Theo báo cáo của UNWTO, có 917 triệu lượt khách du lịch trên toàn cầu vào năm ngoái, tăng so với con số 455 triệu năm 2021 nhờ việc dỡ bỏ các hạn chế đi lại do đại dịch. UNWTO dự báo số lượng khách du lịch quốc tế năm 2030 sẽ đạt khoảng 1,8 tỷ lượt, trong đó Đông Nam Á trở thành khu vực thu hút khách du lịch quốc tế lớn thứ 4 thế giới với 187 triệu lượt. Những con số ấn tượng và dự báo tươi sáng của UNWTO là niềm mong mỏi của nhiều quốc gia trong gần ba năm qua, đặc biệt là những nước có nguồn thu ngân sách phụ thuộc lớn vào du lịch.
Tây Ban Nha là một điểm sáng điển hình trong nguồn thu từ du lịch. Theo báo cáo vừa được Hiệp hội du lịch Tây Ban Nha công bố, thu ngân sách của Xứ sở bò tót từ ngành du lịch năm 2022 đã tăng mạnh, vượt cả mức trước khi dịch bệnh hoành hành. Theo đó, năm 2022 ngành công nghiệp không khói mang lại cho Tây Ban Nha nguồn thu lên tới 159 tỷ euro (172 tỷ USD), tăng 1,4% so năm 2019. Đáng chú ý, ngành du lịch Tây Ban Nha đặc biệt tăng mạnh vào nửa cuối năm ngoái, đánh dấu sự phục hồi hoàn toàn.
Mặc dù số lượng du khách nước ngoài tới Tây Ban Nha năm 2022 vẫn thấp hơn 14,6% so với năm 2021, nhưng chi tiêu của họ lại tăng mạnh. Điều này cho thấy số lượng khách du lịch giảm sút đã được bù đắp bằng thời gian du lịch dài hơn và xu hướng mua sắm các sản phẩm du lịch cao cấp. Du lịch là ngành mũi nhọn, chiếm 12,2% tỷ trọng của nền kinh tế Tây Ban Nha năm 2022.
Sau gần ba năm bị thiệt hại nặng nề bởi dịch Covid-19, ngành du lịch Nhật Bản nói chung và tỉnh Oita nói riêng đang phục hồi mạnh mẽ. Trước đại dịch, tỉnh Oita - nằm trên đảo Kyushu phía tây nam Nhật Bản - là một trong những điểm đến hấp dẫn đối với du khách, nhờ có văn hóa ẩm thực độc đáo, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và các suối nước nóng rất tốt cho sức khỏe con người.
Thống đốc tỉnh Oita Katsusada Hirose chia sẻ: “Ở Oita, du lịch là ngành bị thiệt hại nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Trước đại dịch, chúng tôi từng đón tới 7,9 triệu du khách/năm. Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng phát, hầu như không còn du khách tới đây”.
Để tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra nhiều giải pháp kích cầu du lịch nội địa, gồm chương trình “Go To Travel” được thực hiện từ đầu tháng 7/2020 tới đầu năm 2021, chương trình “Giảm giá du lịch quốc gia” từ tháng 10/2022 đến nay. Các chương trình này hỗ trợ một phần chi phí du lịch cho du khách trong nước với số tiền 11.000 yen/người/ngày (76 USD), được trừ thẳng vào chi phí du lịch hoặc ở dạng phiếu khuyến mãi có thể sử dụng để trả phí ăn uống, mua sắm và lưu trú. Các chương trình này ngay lập tức thổi một luồng sinh khí mới vào ngành du lịch Nhật Bản khi giúp đưa khách hàng trở lại các cơ sở du lịch và ăn uống. Thống đốc Katsusada Hirose cho biết, số lượng khách du lịch nội địa tới tỉnh Oita đã tăng gần bằng 80% so thời điểm trước đại dịch.
Tổng cục Du lịch Thái Lan thông báo, năm 2023, Đất nước nụ cười dự kiến đón ít nhất 25 triệu lượt khách du lịch nước ngoài. Doanh thu từ khách du lịch trong và ngoài nước năm nay ước tính đạt 2.400 tỷ baht (khoảng 72 tỷ USD), tương đương 80% mức trước đại dịch. Tổng cục Du lịch Singapore (STB) cho biết, lượng khách quốc tế đến Đảo quốc sư tử năm 2022 đạt 6,3 triệu lượt người, tương đương 33% mức trước đại dịch, vượt mức dự báo của STB đưa ra trước đó là 4-6 triệu lượt, mang lại doanh thu 14 tỷ SGD (hơn 10 tỷ USD). Giới chức Singapore dự báo, số lượng du khách quốc tế đến nước này sẽ tăng lên 12-14 triệu người năm 2023, mang về doanh thu 18-21 tỷ SGD và trở lại bình thường như trước đại dịch vào năm 2024.
Dịch bệnh dần được kiểm soát, các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ cùng các chính sách kích cầu của nhiều quốc gia đã thổi “luồng gió ấm áp” vào ngành du lịch, giúp ngành công nghiệp không khói dần trở lại trạng thái bình thường, tiến tới sôi động hơn thời điểm trước đại dịch.