Trùng tu biệt thự 49 phố Trần Hưng Đạo sát với nguyên bản nhất

Sau 1 năm thực hiện công tác trùng tu, ngôi biệt thự có kiến trúc kiểu Pháp ở góc đường Trần Hưng Đạo-Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã cơ bản hoàn thành.
0:00 / 0:00
0:00
Biệt thự số 49 phố Trần Hưng Đạo-46 phố Hàng Bài đã cơ bản hoàn thành công tác trùng tu bên ngoài.
Biệt thự số 49 phố Trần Hưng Đạo-46 phố Hàng Bài đã cơ bản hoàn thành công tác trùng tu bên ngoài.

Mặc dù không có hồ sơ công trình, nhưng các chuyên gia đến từ nước Pháp đã tiến hành thám sát công trình khoa học, cẩn trọng đưa ra giải pháp trùng tu hiệu quả nhất, sát với nguyên bản nhất, từ các đường nét kiến trúc cho đến màu sắc công trình.

Những ngày gần đây, khi đi qua góc phố Trần Hưng Đạo-Hàng Bài, nhiều người ngạc nhiên khi công trình biệt thự Pháp (số 49 phố Trần Hưng Đạo, 46 phố Hàng Bài) được tu sửa khang trang.

Đây là một tòa biệt thự 2 tầng, nằm trên khuôn viên khá rộng, với diện tích khoảng 990m2, là một trong những công trình tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Pháp ở Việt Nam.

Trước khi được tu bổ, ngôi biệt thự này bị bỏ hoang trong một thời gian dài, nhiều hạng mục gần như hỏng hoàn toàn. Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn khi thấy biệt thự phối hợp 2 màu vàng, đỏ nâu “không quen mắt”. Thậm chí, có một số ý kiến cho rằng quá trình bảo tồn đã “làm mới” và làm “hỏng” công trình.

Song, để có được diện mạo hôm nay, các chuyên gia đã phải trải qua quá trình làm việc khoa học và kỳ công.

Tháng 4/2022, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm khởi công dự án “Bảo tồn, sửa chữa, chống xuống cấp nhà biệt thự 49 Trần Hưng Đạo-46 Hàng Bài”. Dự án nhận được sự hỗ trợ của của các chuyên gia Vùng Ile-de-France (Cộng hòa Pháp).

Công trình biệt thự Pháp ở góc phố Trần Hưng Đạo-Hàng Bài là một tòa nhà tư nhân, do đó, không có hồ sơ lưu trữ. Trước khi tiến hành công tác bảo tồn, sửa chữa, các chuyên gia đã triển khai các hoạt động đánh giá hiện trạng, thám sát các lớp vật liệu để làm rõ các yếu tố nguyên gốc phục vụ cho trùng tu.

Quá trình này đem lại những kết quả thú vị. Thí dụ, như việc chủ nhà sử dụng những xà thép được nhập khẩu từ Pháp. Gạch lát sàn là loại gạch bông cũng chuyển từ Pháp sang với mặt dưới của gạch có con dấu của một công ty ở miền nam nước Pháp.

Gạch xây công trình là loại gạch do người Pháp sản xuất nhưng ở tầng một tòa nhà được xây bằng nhiều loại gạch, trong đó có cả những viên gạch vồ, có thể là những viên gạch được dỡ ra từ tường thành Hà Nội khi thành bị phá.

Trùng tu biệt thự 49 phố Trần Hưng Đạo sát với nguyên bản nhất ảnh 1

Bức ảnh cũ về tòa biệt thự. Góc phía bên phải tòa nhà có phần trang trí màu sẫm, kẻ chỉ giả gạch.

Đối với màu của biệt thự, sau khi bóc lớp vôi ve của biệt thự được quét lên sau nhiều lần cải tạo, các chuyên gia đã tìm được màu gốc, là màu vàng, xen kẽ màu vàng là những ô màu đỏ được kẻ chỉ để làm giả những viên gạch.

Có mặt trong khuôn viên biệt thự khi công trình đang đi vào giai đoạn sửa chữa cuối cùng, đại diện Vùng Ile-de-France, Giám đốc cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam Emmanuel Cerise cho biết: “Chúng tôi mời chuyên gia về công tác tu bổ để phục vụ cho công tác bảo tồn biệt thự. Chúng tôi luôn cố gắng giữ những đặc điểm gốc của công trình mà chúng tôi có được qua nghiên cứu.

Một trong những đặc điểm đó là 2 màu vàng và màu đỏ như mọi người thấy. Những mảng đỏ được làm theo đúng kỹ thuật thời kỳ đó, đó là kẻ chỉ làm giả các viên gạch từ nền đỏ. Chúng tôi tiến hành công việc trên cơ sở tôn trọng những đặc điểm gốc của công trình. Công trình vốn như thế nào, chúng ta hãy làm như thế. Màu sắc hiện nay cơ bản sẽ là màu sơn cuối cùng của biệt thự”.

Trùng tu biệt thự 49 phố Trần Hưng Đạo sát với nguyên bản nhất ảnh 2

Màu đỏ của công trình xuất lộ trong quá trình thám sát sau khi bóc đi các lớp vôi ve.

Gần đây, trên địa bàn Hà Nội có một số dự án tôn tạo trùng tu di sản kiến trúc Pháp. Chủ đầu tư đang có xu hướng làm theo những gam màu nhạt đi, hay cố tình thể hiện nó nhuốm màu thời gian.

Điển hình như Nhà thờ Lớn (phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm), sau khi trùng tu, màu công trình không giống màu cổ kính trước kia. Chủ đầu tư đã sơn sửa để trông gần giống với màu rêu phong trước đó.

Ông Emmanuel Cerise cho rằng, phương pháp này không phải là cách bảo tồn thật sự, nếu chúng ta muốn thực hiện công tác bảo tồn, phải làm nguyên trạng đặc điểm gốc khi nó khi xây dựng, chứ không phải làm “giả cổ".

Ông Emmanuel Cerise cũng cho biết, một thời gian nữa khi công trình chịu ảnh hưởng của khí hậu, thời tiết, màu của công trình biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo--46 Hàng Bài sẽ có thay đổi nhất định và người dân sẽ thấy quen thuộc hơn.

Về phía các chuyên gia, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho biết: “Biệt thự được xây dựng trước năm 1954 là quỹ di sản đặc trưng, là biểu hiện hội nhập văn hóa, một dấu ấn quan trọng trong sự phát triển của Hà Nội.

Thành phố Hà Nội không chỉ mời chuyên gia trong nước, mà còn mời chuyên gia nước ngoài để nghiên cứu bảo tồn, phát huy giá trị biệt thự. Gần đây, thành phố còn đưa ra danh mục các công trình biệt thự có giá trị. Tôi cho rằng đây là quyết tâm lớn trong việc gìn giữ, tạo bản sắc Hà Nội.

Công trình biệt thự số 49 phố Trần Hưng Đạo được thành phố chỉ đạo tiến hành một cách nghiêm túc, bám sát tính nguyên bản của biệt thự cho thấy quyết tâm của thành phố trong giữ gìn bản sắc kiến trúc không chỉ cho hôm nay và còn mai sau”.

Trùng tu biệt thự 49 phố Trần Hưng Đạo sát với nguyên bản nhất ảnh 3

Cận cảnh phối màu của biệt thự.

Biệt thự số 49 phố Trần Hưng Đạo-46 Hàng Bài là công trình biệt thự đầu tiên của Hà Nội được tiến hành trùng tu một cách bài bản. Dự kiến, công trình sẽ trở thành một trung tâm văn hoá khi được khánh thành chính thức.

Thành phố Hà Nội hiện có hàng nghìn căn biệt thự Pháp có tuổi đời khoảng 1 thế kỷ. Do đó, thành phố kỳ vọng dự án này sẽ tạo ra một hình mẫu về công tác bảo tồn biệt thự trong tương lai. Trong đó, riêng quận Hoàn Kiếm sẽ tu bổ 7 tòa biệt thự trong năm 2023.