Thông tin từ Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, từ đầu năm đến nay việc phát triển doanh nghiệp đạt kết quả rất khả quan. Cụ thể, đã thực hiện cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 1.050 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký hơn 9.600 tỷ đồng và 411 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh. Đáng chú ý, đã có 262 doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Để tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, bền vững, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình có nhiều hoạt động thiết thực, gắn bó với doanh nghiệp như: Tổ chức hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn; duy trì chương trình “Cafe doanh nhân”; vận hành Trang thông tin điện tử tỉnh Thái Bình đồng hành cùng doanh nghiệp trên ứng dụng Zalo.
Tổ chức kiểm điểm, đánh giá kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) năm 2021 và chỉ đạo thực hiện biện pháp cải thiện năng lực chỉ số CPI của tỉnh. Tăng cường các giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Sở, ngành, huyện, thành phố (DDCI). Trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập thị trường giai đoạn 2022-2025.
Để có môi trường đầu tư tốt, tỉnh Thái Bình tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt trong thu hút đầu tư theo hướng thực chất, hiệu quả; kiên quyết chấm dứt hoạt động dự án đầu tư không có tính khả thi hoặc chủ đầu tư không có khả năng thực hiện.
Với những giải pháp đồng bộ nêu trên, riêng trong năm nay, tỉnh đã chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 98 dự án, với tổng số vốn đăng ký mới và tăng thêm là hơn 18 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư FDI là hơn 187 triệu USD; ký bản ghi nhớ hợp tác đăng ký đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình với tổng số vốn hơn 800 triệu USD.
Tỉnh Thái Bình chủ trương xã hội hóa nguồn lực và đa dạng hóa các hình thức đầu tư trong tất cả các lĩnh vực để tăng cường huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, thuỷ lợi trọng điểm, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Tích cực vận động các nguồn vốn ODA và các nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư nâng cấp, phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống dân sinh.
Tỉnh đã thành lập Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, xã; đưa 100% thủ tục thực hiện tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công, giải quyết thủ tục theo phương án “5 tại chỗ”; ban hành quy định về trách nhiệm giải trình của bộ máy chính quyền, trách nhiệm người đứng đầu, công chức, viên chức trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.