Trung thu và di sản tinh thần

NDO - Trước mỗi dịp Tết Trung thu khoảng vài tháng, những người thợ thủ công của nhiều làng nghề chung quanh Hà Nội lại háo hức chuẩn bị nguyên liệu, dụng cụ làm đồ chơi Trung thu. Không chỉ để kiếm chút mưu sinh, họ còn mang một trọng trách vô hình là gìn giữ di sản tinh thần được trao truyền qua nhiều thế hệ. Một trọng trách mà chính họ cũng không hề nhận ra, chỉ biết nhẫn nại làm và lấy niềm vui con trẻ làm niềm hạnh phúc của mình
Trung thu và di sản tinh thần

Trung thu và di sản tinh thần -0

Tết Trung thu của Việt Nam xuất phát từ những ảnh hưởng văn hóa từ một số nước Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản, nhưng lại mang những nét rất đặc trưng của văn hóa lúa nước Đông Nam Á. Những đặc trưng này thể hiện ở mong ước về một vụ mùa bội thu, về sự no ấm, đủ đầy…, và cả những khát vọng cho thế hệ tương lai như mong muốn cho con cái đỗ đạt, thành tài…

Nói đến Tết Trung thu, ngoài các món bánh truyền thống đặc trưng, không thể thiếu đồ chơi truyền thống. Những món đồ chơi đơn giản, được làm từ những loại vật liệu quen thuộc và phổ biến như giấy, tre, hồ dán… được biến hóa thành những hình tượng, biểu trưng cho những ước mong nhất định của người nông dân. Những loại đèn thắp sáng, như đèn ông sao, đèn cù, đèn thỏ, đèn cá, đèn lồng… có ý nghĩa hướng về mặt trăng, cầu một năm mưa thuận gió hòa. Những đồ chơi bồi giấy, bìa như đầu sư tử, mặt nạ… có ý nghĩa xua đuổi ma quỷ, hướng tới sự an lành…

Trung thu và di sản tinh thần -0

Phổ biến nhất trong số các loại đồ chơi Trung thu là đèn ông sao. Cho đến bây giờ, mỗi dịp Trung thu, dù đã có nhiều loại đồ chơi khác, nhưng riêng với đèn ông sao, gần như gia đình nào cũng phải có một chiếc.

Trung thu và di sản tinh thần -0

TS Vũ Hồng Nhi, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết: “Trong tâm thức dân gian, luôn có sự coi trọng đối với các hiện tượng thiên nhiên, trong đó sao trên trời cũng là một hình thức quan sát thường thấy của nông dân để đoán định thời tiết, từ đó biết được mùa vụ năm nay cần lưu ý gì. Dân gian cũng có câu “Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa”. Vào dịp rằm tháng Tám, trong mọi gia đình có trẻ nhỏ không thể thiếu đèn ông sao. Sau năm 1945, đèn ông sao có thêm hai lá cờ, khẳng định sự độc lập của đất nước. Trống ếch và đèn ông sao chính là sự hòa hợp với thiên nhiên”.

Trung thu và di sản tinh thần -0 Ông tiến sĩ giấy.

Cùng với nhóm đồ chơi, đồ bày biện mang tính cầu cho một vụ mùa no ấm đầy đủ, đồ chơi Trung thu còn những thứ mang ý nghĩa giáo dục con trẻ cùng ước vọng sau này con học hành thành tài, đỗ đạt. Điển hình trong số này là ông tiến sĩ giấy và đèn kéo quân. Hình ảnh ông tiến sĩ với đầy đủ võng lọng vua ban, niềm tự hào trên khuôn mặt cười rạng rỡ hay chiếc đèn kéo quân với những hoạt cảnh vinh quy bái tổ lung linh dưới ánh nến chính là khát vọng về sự nghiệp học hành của cha ông dành cho con cháu.

Ngoài ra, những món đồ trang trí như mâm ngũ quả bằng bột gạo nhuộm màu, các con giống tỉa từ rau củ quả, cặp bánh nướng, bánh dẻo dâng cúng ông bà tổ tiên cũng mang ước vọng về một sự sung túc, đủ đầy, viên mãn.

Trung thu và di sản tinh thần -0

Điểm đặc biệt nhất của Tết Trung thu ở Việt Nam chính là tinh thần. Những ngày này, khi nhà nhà điều kiện vật chất đã khá đủ đầy so với trước kia, thì việc những tấm bánh hay món đồ chơi hiện diện trong nhà vào đúng dịp Trung thu cũng không còn quá quan trọng. Nhưng năm nào cũng vậy, khi tháng Tám vừa chớm chạm, bánh Trung thu bắt đầu được bày bán rất nhiều trên khắp các phố, “chợ Đèn” Hàng Mã bắt đầu xếp đèn ra bày bán. Thì khi đó, “đi Hàng Mã” đã trở thành câu nói cửa miệng của rất nhiều người Hà Nội. Người lớn hỏi nhau “Cho trẻ con đi Hàng Mã chưa”, bọn trẻ thì hỏi nhau “Đi chơi Hàng Mã chưa?”… giống như mọi câu hỏi thăm thường nhật nhưng chỉ xuất hiện vào dịp Trung thu. Với nhiều người, chỉ cần được sống trong bầu không khí Trung thu, giữa những rực rỡ sắc màu, lung linh nhộn nhịp của người đi chơi, thì mới thực sự là trải nghiệm Trung Thu. Chính vì thế, những món đồ chơi, hay bánh truyền thống, mặc dù thời nay bị lấn át bằng rất nhiều thứ hấp dẫn hơn, vẫn có những vị trí nhất định trong đời sống hiện đại.

Trung thu và di sản tinh thần -0 Một em bé nước ngoài trải nghiệm vẽ đầu lân trong một dịp Trung thu do Bảo tàng Dân tộc học tổ chức.
Trung thu và di sản tinh thần -0

GS sử học Lê Văn Lan từng nói: “Trung thu vẫn là những điều cố hữu mà trẻ con thời thơ ấu của tôi 70-80 năm trước ham thích, đó là những khẩu bánh, những con giống, những trò chơi. Đặc biệt là những chiếc đèn, từ thủa nhỏ tôi đã mê mệt những chiếc đèn xếp, và chỉ dám đứng xa xa ngó những chiếc đèn kéo quân sang trọng cầu kỳ. Chỉ cần được chạm tay, được tham gia vào vòng tuần hoàn đèn kéo quân tạo ra dưới ánh sáng lung linh, cộng với đèn ông sao, đèn ông thiềm thừ là thấy sung sướng vô cùng”. GS Lê Văn Lan cho rằng, tất cả những món đồ chơi Trung thu từ thế kỷ trước cho đến thế kỷ này vẫn nhất quán, vẫn tạo ra được sức hấp dẫn của văn hóa dân tộc, dựa trên thiên nhiên của đất nước này vào mùa thu”.

Trung thu và di sản tinh thần -0

Trở lại với những người thợ thủ công làm đồ chơi Trung thu. Nhiều năm nay, anh Nguyễn Văn Hùng làm tàu thủy sắt tây, chị Nguyễn Thị Tuyến làm đèn ông sao, anh Nguyễn Văn Thành làm tò he, anh Nguyễn Đoàn Tuấn làm đèn lồng… là những khách mời quen thuộc của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Hoàng thành Thăng Long hay Ban quản lý khu Phố cổ Hà Nội. Năm nào cũng vậy, công việc làm đèn vất vả, lại là việc mùa vụ mỗi năm chỉ có một lần, chuẩn bị mất thời gian, nhưng cứ đến Trung thu là các anh chị lại vui lây niềm vui của con trẻ, hạnh phúc khi thấy những ánh mắt háo hức của lũ trẻ khi ngắm nhìn những chiếc đèn, những món đồ chơi mình tự tay làm ra.

Trung thu và di sản tinh thần -0

Với chị Nguyễn Thị Tuyến, hơn 40 năm gắn bó với nghề làm đèn ông sao, làm ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy… đã khiến chị không đành lòng bỏ nghề dù có những lúc đồ chơi dân gian đã mai một tới mức báo động. Chị kể, để có thu nhập trang trải cuộc sống hằng ngày, gia đình chị làm thêm nhiều việc khác như kinh doanh, buôn bán nhỏ. Chỉ vào mùa vụ Trung thu, gian nhà chị lại đầy ắp tre nứa, giấy màu, giấy bóng kính để chuẩn bị cho những buổi giao lưu, trình diễn làm đồ chơi dân gian trước công chúng. Trước kia, cả làng Hậu Ái (xã Vân Canh, Hoài Đức) chỉ có mình nhà chị làm đèn. Nhưng nay, ở nhiều nơi khác cũng đã có thêm những hộ làm đèn, dù chỉ mang tính chất mùa vụ. Từ những chuyến đi đầu tiên đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, đều đặn cho đến nay, năm nào chị cũng đem những món đồ chơi của mình đi giới thiệu cho những lứa trẻ khác nhau. “Bây giờ nhiều trường học cũng mời tôi vào làm đèn cho các cháu, nhiều khi không đủ thời gian để nhận lời hết”. Chị cũng thấy vui vì ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, nhiều tình nguyện viên là học sinh, sinh viên đã rất say sưa học cách làm đèn ông sao. “Tôi không dám mong có cháu nào theo nghề, nhưng chỉ cần các cháu tự làm là thấy thích, thấy yêu món đồ chơi cổ truyền này”.

Trung thu và di sản tinh thần -0 Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền hướng dẫn các bạn nhỏ làm đèn kéo quân.

Với ông Nguyễn Văn Quyền, người thợ làm đèn kéo quân lâu năm ở thôn Đàn Viên, xã Cao Viên (Thanh Oai, Hà Nội), mỗi năm cứ vào dịp Trung thu là ông như trẻ lại bởi những ánh mắt trẻ nhỏ háo hức ngắm những vòng xoay ánh sáng của chiếc đèn được ông trau chuốt từng nan tre, từng miếng giấy… Ông bảo, đèn này khó, nhiều chi tiết, nên phải trẻ nào lớn lớn một chút mới làm được. “Nghề này làm không khó, nhưng không cho thu nhập đều và cao như nhiều công việc khác, cho nên khó mong có người nối nghề. Tôi chỉ mong các cháu học cách làm, yêu thích và có thể tự làm đèn để chơi vào mỗi dịp Trung thu là vui rồi”.

Trung thu và di sản tinh thần -0
Trung thu và di sản tinh thần -0 Em bé với niềm vui khi vẽ chiếc mặt nạ đầu tiên trong đời.

Cứ như thế, những sự kiện Trung thu hằng năm, dù mưa hay nắng, cũng đều thu hút đông đảo trẻ nhỏ tham gia. Ở Bảo tàng Dân tộc học cuối tuần qua, nhiều trò chơi các tình nguyện viên đã phải từ chối phục vụ vì không đủ người, như vẽ mặt nạ giấy bồi, làm tò he… Những em nhỏ năm xưa từng tò mò ngồi làm đèn, vẽ mặt nạ từ những ngày đầu Bảo tàng mới tổ chức cách đây mười mấy năm, nay đã trưởng thành và dắt theo trẻ nhỏ đến, tiếp nối những háo hức, sung sướng của mình trước kia.

Trung thu và di sản tinh thần -0 Hai em bé nước ngoài háo hức với món đồ chơi Việt.

Những người thợ thủ công vẫn cần mẫn làm công việc của mình mỗi năm, và cũng không hề biết rằng chính mình đang là những người chuyển lại ngọn lửa tinh thần Trung thu cho những thế hệ sau.

Và chính những điều đó đã làm nên một di sản tinh thần Trung thu, được trao truyền và nối tiếp qua nhiều thế hệ.

Trung thu và di sản tinh thần ảnh 14

Ngày xuất bản: 01-10-2020

Thực hiện: TUYẾT LOAN

Ảnh: NGỌC DUY, TUYẾT LOAN

Thiết kế và kỹ thuật: ĐĂNG PHI