Từ tâm lý trải nghiệm sang tâm thế chủ động
Sau những bỡ ngỡ ban đầu, đến nay việc đi chợ, đi mua sắm chỉ cần mang theo điện thoại thông minh để thanh toán điện tử đã dần trở thành thói quen của nhiều người dân Bắc Ninh. Từ mô hình "Chợ 4.0" tại phường Nam Sơn (thành phố Bắc Ninh), Chợ Trung tâm thị trấn Chờ (huyện Yên Phong), Chợ Giầu (thành phố Từ Sơn), hiện nay, việc thanh toán không dùng tiền mặt đã phổ biến tại hơn 100 chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Người tiêu dùng từ tâm lý trải nghiệm đã chuyển sang tâm thế chủ động khi sử dụng.
Bà Nguyễn Thị Lan (thành phố Từ Sơn) cho biết: "Tại Chợ Giầu, thành phố Từ Sơn, gần 2 năm nay, ban quản lý đã khuyến khích không dùng thanh toán tiền mặt. Từ hàng thịt đến hàng rau hay cửa hàng bán đồ gia dụng đều có sẵn mã QR rất tiện lợi, thanh toán dễ dàng, nên các bà nội trợ như tôi không cần mang theo tiền mặt hay lo đổi tiền lẻ như trước".
Còn chị Nguyễn Thanh Hằng (phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh) do công việc bận rộn nên đã lựa chọn dịch vụ trả tiền điện hằng tháng qua tài khoản. "Tôi đã sử dụng trả tiền điện tự động từ năm 2022 đến nay. Mỗi tháng, tôi đều nhận được tin nhắn qua điện thoại về số tiền phải chi trả và ngân hàng khấu trừ trong tài khoản đúng số tiền đã được thông báo hoàn toàn tự động, nhanh gọn, chính xác nên tôi rất yên tâm và không còn phải lo quên đóng tiền điện" - chị Hằng cho biết.
Thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh triển khai nhiều giải pháp, nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hướng tới đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt thành thói quen của người dân. Hiện, 100% số siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh dịch vụ và tiểu thương kinh doanh cố định tại các chợ đều sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; 100% số đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền hình đã thanh toán cước phí, báo giá cước phí qua phương tiện điện tử.
Các đơn vị liên quan đã kết nối, bảo đảm hoạt động của các hệ thống thanh toán, dịch vụ thanh toán ổn định, an toàn và liên tục, hệ thống máy móc, thiết bị, đường truyền kết nối vận hành an toàn, ổn định và thông suốt. Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã lắp đặt và đưa vào sử dụng hơn 360 máy ATM, hơn 6.800 máy thanh toán bằng thẻ với hơn 5.600 điểm chấp nhận thẻ.
Theo số liệu ngành ngân hàng tỉnh, tổng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt phát sinh 170 triệu giao dịch, giá trị khoảng 4,8 triệu tỷ đồng; giao dịch qua Mobile banking và internet banking khoảng 192,8 triệu giao dịch, tương ứng giá trị 2,9 triệu tỷ đồng; 100% giao dịch nộp thuế thu nhập bằng phương thức điện tử.
Thúc đẩy kinh tế số
Theo số liệu của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Ninh, đến nay, 100% số cơ quan, đơn vị, địa phương tại Bắc Ninh sử dụng biên lai điện tử trong thu phí, lệ phí trong giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp. 100% số doanh nghiệp, tổ chức sử dụng hóa đơn điện tử; 100% số hộ kê khai thuế áp dụng hóa đơn điện tử… Cùng với đó, giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai hiệu quả, trong đó chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt toàn tỉnh đã đạt gần 99%; trong chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, đã rà soát toàn bộ số người và thực hiện chi trả qua ATM đạt trung bình từ 93,3% trở lên.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Ninh Hồ Minh Thế cho biết: Việc chi trả tiền bảo hiểm xã hội không dùng tiền mặt của Bắc Ninh đạt 93,6%, đứng thứ 3 toàn quốc sau Hà Nội, Hà Tĩnh. Bảo hiểm xã hội tỉnh đã phối hợp với Tổ công tác Đề án 06, Công an tỉnh trong việc triển khai không dùng tiền mặt trong chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội; đồng thời, phối hợp đồng bộ dữ liệu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với định danh cá nhân, căn cước công dân, đạt 99,69% tổng số người đang tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh, đứng đầu cả nước.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Trung Hiền đánh giá: Công tác chuyển đổi số đã được Bắc Ninh triển khai một cách bài bản, khoa học, sáng tạo và có những bước chuyển mạnh mẽ. Các nhóm giải pháp đã được triển khai, thực hiện gắn chặt với các nhóm chỉ tiêu bao gồm: Chuyển đổi nhận thức và hành động; hoàn thiện chính sách, quy định cho chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số; phát triển nền tảng số; bảo đảm an toàn, an ninh mạng; phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số; hợp tác, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế số và xã hội số; triển khai các dự án, nhiệm vụ công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh sẽ triển khai xây dựng ứng dụng di động tập trung phục vụ người dân, doanh nghiệp, phấn đấu mỗi người dân trưởng thành có một chữ ký số cá nhân, có một tài khoản thanh toán số, một tài khoản dịch vụ công trực tuyến; xây dựng chương trình ngoại khóa về nâng cao năng lực số, kỹ năng số, văn hóa số cho đối tượng là học sinh từ trung học cơ sở trở lên.
Cùng với đó, Bắc Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen thanh toán dùng tiền mặt trong cộng đồng; đẩy mạnh sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử trong mua bán, tiêu dùng, tạo hiệu ứng lan tỏa, kích cầu tiêu dùng nội địa, đồng thời đẩy mạnh việc giới thiệu các giải pháp phát triển thương mại điện tử, công nghệ thông tin và ứng dụng chuyển đổi số… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số của địa phương.