Lực lượng đoàn viên, thanh niên huyện Mỏ Cày Nam tích cực dọn dẹp vệ sinh môi trường. (Ảnh: HOÀNG TRUNG)
Lực lượng đoàn viên, thanh niên huyện Mỏ Cày Nam tích cực dọn dẹp vệ sinh môi trường. (Ảnh: HOÀNG TRUNG)

Tuổi trẻ Bến Tre chung tay bảo vệ môi trường

Thời gian qua, lực lượng đoàn viên, thanh niên tại tỉnh Bến Tre đã tích cực thực hiện các công trình, phần việc nhằm chung tay bảo vệ môi trường đạt được nhiều kết quả khả quan, tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ. Từ đó, đã góp phần thay đổi nhận thức trong cộng đồng về bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và cùng địa phương xây dựng nông thôn mới.

Câu lạc bộ “Mỏ Cày xanh” bảo vệ môi trường

Sáng chủ nhật, thời tiết không thuận lợi khi xuất hiện mưa kéo dài nhưng lực lượng thành viên Câu lạc bộ “Mỏ Cày xanh” (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) vẫn tiến hành trồng cây xanh tại tuyến đường giao thông nông thôn ấp An Thiện (xã An Thới) theo kế hoạch.

Hơn 30 lực lượng đoàn viên, thành niên gồm cán bộ đoàn, cán bộ địa phương, giáo viên, dân quân tự vệ… phân công nhau các phần việc như: đào đất, vận chuyển cây con và trồng ở hai bên tuyến đường giao thông nông thôn.

Bạn Nguyễn Phan Hòa Thi, giáo viên Trường mầm non Định Thủy (xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam) cho biết: “Sáng sớm, tôi chạy xe máy từ nhà qua đây gần 10km để cùng thành viên trong câu lạc bộ huyện và lực lượng đoàn viên, thanh niên cả xã An Thới thực hiện trồng cây xanh ở tuyến đường giao thông nông thôn. Những lần trước tôi tham gia nhiều hoạt động như: dọn dẹp vệ sinh môi trường, tham gia “Ngày chủ nhật nông thôn mới”… để góp phần cùng bảo vệ môi trường. Khi tham gia các hoạt động này, bản thân cảm thấy rất vui vì làm được nhiều việc có ích, ý nghĩa”.

Tuổi trẻ Bến Tre chung tay bảo vệ môi trường ảnh 1

Lực lượng đoàn viên, thanh niên trồng cây xanh tại tuyến đường giao thông nông thôn xã An Thới (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre). (Ảnh: HOÀNG TRUNG)

Ngoài lực lượng là thành viên câu lạc bộ “Mỏ Cày xanh” huyện Mỏ Cày Nam còn có nhiều đoàn viên, hội viên, thanh niên sống và làm việc trên địa bàn xã An Thới cũng tích cực tham gia.

Bí thư Chi đoàn Quân sự xã An Thới Lương Văn Thái cho biết: “Trước đây mình tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường cùng với địa phương như: tuyên truyền, dọn rác thải, phát quang bụi rậm… nhưng đây là lần đầu tiên tham gia trồng cây xanh cùng thành viên Câu lạc bộ “Mỏ Cày xanh”. Công việc này rất ý nghĩa nên ai cũng tích cực tham gia nhằm góp phần chung tay bảo vệ môi trường”.

Tháng 3/2024, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Mỏ Cày Nam ra mắt Câu lạc bộ “Mỏ Cày xanh” cấp huyện với 21 thành viên. Sau đó, tất cả 16/16 xã, thị trấn trên địa bàn đã thành lập Câu lạc bộ “Mỏ Cày xanh” cấp xã, thị trấn với hơn 180 thành viên.
Từ khi thành lập đến nay, Câu lạc bộ cấp huyện và cấp xã, thị trấn đã thực hiện 75 hoạt động với hơn 1.600 lượt cán bộ, đoàn viên, hội viên, thanh niên, học sinh và người dân tham gia.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Mỏ Cày Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Mỏ Cày xanh” Nguyễn Minh Chí cho biết: “Đến nay, câu lạc bộ cấp huyện đã thực hiện 10 đợt ra quân thực hiện các phần việc gồm: trồng cây xanh, gom rác thải nhựa, tặng sọt rác, hướng dẫn phân loại rác tại nguồn, xóa điểm đen ô nhiễm môi trường… tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam.

Khi đó, lực lượng thành viên Câu lạc bộ “Mỏ Cày xanh” cấp huyện sẽ phối hợp hợp lực lượng thành viên Câu lạc bộ “Mỏ Cày xanh” cấp xã và người dân địa phương cùng thực hiện những công trình, phần việc nhằm bảo vệ môi trường”.

Hiện tại, câu lạc bộ định kỳ tổ chức ra quân ít nhất 1 lần/tháng và lồng ghép vào ngày đồng loạt, cao điểm như: “Ngày Chủ nhật xanh”, “Chủ nhật nông thôn mới”, “Ngày Chủ nhật đô thị văn minh”, “Ngày cao điểm chung tay xây dựng cảnh quan và bảo vệ môi trường”...

Sáng sớm, tôi chạy xe máy từ nhà qua đây gần 10km để cùng thành viên trong câu lạc bộ huyện và lực lượng đoàn viên, thanh niên cả xã An Thới thực hiện trồng cây xanh ở tuyến đường giao thông nông thôn. Những lần trước tôi tham gia nhiều hoạt động như: dọn dẹp vệ sinh môi trường, tham gia “Ngày chủ nhật nông thôn mới”… để góp phần cùng bảo vệ môi trường. Khi tham gia các hoạt động này, bản thân cảm thấy rất vui vì làm được nhiều việc có ích, ý nghĩa.

Nguyễn Phan Hòa Thi, giáo viên Trường mầm non Định Thủy

Tuổi trẻ Bến Tre chung tay bảo vệ môi trường ảnh 3

Câu lạc bộ "Mỏ Cày xanh" ra quân bảo vệ môi trường. (Ảnh: HOÀNG TRUNG)

Bí thư Huyện đoàn Mỏ Cày Nam Huỳnh Thanh Tâm cho biết: “Với những việc làm thiết thực và đầy ý nghĩa, Câu lạc bộ “Mỏ Cày xanh” đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng của đông đảo đoàn viên, thanh niên học sinh đặc biệt là người dân trên địa bàn.

Câu lạc bộ mong muốn sẽ truyền tải, lan tỏa những thông điệp tích cực nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, đây là hoạt động thể hiện sự quyết tâm bảo vệ môi trường của tuổi trẻ huyện nhà, tạo ra phong trào hành động thiết thực vì môi trường, góp phần thực hiện có hiệu quả tiêu chí về môi trường và xây dựng thành công huyện nông thôn mới trong năm 2024”.

Chung tay bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu

Lực lượng Đoàn Thanh niên tỉnh Bến Tre đang thực hiện Đề án “Bến Tre xanh” (giai đoạn 2021-2024) với nhiều mô hình hay, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.

Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Bến Tre triển khai thực hiện nhiều mô hình liên quan đến bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong đoàn viên, thanh thiếu niên.

Trong thời gian qua có nhiều mô hình tiêu biểu như: “Đội hình tuyên truyền viên và bảo vệ môi trường cấp tỉnh; “Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh, dụng cụ học tập”, “Đổi rác thải nhựa lấy lồng đèn”; xây dựng “Trường học xanh-sạch-năng động”; “Rừng phòng hộ do thanh niên quản lý”; Công trình “Sắc xanh xứ Dừa”; Sân chơi “Hành động vì một Bến Tre xanh”…

Tuổi trẻ Bến Tre chung tay bảo vệ môi trường ảnh 4

Lực lượng đoàn viên, thanh niên cùng người dân địa phương tham gia vớt rác, dọn vệ sinh cặp bờ sông Bến Tre. (Ảnh: HOÀNG TRUNG)

Công trình “Rừng phòng hộ do thanh niên quản lý” đang được triển khai nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, hướng đến phát triển bền vững mang lại hiệu quả cao.

Công trình này được triển khai thực hiện tại Cồn Đất (nằm giữa sông Hàm Luông, thuộc địa bàn ấp An Bình, xã An Hiệp, huyện Ba Tri).

Công trình được chia thành 7 giai đoạn để thực hiện từ năm 2022 đến năm 2027 và tầm nhìn đến năm 2035.

Tại giai đoạn 1 và 2, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn phối hợp Ban Thường vụ Huyện đoàn Ba Tri cùng lực lượng đoàn viên, thanh niên và người dân tại địa bàn đã trồng thí điểm 8.720 cây đước, cây bần.

Tuổi trẻ Bến Tre chung tay bảo vệ môi trường ảnh 5

Mô hình "Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh, dụng cụ học tập" được triển khai trên địa bàn phường An Hội, thành phố Bến Tre. (Ảnh: HOÀNG TRUNG)

Mục tiêu hướng đến của công trình là vận động xã hội hóa và kết hợp với nguồn cây bản địa tại địa phương để trồng và đẩy mạnh phủ xanh cồn cát, xây dựng thành công mô hình “Rừng phòng hộ do thanh niên quản lý” trên địa bàn huyện Ba Tri.

Đồng thời, nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh nhằm bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng đời sống người dân, góp phần xây dựng tỉnh Bến Tre “xanh, sạch và đẹp”, phát triển bền vững.

Tuổi trẻ Bến Tre chung tay bảo vệ môi trường ảnh 6

Hoạt động trồng cây vì môi trường xanh được triển khai tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. (Ảnh: HOÀNG TRUNG)

Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bến Tre Phan Thanh Trẻ cho biết, các hoạt động tham gia thực hiện Đề án “Bến Tre xanh” được tổ chức đồng loạt đã tạo được dấu ấn, có sức lan tỏa, thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ tỉnh nhà.

Từ đó, góp phần cùng địa phương trong việc thực hiện các công trình, phần việc, các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, tạo được niềm tin, xây dựng hình ảnh đẹp của tổ chức Đoàn, người cán bộ Đoàn trong hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân.

Từ những công trình, phần việc này đã nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh niên và cộng đồng về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đặc biệt là người dân ở khu vực nông thôn khó khăn, vùng sâu, vùng xa đã từng bước hình thành ý thức bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong cộng đồng dân cư nông thôn.

back to top