Tín hiệu phục hồi rõ rệt
Trong báo cáo cập nhật về du lịch thế giới công bố hồi đầu tuần, Tổ chức Du lịch thế giới của LHQ (UNWTO) nhận định: Chưa thể trở lại mức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, song ngành công nghiệp không khói toàn cầu đang có nhiều tín hiệu phục hồi rõ rệt. Theo báo cáo, trong bảy tháng đầu năm 2022, ước tính có 474 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng tới 172% so cùng kỳ năm 2021 và tương đương 57% mức trước đại dịch. Riêng châu Âu đã đón 309 triệu lượt khách du lịch, chiếm tới 65% tổng lượng khách quốc tế.
Sự phục hồi lượng khách du lịch phản ánh nhu cầu đi lại quốc tế tăng mạnh trong bối cảnh các biện pháp hạn chế phòng dịch Covid-19 được gỡ bỏ hoặc nới lỏng. Theo thống kê, đến giữa tháng 9 vừa qua, 86 quốc gia và vùng lãnh thổ không còn hạn chế đi lại. Trong đó, châu Âu có tới 44 quốc gia dỡ bỏ hoàn toàn hạn chế đi lại liên quan Covid-19.
Đà phục hồi du lịch mạnh nhất được ghi nhận tại châu Âu và khu vực Trung Đông, với số lượt khách quốc tế đến hai khu vực này đạt tương ứng 74% và 76% các mức ghi nhận năm 2019. Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, lượng khách du lịch tăng gấp đôi chỉ trong bảy tháng qua, song vẫn chỉ đạt 86% mức của năm 2019, do một số biên giới vẫn đóng cửa với các chuyến đi lại không thiết yếu. Tại khu vực ASEAN, UNWTO đánh giá du lịch duy trì đà tăng tích cực. Khảo sát cho thấy, kể từ đầu năm 2022 đến nay, số lượt tìm kiếm khách sạn và đăng ký lưu trú lần lượt tăng mức 28% và 57%.
Tín hiệu phục hồi du lịch rõ rệt tại nhiều khu vực, song UNWTO vẫn đánh giá thận trọng về triển vọng tăng trưởng trong những tháng cuối năm nay và năm 2023. Theo UNWTO, môi trường kinh tế bất ổn có thể đảo ngược tiến trình phục hồi du lịch quốc tế trở lại mức trước đại dịch. Nguyên nhân chủ yếu là lạm phát và giá năng lượng cao, đẩy chi phí vận tải và lưu trú tăng, tạo áp lực lên sức mua và chi tiêu của người tiêu dùng.
Thay đổi để phát triển bền vững
Trong bối cảnh ngành du lịch lấy lại đà tăng trưởng song còn nhiều rủi ro, UNWTO chọn chủ đề Ngày Du lịch thế giới (27/9) năm nay là “Tư duy lại về du lịch” (Rethinking Tourism) nhằm thúc đẩy thay đổi tư duy, cách thức và định hình lại sự phát triển ngành công nghiệp không khói, cả về quy mô và mức độ. Phát biểu ý kiến tại sự kiện được tổ chức tại đảo Bali (Indonesia), Tổng Thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili nhấn mạnh: Từ nhân viên đến khách du lịch, từ doanh nghiệp nhỏ đến tập đoàn lớn và cả các chính phủ đều cần “suy nghĩ lại” về những gì chúng ta đang làm và về cách thức để tận dụng hiệu quả tiềm năng và lợi ích mà du lịch mang lại. Theo lãnh đạo UNWTO, thế giới cần tư duy lại về du lịch sau đại dịch Covid-19. Thực tế bất bình đẳng bộc lộ trong cuộc khủng hoảng hơn hai năm qua cho thấy, thế giới cần xây dựng du lịch quốc tế linh hoạt hơn, bảo đảm công bằng hơn.
Trong bài viết nhân Ngày Du lịch thế giới, nhà nghiên cứu Lize Barclay thuộc Đại học Stellenbosch (Nam Phi) chỉ rõ: Thực tế vẫn còn những hoạt động du lịch bị biến tướng, thiếu trách nhiệm với môi trường sinh thái và cộng đồng. Việc tư duy lại về du lịch có ý nghĩa quan trọng, nhằm bảo đảm quyền lợi của cộng đồng, trách nhiệm với xã hội và môi trường. “Ngành công nghiệp không khói” cần hướng tới nền du lịch xanh, thông minh và an toàn hơn, vì tương lai bền vững cho mọi người.
Với mục tiêu chuyển đổi ngành du lịch, UNWTO đã đưa ra một lộ trình với năm điểm ưu tiên hành động, gồm xử lý khủng hoảng và giảm tác động đối với kinh tế-xã hội và sinh kế của người dân; tăng sức cạnh tranh và độ bền vững, hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng và chất lượng chuỗi giá trị du lịch; thúc đẩy đổi mới và số hóa hệ thống kinh tế du lịch; tăng trưởng xanh và nhất là hợp tác về chuyển đổi du lịch theo hướng phát triển bền vững.