Giữ nghề trồng hoa truyền thống Bà Bộ

Nhắc đến những làng hoa nổi tiếng ở miền Tây Nam Bộ, không thể không nhắc đến làng hoa Bà Bộ (phường Long Hòa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ). Không chỉ là vùng trồng hoa nổi tiếng, đây còn là điểm đến quen thuộc của những du khách yêu thích thiên nhiên, yêu thích hoa, cây kiểng...
0:00 / 0:00
0:00
Thu hoạch hoa tại làng hoa Bà Bộ, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. (Ảnh MEKONG EXPLORER)
Thu hoạch hoa tại làng hoa Bà Bộ, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. (Ảnh MEKONG EXPLORER)

Làng hoa Bà Bộ nằm lọt thỏm phía sau một con phố xe cộ qua lại tấp nập. Ấy vậy mà, bước vào làng như lạc vào một thế giới khác. Ở đây, dường như những nét nguyên sơ của một vùng quê Tây Nam Bộ vẫn còn nguyên vẹn. Những dòng kênh hiền hòa, những cây cầu vắt vẻo, những căn nhà nhỏ đơn sơ và những gò đất lau lách mọc um tùm. Và tất nhiên, không thể thiếu những vườn hoa đủ sắc mầu. Khi tôi đến, cả làng hoa như tấm thảm gấm trải ra trong nắng ban mai trong vắt.

Làng hoa gần trăm tuổi

Một ngày như bao ngày trong năm, bà Ðỗ Thị Hoa (56 tuổi) thức dậy từ tinh sương. Bà đến từng khóm hoa trong vườn, tỉ mẩn nhặt từng ngọn cỏ, hái từng lá sâu. Công việc này kéo dài cho đến khi mặt trời lên tỏ mặt người, rồi bà thoăn thoắt với những công việc khác như tưới cây, gieo hạt... Bà Hoa bảo, hơn hai tháng nữa là Tết Nguyên đán rồi. Ðây cũng là một trong những khoảng thời gian bận rộn nhất trong năm. Nếu làm không nhanh, không kịp thì những đóa hoa sẽ không kịp nở đón xuân. Bà Hoa là một người có thâm niên trồng hoa ở đây, vì vậy, thi thoảng một vài người trong làng tìm đến hỏi bà về kinh nghiệm xử lý một số sự cố. Ai đến cũng vậy, bà đều hướng dẫn tỉ mỉ. Dường như cái dễ mến, sự nhiệt tình cũng là một nét không thể thiếu của người dân nơi đây. Bất cứ ai vào làng, những người trồng hoa đều ngẩng đầu lên nhìn với ánh mắt và nụ cười thân thiện. Nếu ai đó muốn hỏi chuyện, họ đều nhận được những sự cởi mở, thân thiện. Hay thấy khách mang máy ảnh, họ đều chỉ tay về hướng có những khóm hoa đẹp nhất.

Vừa tiếp tục với công việc, những người nông dân trồng hoa vừa kể cho tôi nghe về lịch sử làng hoa. Tên đầy đủ của làng hoa là Phó Thọ-Bà Bộ. Những khóm hoa đầu tiên xuất hiện ở đây từ khoảng những năm 30 của thế kỷ trước và Bà Bộ trở thành một trong những làng hoa có lịch sử hình thành lâu đời nhất tại miền Tây Nam Bộ. Ban đầu, có một người đàn ông tên Tám Hoài, người quê gốc Ðồng Tháp lên đây tìm kế sinh nhai. Trong hành trang của ông có nhiều hạt giống hoa lấy ở làng hoa kiểng Sa Ðéc. Nhờ hợp thời tiết, khí hậu cũng như bao nhiêu công lao của người chăm sóc, những mầm non đầu tiên dần nhú lên, rồi thành khóm, thành vườn hoa. Biết vùng đất mới có thể trồng hoa mưu sinh được, ông Tám Hoài đã tìm thêm những hạt giống, tạo thêm những vườn hoa đầy mầu sắc.

Bà Hoa chẳng biết chính xác gia đình mình bắt đầu làm nghề từ thuở nào, chỉ biết từ thời ông nội, rồi đến cha bà đều trồng hoa. Kể đến người con trai của bà đang theo nghề thì đã bốn đời gia đình bà Hoa mưu sinh bằng nghề trồng hoa. Ngày còn bé, bà đã thấy ngoài bến sông, quanh năm ghe ra ghe vào tấp nập, đưa những khóm hoa đi khắp mọi nơi. Ông cha bà kể lại, bến sông ngoài làng ban đầu có một cái tên tiếng Pháp, sau đó đổi thành bến Lê Lợi. Ðến năm 1958, bến Lê Lợi lại đổi tên thành bến Ninh Kiều. Cũng vì gắn liền với nhau mà không ít người khi nhắc đến bến Ninh Kiều là nghĩ ngay đến làng hoa Bà Bộ. Cũng phải thôi, bến Ninh Kiều là chỗ neo đậu của ghe thuyền đưa hoa đi vào phố, còn những bông hoa làm cho bến sông rực rỡ sắc mầu mỗi độ năm hết, Tết đến. "Bây giờ có công nghệ hiện đại, việc chăm sóc, tưới tắm cũng dễ dàng hơn. Hồi tôi còn bé, cứ con nước lên là phải ra sông gánh từng thùng nước về tưới hoa, bất kể là 1 giờ hay 3 giờ sáng. Tôi vẫn nhớ như in tấm lưng lừng lững của cha, tay cầm ngọn đèn dầu leo lét dẫn đường, tay xách thùng nước. Cha cứ thế, khắc khổ, dò dẫm từng bước ra đến bờ sông. Anh chị em tôi nhìn ánh đèn, lụi cụi bám theo. Từng thùng, từng thùng nước cứ thế múc lên, rồi lại theo ánh đèn ra đến vườn. Khi những khóm hoa đều được tưới tắm cũng là lúc mặt trời lên. Chị em chúng tôi chỉ kịp về ăn tạm bát cơm nguội nấu từ tối rồi xách cặp đi học. Những chồi non vươn lên, những bông hoa bung nở đều thấm đẫm mồ hôi của biết bao người, cho nên chúng tôi nâng niu lắm", bà Hoa chia sẻ.

Để sắc hoa thắm mãi

Anh Nguyễn Thanh Sơn có lẽ là một trong những người trồng hoa trẻ nhất ở làng Bà Bộ, ấy vậy mà chỉ ít bữa nữa anh cũng bước sang độ tuổi 37. Anh Sơn bảo, thấm thoắt cũng hơn 20 năm anh gắn bó với những khóm hoa xứ này. Hồi trẻ, làm mãi một nghề cũng chán, nhiều lúc anh tính bỏ đi làm nghề khác, vừa được đi đây đi đó, vừa có thu nhập cao hơn. Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng suy đi tính lại, ở nhà chỉ có hai mẹ con vẫn bám với nghề. Anh mà không làm nữa thì chẳng ai phụ giúp mẹ. Hơn 20 năm kinh nghiệm, nghe có vẻ nhiều, nhưng theo anh Sơn chừng đó vẫn là ít bởi để trở nên lành nghề là quá trình học hỏi từng ngày, không bao giờ là đủ. Mỗi chậu hoa đẹp mang ra chợ, người trồng phải tốn bao mồ hôi công sức và trải qua một quá trình lao động nghiêm túc. Mỗi loài hoa là một cách chăm sóc khác nhau. Người thợ phải biết rõ từng loài, nắm bắt được diễn biến của thời tiết để chăm sóc, nâng niu cho phù hợp. Ðiều khó nhất là người trồng chăm thế nào để hoa nở đẹp nhất vào dịp Tết Nguyên đán, dù thời tiết có thất thường.

Theo bà Phạm Thị Sáu, 63 tuổi, người trồng hoa gần 50 năm kinh nghiệm, điều mà người dân ở đây lo lắng nhất là vào những lúc mưa nhiều, triều cường dâng cao. "Hoa kiểng nếu bị ngập nước sẽ thối rễ và bị suy cây hoặc chết. Nhà nào cũng phải làm giàn sắt để kê cây lên cao, làm chòi ở luôn ngoài vườn để canh cây và tiện di chuyển ấy vậy mà nhiều khi cũng phải chịu thua thời tiết. Nhiều mùa, ngồi trong chòi nhìn mưa rơi không ngớt mà tụi tui ai cũng lòng như lửa đốt. Lúc đó, chỉ nghĩ đến việc tìm cách cứu vãn, được chút nào hay chút đó", bà Sáu chia sẻ. Nhiều người dân ở đây cho biết, ngoài việc ứng phó thời tiết, làng hoa cũng phải tìm hiểu thị trường, tìm thêm giống mới cho phù hợp thị hiếu khách hàng. Như vợ chồng bà Ðỗ Thị Hoa, cứ có thời gian rảnh rỗi là họ lại đi đến các làng hoa trong nam ngoài bắc để tìm giống và trao đổi kinh nghiệm. Trước đây, làng hoa chuyên trồng các loài hoa và cây cảnh bản địa như mai vàng, cúc vạn thọ, ngọc nữ, thược dược,... Ðến nay, nhiều giống mới được nhập về, mầu sắc phong phú như cát tường, dạ yến thảo...

Nhờ chăm chỉ và biết thay đổi để thích ứng thị trường, phần lớn người dân ở làng hoa Bà Bộ có thu nhập khá so với các mô hình trồng trọt khác. Không ít nhà vườn đã làm giàu được nhờ những cây kiểng có giá trị nghệ thuật cao. Tuy nhiên, theo nhiều người thợ lành nghề, làng hoa hiện đang đối mặt với không ít những khó khăn. Bà Phạm Thị Sáu cho biết, bây giờ thế hệ con cháu theo nghề của cha mẹ, ông bà không nhiều, trong khi những người như bà đều đã có tuổi. Bên cạnh đó, đất trồng hoa của người dân cũng đang dần bị thu hẹp trong quá trình đô thị hóa. Chỉ tay về phía xa xa, nơi có những căn nhà cao tầng đang được hoàn thiện, bà Ðỗ Thị Hoa buồn bã nói: "Ngày trước, đất trồng hoa của tụi tui rộng lắm. Nhưng rồi các công trình như thế kia cứ mọc lên dần, khiến những mảnh vườn bé lại. Chỉ có những gia đình vẫn cố giữ lại mảnh vườn, miếng ruộng để phát huy nghề truyền thống thì làng hoa mới tồn tại và phát triển được. Hiện vẫn còn khoảng hơn 200 hộ trồng hoa, nhưng con số này cứ ít dần theo thời gian. Ðám trẻ bây giờ chẳng mấy đứa theo nghiệp trồng hoa nữa vì vất vả. Còn thế hệ chúng tôi cũng đã mắt kém, tay mỏi rồi. Nhiều khi muốn kiếm một vài đứa để truyền nghề, truyền hàng chục năm kinh nghiệm mà sao khó quá...!".

Chia tay làng hoa Bà Bộ, tôi chợt trăn trở theo những suy tư của những người thợ trồng hoa nơi đây. Câu chuyện giữ nghề, truyền nghề vẫn luôn là sự trăn trở của bất cứ làng nghề nào trong dòng chảy của đô thị hóa, kinh tế thị trường. Những năm qua, người nông dân bắt đầu tận dụng lợi thế để phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, khách du lịch đến đây chủ yếu vẫn chỉ ngắm hoa, chụp vài ba bức ảnh rồi ra về bởi làng nghề chưa được đầu tư về cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch,... Cần lắm sự quan tâm, phối hợp giữa các ban, ngành, chính quyền địa phương để có chính sách đầu tư và hỗ trợ lâu dài cho người trồng cây, để sắc hoa nơi đây được gìn giữ bền vững.