Trong bài phát biểu ngày 18/8, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hai miền Triều Tiên và Mỹ nối lại đối thoại trong năm 2021, nhằm mang lại “nền hòa bình bền vững”. Theo ông Lee In-young, triển vọng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên sẽ gặp nhiều trở ngại nếu các cuộc đối thoại còn bị trì hoãn. Thời gian tới, có nhiều yếu tố bên ngoài tác động tới tiến trình hòa bình, như Seoul sẽ bận rộn với kế hoạch bầu cử Tổng thống Hàn Quốc hay cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ vào năm 2022.
Song theo Bộ trưởng Lee In-young, các sự kiện quốc tế sắp tới như Hội nghị cấp cao Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cuối tháng 10 năm nay, tại Rome (Italia) và Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh (Trung Quốc) năm 2022 có thể là cơ hội để xây dựng lòng tin và nối lại hợp tác giữa hai miền Triều Tiên.
Ông Lee cho biết, Seoul mong muốn đàm phán một cách linh hoạt với Bình Nhưỡng về các chủ đề phi hạt nhân hóa, giảm bớt lệnh trừng phạt Triều Tiên, bình thường hóa quan hệ giữa Triều Tiên với Mỹ cải thiện quan hệ liên Triều.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, trong bài phát biểu nhân Ngày Giải phóng (Quốc khánh) trên truyền hình, đã đề cập “mô hình bán đảo Triều Tiên” góp phần vào hòa bình và thịnh vượng của khu vực Đông Bắc Á. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cho rằng, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên có ý nghĩa quan trọng đối với sự thịnh vượng của thế giới cũng như của Hàn Quốc và Triều Tiên. Mô hình này có hy vọng trở thành hiện thực nếu có sự chung tay đóng góp của Bình Nhưỡng.
Cuối tháng 7 vừa qua, Hàn Quốc và Triều Tiên chính thức mở lại đường dây liên lạc trực tiếp qua biên giới, sau 13 tháng Bình Nhưỡng cắt đứt liên lạc để phản đối các hoạt động tuyên truyền chống Triều Tiên. Động thái diễn ra đúng dịp kỷ niệm 68 năm ký Hiệp định đình chiến trên bán đảo Triều Tiên 1950 - 1953 và xuất phát từ các lá thư trao đổi qua lại giữa Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un từ tháng 4/2021.
Trong các lá thư, hai nhà lãnh đạo của Triều Tiên và Hàn Quốc đã thảo luận việc khôi phục quan hệ liên Triều và lòng tin lẫn nhau trong thời gian sớm nhất. Dư luận thế giới hy vọng về một cái kết tốt đẹp trong tiến trình bình thường hóa quan hệ và trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.