Theo bà Dương Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 3/2023, cả nước có hơn 17,4 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt 37,4% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 14,2 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp và hơn 90,9 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, chiếm hơn 92% dân số.
Riêng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, số người có thẻ bảo hiểm y tế được hơn 2,8 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 91,4% dân số; hơn 775 nghìn người tham gia bảo hiểm bắt buộc, chiếm 50,2% so với lực lượng lao động.
Bà Dương Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chính sách khách hàng, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phát biểu ý kiến. |
Tại hội nghị, hơn 200 đại biểu là cán bộ phụ trách công tác nhân sự, chính sách bảo hiểm xã hội, đại biểu công đoàn cơ sở và đại diện người lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Bảo hiểm Xã hội tỉnh Đồng Nai thông tin về tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đồng thời giới thiệu các điểm mới, hướng dẫn các quy định pháp luật về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc có hiệu lực từ năm 2022, 2023 đến các doanh nghiệp. Trọng tâm là một số điểm lưu ý về thời gian hợp đồng lao động để xác định người tham gia bảo hiểm xã hội; lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu; quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp tại Điều 20 Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014; một số sai phạm thường gặp tại doanh nghiệp và những chế tài xử lý hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Các đại biểu đại diện người sử dụng lao động cũng đã nêu các vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội. Các kiến nghị này đã được đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Đồng Nai giải đáp.
Đại biểu tham dự hội nghị. |
Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, việc tổ chức hội nghị đối thoại là kênh thông tin quan trọng, tiếp nhận những ý kiến phản ánh của người lao động, người sử dụng lao động đối với chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện. Trên cơ sở đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ tổng hợp các ý kiến và đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Quốc hội xây dựng chính sách phù hợp thực tiễn và nhu cầu, mong muốn của người dân.
Dịp này, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã lấy ý kiến khảo sát người dân, doanh nghiệp về một số nội dung trong dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi, bổ sung đang được Chính phủ dự kiến trình Quốc hội trong kỳ họp tới.