất chi phí hơn 400 nghìn USD/trường hợp. Trong khi đó, nếu sản xuất tại Việt Nam, tổng toàn bộ cả chi phí điều trị cho một trường hợp khoảng 150-200 nghìn USD, thấp hơn rất nhiều so với việc gửi tế bào sang nước ngoài để sản xuất.

Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm

CAR-T là liệu pháp mới, công nghệ phức tạp, cần có sự kết hợp của công nghệ tế bào và công nghệ chỉnh sửa gene. 6 năm trước, công nghệ này với thế giới rất mới, chưa có nhiều kinh nghiệm.

Trong thời gian đầu, Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm và các cộng sự Viện Nghiên cứu Tế bào gốc và công nghệ gen Vinmec (VRISG) tự mày mò sản xuất tế bào CAR-T nhưng sau 1 năm đánh giá, các chuyên gia chưa thấy được tín hiệu tích cực. Viện đã liên hệ với nhiều bệnh viện, các công ty nước ngoài nhận chuyển giao kỹ thuật như Mỹ, Đức, Thụy Điển, Đài Loan (Trung Quốc) nhưng họ cũng chưa có nhiều kinh nghiệm, đều đang giai đoạn nghiên cứu thử nghiệm.

Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm: Liệu pháp tế bào CAR-T không còn là khoa học viễn tưởng ảnh 3
Chuẩn bị tế bào CAR-T để đánh giá chất lượng.

Cuối cùng, Viện VRISG đã liên hệ với công ty của Đức để hợp tác chuyển giao công nghệ, sản xuất tế bào tại Việt Nam. Sau đó, Viện gửi cán bộ sang học tự sản xuất, tự điều trị tại Việt Nam. Tháng 8/2023, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec được Bộ Y tế cấp phép triển khai dự án “Thử nghiệm lâm sàng pha I đánh giá tính an toàn và hiệu quả bước đầu của liệu pháp tế bào CAR-T sản xuất theo công nghệ của Miltenyi để điều trị u lympho không Hodgkin và bạch cầu cấp dòng lympho CD19+ tái phát hoặc kháng trị với các phác đồ điều trị chuẩn”. Đây là thử nghiệm lâm sàng đầu tiên về liệu pháp tế bào CAR-T được Bộ Y tế cho phép triển khai tại Việt Nam .

Liệu pháp CAR-T đã được cấp phép ở một số quốc gia trên thế giới trong điều trị ung thư bạch cầu cấp dòng lympho hoặc ung thư hạch (lymphoma) không đáp ứng với các phác đồ điều trị chuẩn, đạt kết quả tốt từ 60-80%.

Sau 4 ca đầu thành công và có 3 ca được xuất viện, Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm cho biết sẽ mở ra hướng mới điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh lý về máu.

“Hiện nay, chúng ta làm chủ công nghệ, làm chủ vấn đề chẩn đoán, điều trị và đặc biệt sản xuất được tế bào CAR-T tại Việt Nam với giá thành thấp. Nếu chúng ta gửi tế bào sang nước ngoài sản xuất mất chi phí hơn 400 nghìn USD/trường hợp. Trong khi đó, nếu sản xuất tại Việt Nam, tổng toàn bộ cả chi phí điều trị cho một trường hợp khoảng 150-200 nghìn USD, thấp hơn rất nhiều so với việc gửi tế bào sang nước ngoài để sản xuất”, Giáo sư Liêm cho hay.

Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm: Liệu pháp tế bào CAR-T không còn là khoa học viễn tưởng ảnh 4
Nuôi cấy tế bào CAR-T tại phòng lab của Vinmec.

Tới đây, Viện đang nghiên cứu hướng ứng dụng liệu pháp này cho bệnh tự miễn-lopus ban đỏ. Hiện bệnh có tỷ lệ cao không đáp ứng với phương pháp điều trị hiện có. Nước Đức đang có những kết quả điều trị tích cực bệnh lý này và Viện VRISG đang tiến hành nghiên cứu.

Ở giai đoạn đầu triển khai dự án thử nghiệm lâm sàng, Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm cho biết, viện rất e ngại không tuyển được người tình nguyện. Tuy nhiên, từ những kết quả thành công của trường hợp đầu tiên, hiện có nhiều đơn đăng ký gửi về Viện VRISG.

"Chúng tôi đã có 5 trường hợp điều trị thành công. Bệnh nhân thứ 6 đang chờ đợi để can thiệp và nhiều bệnh nhân đang đăng ký, cần điều trị. Với tiến độ như thế này, chúng tôi tin trong một năm sẽ kết thúc dự án lâm sàng giai đoạn 1”, Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm bày tỏ.

Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm: Liệu pháp tế bào CAR-T không còn là khoa học viễn tưởng ảnh 5

Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm báo cáo kết quả điều trị tại Hội nghị VCGT lần 6.

Hành trình 6 năm nhiều gian truân với vai trò tiên phong, mở đường một kỹ thuật hoàn toàn mới với cả thế giới, Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm cho biết, ông tự tạo áp lực với chính mình phải thành công.

Ông tâm sự, hiện lòng tin của cộng đồng cũng như các nhà khoa học Việt Nam vào trình độ khoa học kỹ thuật của chúng ta chưa cao. Nếu thất bại kỹ thuật của phương pháp CAR-T, ông và các cộng sự sẽ có thể sẽ phải đối diện với nhiều vấn đề thất bại khác. Do đó, mục tiêu của ông đặt ra là phải thành công, để đưa được một trong những công nghệ hàng đầu trong điều trị ung thư về Việt Nam, cứu sống người bệnh trong nước với chi phí, giá thành hợp lý.

back to top