Hội thảo Triển lãm Ngày An toàn Thông tin Việt Nam 2024 là sự kiện thường niên do Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA) trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức lần thứ 17. Với chủ đề “An toàn thông tin cho Hạ tầng dữ liệu và Nền tảng số quốc gia”, diễn đàn thu hút hơn 1.000 đại biểu trực tiếp và 2.000 khách mời trực tuyến tham gia.
Theo báo cáo của Cybersecurity Ventures-công ty nghiên cứu và tư vấn hàng đầu trong lĩnh vực an ninh mạng, nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ thiệt hại đến 10.500 tỷ USD vào cuối năm 2024 bởi các cuộc tấn công mạng với quy mô ngày càng lớn và phức tạp nhờ AI. Do đó, thế giới cần một mô hình tin cậy để thích ứng với các mối đe dọa mới và công nghệ mới trong kỷ nguyên số. Niềm tin Số (Digital Trust) không chỉ là một giá trị đơn lẻ, mà đây là một hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu cuối cùng là đảm bảo và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tại phiên hội thảo toàn thể, ông Li Hai, Giám đốc An ninh Bảo mật, Quan hệ Chính phủ và Truyền thông của Huawei toàn cầu đã có bài báo cáo chuyên sâu về nội dung “Tạo dựng Niềm tin số, Bảo vệ Thịnh vượng số tại Việt Nam”. Trong phần trình bày, ông nhấn mạnh mục tiêu của Niềm tin số (Digital Trust) là xây dựng nền tảng số đáng tin cậy dựa trên Dữ liệu-Trí tuệ nhân tạo-Năng lượng xanh (Data+AI+Green) và mở khóa tương lai thịnh vượng số cho tất cả mọi người.
Mở đầu báo cáo, ông Li Hai cho hay: “Các công nghệ ICT mới như 5.5G và AIGC (Ứng dụng AI Tạo sinh) đang thúc đẩy mạnh mẽ năng suất và hiệu quả cho các ngành công nghiệp. Để bảo vệ thành quả thịnh vượng số này, chính phủ các nước hay mọi ngành nghề, hiệp hội, đối tác và tổ chức cần chung tay xây dựng mô hình Digital TRUST nhằm giải quyết các thách thức phức tạp của GenAI (AI Tạo sinh). Mô hình này bao gồm 5 yếu tố cốt lõi, cung cấp lộ trình phát triển hiệu quả và hoàn chỉnh hướng đến một tương lai chuyển đổi số thịnh vượng, toàn diện và bền vững”.
T - Technology & Talent (Công nghệ & Nhân tài): Các công nghệ ICT mới như chuỗi khối blockchain, quyền riêng tư tăng cường, trí tuệ nhân tạo,… đang góp phần định hình nên một tương lai kỹ thuật số đáng tin cậy. Khởi nguồn của an ninh mạng chính là công nghệ. Các rủi ro trong lĩnh vực an ninh mạng có thể được giảm thiểu và quản lý chặt chẽ nhờ các giải pháp đổi mới sáng tạo về kỹ thuật. Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ để xây dựng niềm tin số giữa các tổ chức và doanh nghiệp, phát triển nhân tài ICT về quản lý an ninh mạng là điều cần thiết để nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế số mỗi quốc gia.
R - Shared Responsibilitie (Chia sẻ trách nhiệm): Các công nghệ ICT mới phát triển nhanh chóng, song cũng cực kỳ phức tạp với nhiều mối đe dọa ngày càng tăng. Hệ sinh thái chỉ có thể phát triển lành mạnh nếu các vai trò và trách nhiệm được phân định rõ ràng, trên 4 cấp độ quản lý an ninh mạng: quốc gia, doanh nghiệp, cá nhân, nền tảng hạ tầng và dữ liệu.
U - Unified Multi-Stakeholders' Collaboration (Hợp tác đa phương thống nhất): Tăng cường hợp tác giữa chính phủ và doanh nghiệp là yếu tố quan trọng trong việc phát triển giải pháp toàn cầu, chuyển đổi các ngành công nghiệp và quốc gia trở nên số hóa và thông minh hơn.
S - International Common Standardization (Chuẩn hóa quốc tế): Các tiêu chuẩn chung cho cả công nghệ ICT và an ninh mạng được chấp thuận toàn cầu là cần thiết để tạo ra môi trường công bằng và nhất quán, nơi tất cả các bên có thể cùng nhau ứng phó với thách thức. Chính phủ cần đi đầu trong việc thiết lập khung quản trị an ninh dữ liệu quốc gia theo các tiêu chuẩn chung quốc tế, phù hợp với tình hình trong nước.
T - Fair Digital Trade (Thương mại số công bằng): Thương mại số không chỉ bao gồm hàng hóa, mà còn cả các dịch vụ tài chính, viễn thông, điện toán, giải trí… đang phát triển nhanh chóng trên toàn cầu. Các Hiệp định Kinh tế số (DEAs) giữa đa quốc gia và khu vực cần cập nhật những Tiêu chuẩn Thương mại số nhằm cải thiện hiệu quả, khả năng tương tác và độ tin cậy của dòng chảy thương mại số xuyên biên giới.