Những con số “biết nói”
Từ tám nhóm dịch vụ công được tích hợp, cung cấp ở giai đoạn khai trương (ngày 9-12-2019), tới nay Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 1.000 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Đây là một dấu mốc đáng nhớ, khi chỉ sau chín tháng đi vào hoạt động, số dịch vụ công thiết yếu được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia từ vỏn vẹn một chữ số đã vượt mốc ba chữ số.
Cụ thể, dịch vụ công trực tuyến mới nhất – dịch vụ công trực tuyến thứ 1.000 cho phép người dân, doanh nghiệp kê khai, nộp lệ phí trước bạ và nộp tờ khai đăng ký ô-tô trực tuyến theo thủ tục rút gọn, và chỉ cần đến cơ quan công an một lần để bấm và lấy biển kiểm soát, giấy chứng nhận đăng ký xe.
Cùng với dịch vụ công trực tuyến thứ 1.000 rút gọn thủ tục cho khoảng 4 triệu ô-tô, xe máy mỗi năm, hằng tháng các dịch vụ công thứ 999 và 998 về liên thông, dịch vụ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cũng sẽ phục vụ hơn 780.000 đơn vị sử dụng lao động để đóng bảo hiểm xã hội cho hơn 14,4 triệu lao động, 12,7 triệu bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.
Việc đưa Cổng Dịch vụ công quốc gia vào hoạt động cũng thể hiện rõ sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc giải quyết mối quan hệ với người dân, đặc biệt là sự tương tác giữa Chính phủ và người dân, doanh nghiệp trên môi trường trực tuyến.
Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 18-8-2020, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có hơn 227.000 tài khoản đăng ký; gần 60 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, thực hiện dịch vụ; hơn 14,3 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 246.000 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng.
Tính trung bình, hiện mỗi ngày làm việc Cổng tiếp nhận, xử lý khoảng 4.000 hồ sơ trực tuyến; tiếp nhận, xử lý hơn 23.000 cuộc gọi tới tổng đài và hơn 7.600 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Hệ thống thanh toán trực tuyến trên Cổng tuy mới đưa vào vận hành từ tháng 3-2020 nhưng cũng đã xử lý gần 7.000 giao dịch thanh toán trực tuyến, trong đó số lượng giao dịch từ tháng 7-2020 trở lại đây là hơn 4.000 giao dịch.
Ước tính, tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công vào khoảng hơn 13.000 tỷ đồng/năm, trong đó, Cổng Dịch vụ công quốc gia đóng góp hơn 6.700 tỷ đồng/năm.
"Đây chính là những con số biết nói và kết quả này là quá trình xây dựng doanh nghiệp, công dân điện tử, hướng tới xây dựng Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhận định.
Hướng tới “một Việt Nam số” liên thông và hội nhập
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc công bố dịch vụ công thứ 1.000 tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để phục vụ người dân và doanh nghiệp, là cơ sở hình thành doanh nghiệp, công dân điện tử, góp phần tạo dựng nền kinh tế số và xã hội số.
Theo người đứng đầu Chính phủ, việc xây dựng và phát triển Chính phủ số là xu thế tất yếu, nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động xã hội và là con đường đúng đắn để phát triển một đất nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, VPCP đã chủ động phối hợp các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu nền tảng của Chính phủ điện tử nhằm phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đồng thời nhằm phục vụ hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.
Có thể kể đến như: Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống Thông tin họp và xử lý công việc của Chính phủ (E-cabinet), Cổng Dịch vụ công quốc gia hiện cung cấp 1.000 dịch vụ công trực tuyến...
Đặc biệt, đến nay, Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thành giai đoạn thứ nhất, sẵn sàng đưa vào khai thác, sử dụng, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, việc khai trương đưa vào vận hành Hệ thống và Trung tâm nêu trên sẽ góp phần làm thay đổi phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành từ phương thức thủ công, giấy tờ chuyển sang dựa trên thông tin, dữ liệu số; bảo đảm cập nhật, tổng hợp, phân tích thông tin, dữ liệu tạo thành nguồn thông tin, dữ liệu thống nhất, an toàn, bảo mật, hiệu quả và được thực hiện dễ dàng, nhanh chóng giúp tiết kiệm thời gian, tăng sự kịp thời, chính xác của thông tin, số liệu báo cáo.
Để Hệ thống và Trung tâm phát huy hiệu quả, cùng với Cổng Dịch vụ công quốc gia góp phần hướng tới tạo dựng xã hội số, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh thông tin dữ liệu cần bảo đảm chính xác, tin cậy, minh bạch, thống nhất và cần đẩy mạnh số hóa liên thông, chia sẻ thông tin để hướng tới xây dựng Chính phủ số liêm chính, minh bạch, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
“Trong tương lai không xa, chúng ta phải hướng tới, xây dựng hệ thống thông tin chia sẻ liên chính phủ trên một số lĩnh vực với các nước trên thế giới; đặc biệt đối với các nước Cộng đồng ASEAN. Phát triển Chính phủ điện tử có kết nối, liên thông, tương tác quốc tế, được xem là công cụ quan trọng giúp tăng cường ngoại giao và thúc đẩy hợp tác, hội nhập quốc tế”, người đứng đầu Chính phủ gợi mở.
Ngày 19-8-2020, sau gần một năm khẩn trương triển khai xây dựng, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức khai trương, đưa vào hoạt động.
Trong đó, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) có đóng góp quan trọng với vai trò là đơn vị xây dựng, vận hành và phát triển Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Cổng Dịch vụ công phục vụ công tác quản lý và điều hành của Chính phủ.