Từ một ấp gần như không có đường giao thông, điện thắp sáng, tỷ lệ hộ nghèo cao (chiếm tới 15%), khi bắt tay thực hiện 15 phần việc xây dựng nông thôn mới đã giúp ấp An Bình, xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre thay đổi rõ rệt. Nhờ sự đồng thuận của người dân cho nên hệ thống đường giao thông nông thôn được xây dựng theo hình thức nhà nước và người dân cùng làm; điện phục vụ sinh hoạt, phát triển sản xuất cũng được đầu tư. Hiện tại, địa phương chuyển từ mô hình trồng lúa sang mô hình lúa-tôm và trồng cỏ nuôi với gần 50% số hộ trong ấp chăn nuôi bò. Nhờ vậy tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm, giờ chỉ còn 3,8%...
Đường giao thông nông thôn được mở mang, giúp người dân đi lại thuận tiện, các cháu nhỏ đến trường cũng dễ dàng. Chính quyền vận động người dân trồng cây mẫu đơn, mai vàng dọc bên đường tạo thêm bóng mát, cảnh quan. “Hằng tháng mọi người đều dành ra ngày chủ nhật để cùng nhau dọn dẹp cảnh quan môi trường, trồng cây cảnh làm con đường đẹp hơn”, bà Phạm Thị Út Chi, người dân địa phương chia sẻ.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mỹ An Nguyễn Tấn Lâm cho biết, địa phương vừa là xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo và vừa là xã “An toàn khu” với vùng căn cứ cách mạng Rừng Ráng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Khi xây dựng, phát triển kinh tế gặp rất nhiều khó khăn vì nằm ở vùng sâu, vùng xa, Đảng bộ, chính quyền và người dân thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từng bước một để hoàn thành từng tiêu chí.
Trong đó, phân công cán bộ hỗ trợ các ấp và xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết về công việc, nhiệm vụ cần thực hiện thông qua buổi họp giao ban hằng tháng góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. “Qua đó, được người dân tích cực hưởng ứng nhất là thực hiện “Ngày chủ nhật nông thôn mới” và trở thành phong trào thi đua có sức lan tỏa. Đến nay, địa phương tự đánh giá đạt 14/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới và đang quyết tâm phấn đấu hoàn thành những tiêu chí còn lại vào đầu năm 2025 để được công nhận xã nông thôn mới”, ông Nguyễn Tấn Lâm cho biết.
Tương tự, mỗi tháng, Chi bộ Ấp 2, xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre tổ chức họp chi ủy để bàn kế hoạch thực hiện “Ngày chủ nhật nông thôn mới” cho sát với nhu cầu, tình hình thực tế tại mỗi xóm, tổ nhân dân tự quản. Trong đó, sẽ chọn những phần việc cụ thể như: Dọn dẹp lục bình ở tuyến kênh, phát hoang bụi rậm, dọn vệ sinh ở các tuyến đường, trồng cây xanh... Bí thư chi bộ Ấp 2 Trần Văn Hạng cho biết, sau khi chọn phần việc cụ thể sẽ phân công từng đảng viên phụ trách tổ nhân dân tự quản để tiến hành họp tổ, triển khai cho người dân biết.
Đây là những việc làm cụ thể, phục vụ lợi ích chính của người dân cho nên người dân tích cực tham gia các công trình, phần việc được giao vì vậy đã góp phần cùng địa phương đạt xã nông thôn mới nâng cao và đang xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn thành phố Bến Tre thực hiện “Ngày chủ nhật nông thôn mới” với 6.325 lượt người tham gia, bao gồm: Cán bộ, công chức, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân với chủ đề vận động người dân trữ nước ngọt, tổ chức phát hoang, dọn dẹp vệ sinh, trồng cây xanh trên các tuyến đường khoảng hơn 186.370 mét. Từ đó, góp phần thực hiện vệ sinh cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại các xã.
Theo Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Bến Tre, đến nay, “Ngày chủ nhật nông thôn mới” đã thực hiện được 56 tháng với 4.934 lượt xã thực hiện chủ đề môi trường, 202 lượt xã thực hiện chủ đề giao thông, 1.445 lượt xã thực hiện cả 2 chủ đề giao thông và môi trường, 1.221 lượt xã còn lại thực hiện các chủ đề khác. Số người tham gia hơn 1,4 triệu lượt, trong đó người dân tham gia chiếm 56,1%.
Tổng kinh phí huy động thực hiện “Ngày chủ nhật nông thôn mới” hơn 71,7 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 6/2024, tỉnh Bến Tre có 103 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó có 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Chợ Lách đạt chuẩn nông thôn mới và thành phố Bến Tre hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho rằng, sau gần 5 năm triển khai chương trình “Ngày chủ nhật nông thôn mới” theo chủ trương của Tỉnh ủy, diện mạo nông thôn mới ở Bến Tre đã đổi thay tích cực. Trong đó, có nhiều cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện hiệu quả “Ngày chủ nhật nông thôn mới” với nhu cầu thực tế của từng địa phương.