Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định Vũ Trọng Quế cho biết, với nhiều nỗ lực xây dựng hạ tầng số, đến nay mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp I và II đã được triển khai đến tất cả đơn vị, cơ quan quản lý nhà nước ở 3 cấp trong tỉnh Nam Định; 100% số xã được phủ sóng 3G, 4G; hạ tầng mạng cáp quang phủ đến 100% xã và 100% số thôn, xóm, phục vụ khoảng 1,9 triệu thuê bao điện thoại các loại; hơn 85,5% dân số trưởng thành và 100% hộ gia đình có điện thoại thông minh; trên địa bàn tỉnh có hơn 2.000 trạm thu, phát sóng thông tin di động mặt đất.
Tỉnh đã cung cấp 866 dịch vụ công toàn trình, 872 dịch vụ công trực tuyến một phần trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh; 100% dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Ủy ban nhân dân tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng cân đối, ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư cho hạ tầng số, như đầu tư, nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu, Trung tâm và nền tảng điều hành đô thị thông minh của tỉnh; nền tảng quản lý dữ liệu điện tử dùng chung; nền tảng Cổng dữ liệu mở. Nhờ đó, Nam Định luôn nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về kết quả giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử.
Tuy nhiên, thực tế phát triển hạ tầng số tại Nam Định vẫn gặp một số khó khăn như: Tốc độ mạng băng rộng cố định, di động vẫn chưa ổn định, còn tồn tại hơn 300 điểm “lõm” sóng chưa được khắc phục; việc phát triển các nền tảng chủ lực cho hạ tầng số mới hình thành, bước đầu triển khai nên chưa đạt hiệu quả cao; việc kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng số vẫn còn hạn chế.
Trong khi đó, theo kế hoạch về phát triển hạ tầng số tỉnh Nam Định đến năm 2025, tỉnh đề ra những mục tiêu rất cụ thể như: Phải đạt 85 thuê bao băng rộng di động/100 dân; tốc độ băng rộng di động đạt 70 Mb/s; 100% thôn, xóm được phủ sóng di động băng rộng; tỷ lệ dùng chung vị trí trạm thông tin di động đạt 30%. Mạng viễn thông băng rộng cố định có số thuê bao cố định đạt 25 thuê bao/100 dân; hộ gia đình có khả năng tiếp cận cáp quang khi có nhu cầu đạt 100%; tốc độ băng rộng cố định đạt 150 Mb/s; thôn, xóm được phủ băng rộng cố định đạt 100%. Đối với hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, bảo đảm cho Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh và 90% hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh phục vụ chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước có sử dụng dịch vụ điện toán đám mây; trung bình mỗi người dân trưởng thành có một tài khoản sử dụng dịch vụ điện toán đám mây. Nền tảng số có tính chất hạ tầng bảo đảm 100% cơ quan nhà nước thường xuyên sử dụng nền tảng số quốc gia và các nền tảng số dùng chung phục vụ chuyển đổi số của tỉnh trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc và phục vụ người dân, doanh nghiệp; 70% số doanh nghiệp thường xuyên sử dụng nền tảng số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài, tỉnh xác định hạ tầng số là hạ tầng của nền kinh tế, được ưu tiên phát triển và bảo vệ; phấn đấu đến năm 2025, Nam Định thuộc nhóm 20 địa phương dẫn đầu toàn quốc về chỉ số đánh giá chuyển đổi số. Do vậy, tỉnh cũng ưu tiên khắc phục khó khăn, hạn chế, thúc đẩy phát triển hạ tầng số trong thời gian tới bằng những giải pháp cụ thể. Trong đó, có việc xây dựng Quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động tỉnh Nam Định giai đoạn 2025-2030, gắn với việc triển khai Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thiện các chính sách, thúc đẩy, ưu tiên không gian, vị trí, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng, xây dựng các trung tâm lưu trữ dữ liệu, trạm trung chuyển Internet; xây dựng chính sách, quy định ưu tiên ứng dụng điện toán đám mây trong triển khai các hệ thống thông tin của tỉnh...
Tỉnh cũng khuyến khích, hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp khu vực tư nhân đầu tư, phát triển hạ tầng số; phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ số, đáp ứng yêu cầu phát triển hạ tầng số; tạo mối liên kết về nhân lực giữa cơ sở đào tạo, nghiên cứu với các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp công nghệ số; khuyến khích mọi thành phần kinh tế cùng tham gia xây dựng, phát triển, khai thác hạ tầng viễn thông và xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông thụ động (cột ăng-ten, cột treo cáp, cống bể cáp, hào và tuy-nen kỹ thuật); đa dạng hóa các dịch vụ viễn thông.
Hiện tỉnh đang tích cực chỉ đạo các sở, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, năng lực khai thác hạ tầng số; khích lệ tinh thần, động lực của xã hội, của doanh nghiệp trong việc phát triển hạ tầng số, hướng tới thay đổi căn bản được thói quen của người dân khi sống trong môi trường xã hội số mới. Cùng với đó là đưa nội dung về hạ tầng số vào chương trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Truyền thông, phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân, bao gồm các kỹ năng cơ bản như truy cập và sử dụng Internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân; triển khai các chiến dịch tuyên truyền, nâng cao nhận thức về lợi ích của chuyển đổi từ hạ tầng công nghệ thông tin đơn lẻ sang điện toán đám mây nhằm tăng tỷ lệ sử dụng điện toán đám mây của doanh nghiệp trong nước... Các giải pháp nêu trên nhằm từng bước xây dựng một hệ thống hạ tầng kỹ thuật số hiện đại, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ■