Trồng hoa, kiểng công nghệ cao ở Tây Nam Bộ

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, nhiều hộ trồng hoa, kiểng (cây cảnh) tại các địa phương Tây Nam Bộ mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào thực tế sản xuất. Nhờ đó, nhiều sản phẩm chất lượng cao, “độc, lạ” xuất hiện ngày càng nhiều, góp phần nâng tầm giá trị hoa, kiểng.
0:00 / 0:00
0:00
Bà Nguyễn Thị Nga ở Bến Tre ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa treo để cung ứng cho thị trường. (Ảnh: HOÀNG TRUNG)
Bà Nguyễn Thị Nga ở Bến Tre ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa treo để cung ứng cho thị trường. (Ảnh: HOÀNG TRUNG)

Thực tế cũng cho thấy, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất hoa, kiểng vẫn còn gặp không ít khó khăn. Một số địa phương vùng Tây Nam Bộ đã đề ra lộ trình, mục tiêu cụ thể để nâng cao chất lượng, tạo sản phẩm mới nhằm khẳng định vị thế ngành hàng hoa, kiểng ở vùng châu thổ Cửu Long...

Đáp ứng nhu cầu thị trường

Sản xuất, kinh doanh hoa, kiểng là nghề truyền thống của nhiều bà con ở các huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành (tỉnh Bến Tre). Hiện, Bến Tre có hơn 7.900 hộ trồng hoa, kiểng, trong đó, huyện Chợ Lách chiếm hơn 80% tổng số hộ. Hằng năm, Bến Tre cung ứng cho thị trường khoảng 15 đến 18 triệu sản phẩm hoa, kiểng các loại. Gần đây, nhiều hộ trồng hoa, kiểng mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm cung ứng cho thị trường các sản phẩm chất lượng cao, hạ giá thành sản xuất.

Gia đình bà Nguyễn Thị Nga ở xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách có 1,8ha trồng kiểng treo các loại, mỗi năm đưa ra thị trường hàng nghìn chậu. “Gia đình tôi sản xuất hoa treo đã 12 năm và gần chục năm nay sử dụng nhà lưới, hệ thống tưới tự động để chăm sóc cây hằng ngày, từ đó giảm chi phí nhân công, tránh được sâu bệnh cho hoa kiểng”, bà Nguyễn Thị Nga cho biết.

Hợp tác xã nông nghiệp Thắng Lợi ở xã Long Thới, huyện Chợ Lách là một trong những đơn vị điển hình của tỉnh Bến Tre về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cây giống, hoa kiểng. Giám đốc hợp tác xã Bùi Hồng Khánh cho biết: “Hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giá thể sạch bệnh để sản xuất cây giống, hoa kiểng và túi tự hủy. Với hai sản phẩm này, nông dân sản xuất cây giống không phải trồng ngoài đất rồi bứng vô chậu tốn nhiều chi phí, công lao động và rút ngắn được thời gian sản xuất”.

Mới đây, Hợp tác xã nông nghiệp Thắng Lợi đã ký hợp đồng cung ứng 2.000 cây cúc mâm xôi sạch bệnh ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô từ Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh Bến Tre. Khi có cây giống sạch bệnh, chất lượng cao được trồng trên giá thể sạch bệnh chắc chắn sẽ nâng cao năng suất, giá trị. Dự kiến, Hợp tác xã sẽ cung ứng nguồn cây giống, giá thể này cho bà con sản xuất cây giống và bao tiêu toàn bộ sản phẩm để cung ứng ra thị trường.

Đồng Tháp xác định hoa kiểng là một trong năm ngành hàng chủ lực của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có hơn 2.841ha hoa kiểng với hơn 2.000 chủng loại hoa, kiểng, trong đó, diện tích trồng hoa các loại gần 2.398ha. Thành phố Sa Đéc được nhiều người xem là “thủ phủ” hoa miền Tây Nam Bộ. Hiện, Sa Đéc có hơn 946ha hoa, kiểng với hơn 1.150 chủng loại, diện tích tăng hơn hai lần so với năm 2015. Không chỉ mở rộng diện tích, nhiều hộ dân, nhất là thành viên các hợp tác xã hoa, kiểng tại thành phố Sa Đéc đã tích cực ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Hợp tác xã hoa kiểng Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc được thành lập từ năm 2007, hiện có 103 thành viên với 40ha sản xuất. Hơn 10 năm trước, một số thành viên Hợp tác xã hoa kiểng Tân Quy Đông đã bắt đầu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; đến nay, có khoảng 50% thành viên đầu tư nhà lưới và 10% thành viên đầu tư nhà màng để sản xuất các giống hoa hồng, lan, cúc… “Về kỹ thuật thuần giống, ứng dụng công nghệ, bà con chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm để sản xuất hoa, kiểng đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường”, Giám đốc Hợp tác xã hoa kiểng Tân Quy Đông Trần Thanh Khang khẳng định.

Tại Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp, việc nhân giống, lưu giữ giống gốc, nuôi giữ nguồn gen với hàng chục loại hoa, kiểng luôn duy trì thường xuyên để hằng năm cung cấp hàng trăm nghìn cây giống hoa cấy mô cho nhu cầu sản xuất. Trưởng phòng Công nghệ sinh học, Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp Ngô Thị Hồng Hương cho biết, trung tâm đã hoàn thiện quy trình nhân giống 17 các loại.

Hoa đồng tiền là một trong bốn loại cây giống chủ lực của trung tâm đang được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô. Nhu cầu cây giống hoa đồng tiền tại làng hoa Sa Đéc là rất lớn, riêng trung tâm cung ứng khoảng 300.000 cây mỗi năm, góp phần giảm tỷ lệ nhập cây từ nơi khác, hạn chế được chi phí vận chuyển, giảm hao hụt cho người trồng...

Trồng hoa, kiểng công nghệ cao ở Tây Nam Bộ ảnh 1

Nhân viên Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp thăm vườn cây khảo sát và cây mẫu. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Nâng cao chất lượng, tạo thêm sản phẩm mới

“Điều mà người trồng hoa chúng tôi trăn trở nhất hiện nay là giống và giá thể. Chúng tôi rất muốn đa dạng dòng sản phẩm hoa, kiểng, đề nghị Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh lai tạo thêm giống hoa mới, “độc lạ” nhiều hơn để thành viên hợp tác xã và bà con trồng hoa ít rủi ro, có lợi nhuận cao hơn”, Giám đốc Hợp tác xã hoa kiểng Tân Quy Đông Trần Thanh Khang bày tỏ.

Để nâng tầm giá trị của hoa kiểng, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch đầu tư, phát triển Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cùng với đó, phát triển ngành hàng hoa kiểng gắn với thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phấn đấu đến năm 2025, ngành hàng này của tỉnh Đồng Tháp đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Lê Quốc Điền cho biết, việc xây dựng, nâng cấp Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trở thành “đầu tàu” của tỉnh trong việc nghiên cứu và chuyển giao khoa học, công nghệ trong nông nghiệp sẽ được thực hiện quyết liệt trong giai đoạn 2022-2025.

Nhằm đa dạng hóa sản phẩm, tỉnh Đồng Tháp đang tăng cường liên kết, hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ hoa kiểng. Trong đó, xây dựng kế hoạch hợp tác với Hiệp hội Hợp tác kinh doanh nông nghiệp Hà Lan-Việt Nam trong việc nghiên cứu, chuyển giao giống mới có bản quyền nhằm nhân giống, khảo sát đặc tính sinh trưởng và đánh giá sơ bộ hiệu quả kinh tế trước khi triển khai ứng dụng, mở rộng quy mô sản xuất. Cùng với đó, tiếp nhận nguồn giống và nhân giống cho giai đoạn 2 của đề tài “Cải thiện giống hoa hồng Lửa và giống hoa cúc Tiger phù hợp với làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp” của Viện Cây ăn quả miền nam.

Thực hiện đề án phát triển cây giống và hoa kiểng Chợ Lách tầm quốc gia của tỉnh Bến Tre, Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh Bến Tre được giao nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển các giống cây, hoa kiểng ứng dụng công nghệ cao. Hiện, một số sản phẩm nuôi cấy mô của trung tâm đã được các hộ dân, hợp tác xã trên địa bàn đặt hàng để sản xuất. Trung tâm cũng đã đặt hàng Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện đề tài xử lý ra hoa mai vàng, hoa giấy để ứng dụng, nhân rộng trong thực tế.

Phó Giám đốc Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh Bến Tre Bùi Trường Thọ cho biết, trung tâm chú trọng phát huy vai trò của nhà khoa học trong việc nghiên cứu, hỗ trợ đẩy nhanh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và triển khai đầy đủ, đồng bộ, kịp thời các chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học và công nghệ cho nông dân và doanh nghiệp.

Đề án phát triển cây giống và hoa kiểng Chợ Lách tầm quốc gia là một trong 11 công trình, dự án trọng điểm của tỉnh Bến Tre trong giai đoạn 2020-2025 với tổng kinh phí đầu tư gần 85 tỷ đồng. Theo đó, sẽ tiến hành xây dựng vùng sản xuất chuyên canh tập trung từ 300 đến 500ha trên diện tích 1.500ha cây giống, hoa kiểng của huyện Chợ Lách gắn với phát triển chuỗi giá trị cây giống, hoa kiểng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Đoàn Văn Đảnh cho biết thêm, mục tiêu của Đề án là phát triển sản xuất giống cây trồng, hoa kiểng theo hướng công nghiệp nhằm cung cấp cho việc sản xuất đủ giống có năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường; góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững...