Truyền thông nhận thức đúng về tự kỷ trong cộng đồng

Việc phát hiện sớm trẻ tự kỷ có vai trò quan trọng đối với sự thay đổi, tiến bộ và khả năng hòa nhập cộng đồng sau này. Để phát hiện sớm cho trẻ tự kỷ, cần tăng cường truyền thông nhận thức đúng về tự kỷ trong cộng đồng.
0:00 / 0:00
0:00
“Ngày hội yêu thương cho trẻ tự kỷ” tại Trường Giáo dục chuyên biệt Khai Trí, Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 31/3/2022. (Ảnh: NFVC)
“Ngày hội yêu thương cho trẻ tự kỷ” tại Trường Giáo dục chuyên biệt Khai Trí, Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 31/3/2022. (Ảnh: NFVC)

Can thiệp sớm rất quan trọng với trẻ tự kỷ. Đó là bước đầu tiên và chất lượng can thiệp quyết định tương lai người tự kỷ. Can thiệp sớm lý tưởng nhất là ngay khi mới phát hiện rối loạn phổ tự kỷ, tức là tầm 2-3 tuổi hoặc sớm hơn, nhưng nếu trẻ đã lớn hơn mà chưa đạt được các tiến bộ cần thiết và các kỹ năng hòa nhập cơ bản, thì cũng vẫn phải quay trở lại thực hiện các nội dung trong chương trình can thiệp sớm.

Nếu quá trình can thiệp sớm không được thực hiện tốt, trẻ có thể bỏ lỡ thời gian và cơ hội tiến bộ. Các bước tiếp theo như đi học hòa nhập, hướng nghiệp, việc làm, sống độc lập trở nên vô cùng khó khăn.

Đây là chia sẻ của bà Trần Thị Hoa Mai, Phó Chủ tịch Mạng lưới tự kỷ Việt Nam (VAN), tại hội thảo “Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng đối với người trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí”. Chương trình do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức.

Can thiệp sớm rất quan trọng với trẻ tự kỷ. Đó là bước đầu tiên và chất lượng can thiệp quyết định tương lai người tự kỷ. Can thiệp sớm lý tưởng nhất là ngay khi mới phát hiện rối loạn phổ tự kỷ, tức là tầm 2-3 tuổi hoặc sớm hơn.

Cũng theo bà Trần Thị Hoa Mai, Luật Người khuyết tật Việt Nam hiện có phân loại 6 dạng khuyết tật, đó là: Khuyết tật vận động; khuyết tật nghe, nói; khuyết tật nhìn; khuyết tật thần kinh, tâm thần; khuyết tật trí tuệ; khuyết tật khác. Theo Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Người khuyết tật của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (tháng 1/2019), tự kỷ được xếp vào dạng khuyết tật khác, và những quy định cụ thể hơn rất chung chung mơ hồ, chưa thực sự hỗ trợ cho người tự kỷ.

Bản chất của tự kỷ là một rối loạn phát triển - trong định nghĩa của Liên hợp quốc, của các nước phát triển đều khẳng định điều này, Nhưng dạng tật này lại không có trong Luật Người khuyết tật, dẫn đến việc các rối loạn phát triển, trong đó có tự kỷ, dường như đang bị bỏ lại phía sau.

Trẻ tự kỷ đến tuổi đi học được nhận vào các trường tiểu học công lập, nhưng không có giáo viên có chuyên môn về giáo dục đặc biệt hỗ trợ, có tình trạng “chỉ ngồi trong lớp cho đến hết giờ”, không đạt được các yêu cầu học tập. Các hỗ trợ về hướng nghiệp, hòa nhập cộng đồng gần như là số không.

Từ đó, bà Trần Thị Hoa Mai đề xuất một số giải pháp hỗ trợ thiết thực nhất cho trẻ tự kỷ ở Việt Nam

Thứ nhất, trẻ cần được phát hiện sớm. Cần truyền thông nhận thức đúng về tự kỷ trong cộng đồng. Tự kỷ là khuyết tật có tỷ lệ mắc rất cao hiện nay, và nguyên nhân không nằm ở cách nuôi dạy của cha mẹ. Cần làm những tầm soát, sàng lọc để phát hiện sớm, từ đó can thiệp sớm cho trẻ.

Thứ hai, can thiệp sớm và khoa học, đúng cách. Cần công bố chính thức các biện pháp can thiệp có căn cứ khoa học trên cổng thông tin điện tử của các bộ ngành về y tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và bảo vệ trẻ em.

Ban hành tiêu chuẩn hoạt động của các cơ sở cung cấp dịch vụ can thiệp trẻ có rối loạn phổ tự kỷ. Tư vấn, giải đáp cho cha mẹ, hỗ trợ cha mẹ tìm kiếm thông tin, lựa chọn phương pháp, cơ sở can thiệp, học hỏi kiến thức để đồng hành cùng con một cách hiệu quả.

Thứ ba, thiết lập các mô hình giáo dục hòa nhập hiệu quả cho trẻ tự kỷ. Hiện nay, trẻ em tự kỷ vẫn được học hòa nhập phổ thông, nhưng chưa có đủ các giáo viên giáo dục đặc biệt hỗ trợ, nên vẫn gặp khó khăn.

Ngoài ra, cần có những mô hình hoạt động cộng đồng thân thiện mà mọi trẻ em có thể tham gia, như các cuộc thi thể thao, văn nghệ, nghệ thuật, các lớp kỹ năng… Trong đó, có tính đến những khó khăn của người tự kỷ và chấp nhận những khác biệt. Trẻ em tự kỷ tiến bộ nhanh khi có cơ hội thực hành giao tiếp, và được tham gia trong các hoạt động thân thiện ở cộng đồng.

Thứ tư, định danh tự kỷ/hoặc tạo cơ sở để xác định rõ hơn về khuyết tật tự kỷ. Cần bổ sung dạng khuyết tật phát triển trong Luật Người khuyết tật. Hiện tại, tự kỷ đang được xếp trong dạng khuyết tật khác, dẫn đến những khó khăn đặc thù của tự kỷ không được hiểu đúng, khó phân hạng, khó có những hỗ trợ đúng cách và phù hợp với tự kỷ.

Cần định danh tự kỷ/hoặc tạo cơ sở để xác định rõ hơn về khuyết tật tự kỷ. Cần bổ sung dạng khuyết tật phát triển trong Luật Người khuyết tật. Hiện tại, tự kỷ đang được xếp trong dạng khuyết tật khác, dẫn đến những khó khăn đặc thù của tự kỷ không được hiểu đúng, khó phân hạng, khó có những hỗ trợ đúng cách và phù hợp với tự kỷ.

Bà Hoa chia sẻ, ngành công tác xã hội, với vai trò là kết nối nguồn lực hỗ trợ, có thể tham gia trong việc tập hợp đội ngũ các nhà chuyên môn để làm rõ nội dung về tự kỷ, xác định rõ chiến lược ở cấp quốc gia đối với vấn đề này. Từ đó, mới có những thay đổi trong các văn bản pháp luật và tiến tới công tác thực thi có hiệu quả.

Sự phối hợp của các Bộ, ngành liên quan như Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, ngành công tác xã hội cùng các tổ chức xã hội, mạng lưới phụ huynh cùng tham gia giải quyết vấn đề này cũng rất cần thiết.