Gần 50 tác phẩm của sáu họa sĩ: Vũ Thái Bình, Lê Thế Anh, Cấn Mạnh Tưởng, Lê Thanh Bình, Nguyễn Cao Hoàng và Nguyễn Ngọc Tuấn với sáu nét cá tính riêng cùng hội ngộ tại triển lãm tranh “Anh em Vol.3”.
Đây cũng là triển lãm lần thứ ba có sự kết hợp của cả sáu thành viên cùng chung niềm đam mê hội hoạ.
Triển lãm thu hút sự quan tâm của công chúng yêu hội họa. |
Họa sĩ Vũ Thái Bình phát huy triệt để năng lực vẽ giấy dó với những rung động tinh tế về phong cảnh Tây Bắc. Miền biên viễn hùng tráng và thiêng liêng của đất nước trong con mắt nghệ sĩ của anh trở nên gần gũi, tựa hồ như cảm nhận được cái lạnh lùa dưới làn da và hơi sương của áng mây vừa vờn qua mặt.
Điều làm nên sự thích thú lần này của hoạ sĩ Vũ Thái Bình không chỉ ở bút lực trong tác phẩm kích thước lớn mà còn nằm ở các bức tranh nhỏ với màu sắc rất phiêu và mới. Anh dám phiêu với những miếng lớn, độ đậm khỏe và cả mảng mầu tươi, thậm chí bút pháp chấm phá như sơn dầu. Cái sự “tưng tửng” khác mọi ngày ấy, hóa ra lại hay... cho thấy một Vũ Thái Bình trẻ trung trong chín chắn, tươi mới trong thâm trầm. Một sự cân bằng cảm xúc cần thiết.
Nguyễn Cao Hoàng là họa sĩ có cá tính mạnh trong nhóm. Anh am hiểu và dành sự yêu mến hội họa cổ điển, từ các danh họa và cả các họa sĩ đương đại đang thực hành kỹ thuật sơn dầu nhiều lớp. Hơi hướng phương Tây dường như thấm đẫm trong các sáng tác của anh. Theo anh, hạnh phúc không chỉ nằm ở việc ký tên vào tác phẩm mà còn ở hành trình sáng tác, trong những trăn trở và tìm tòi. Điều này thật đúng với các sáng tác trong triển lãm lần này.
Tiếp mạch phong cách siêu thực, hoạ sĩ Lê Thanh Bình lại dấn thân vào đề tài Đạo Mẫu. Bằng góc nhìn hội hoạ riêng biệt, hoạ sĩ đã diễn tả Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Ngàn... với hình ảnh độc đáo, lồng ghép những không gian đồng hiện, đa chiều... vừa gần gũi vừa thánh thiện.
Việc lấy cảm hứng từ văn hoá dân gian, với hoạ sĩ Lê Thanh Bình là một nhu cầu tự thân bởi ở các triển lãm trước đây, anh vốn đã say mê, tâm huyết cho đề tài này. Tranh của anh vì thế là sự kết nối của câu chuyện phương Đông với cách thiết lập không gian, kỹ thuật sơn dầu phương Tây mang đến cho hội hoạ Lê Thanh Bình sự hấp dẫn mới mẻ, có tính hiện đại nhưng vẫn giàu bản sắc.
Hoạ sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn vốn được biết đến với những tác phẩm mang mầu sắc khoẻ khoắn, rực rỡ. Anh ưa dùng vệt cọ ngắn, đan xen đa sắc, xoắn xuýt tạo ra những va đập trong hòa sắc mang nhiều yếu tố của hội hoạ ấn tượng. Anh thường đi nét đen cho hình, bắt đầu bằng lớp lót ghi, xám, đen.
Chính quá trình vẽ đơn sắc làm cho họa sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn khám phá ra vẻ đẹp mới - vẻ đẹp của sự kiệm mầu. Lần này, anh gần như loại bỏ phần lớn gam mầu bổ túc để thiên về sự chắt lọc theo tone. Thật hay, loạt phong cảnh của anh trong triển lãm này có độ trầm lắng, sự chất chứa dồn nén của vẻ đẹp thời gian, nhất là với Hội An - phố cổ đã 500 năm tuổi.
Nhóm họa sĩ Anh Em ra mắt triển lãm mỹ thuật
Cấn Mạnh Tưởng là họa sĩ duy nhất trong nhóm vẽ chất liệu sơn mài. Bằng sự am hiểu, thông tỏ văn hóa miền núi cùng kỹ thuật chuyên môn vững vàng, anh đã cho thấy mình không dừng ở việc ghi lại câu chuyện, hình ảnh như những gì nó diễn ra, mà lồng vào đó những trải nghiệm, suy nghĩ cá nhân.
Sự tính toán kỹ lưỡng trong nhịp điệu của nét; sự chỉn chu, kỳ công trong kỹ thuật sơn mài... khiến tranh của Cấn Mạnh Tưởng mầu sắc rực rỡ nhưng vẫn có chiều sâu. Tham gia triển lãm lần này, các tác phẩm hoạ sĩ Cấn Mạnh Tưởng thể hiện vốn am hiểu tường tận về phong tục tập quán vùng cao. Anh cẩn trọng trong triển khai ý tưởng, minh triết trong tạo hình. Anh tìm đến phong cách biểu hiện trừu tượng như một lẽ tất yếu. Với một hoạ sĩ sơn mài truyền thống, anh thuyết phục người xem bằng kỹ thuật nghiêm cẩn cùng bảng màu đẹp, óng ả, vang và sâu.
Được biết đến với nhiều tác phẩm đề tài chân dung miền núi, hoạ sĩ Lê Thế Anh mặc định cho mình một lối vẽ riêng, mang phong cách hiện thực. Tuy nhiên ở triển lãm lần này, anh mạnh dạn lược bỏ toàn bộ không gian xa gần để đưa vào tác phẩm của mình các mô típ thiên về biểu hiện, trang trí của tranh thiếu nhi.
Bằng kỹ thuật sơn dầu cổ điển nhiều lớp, anh vẫn phát huy thế mạnh của mình trong việc diễn tả sống động, chân thực, giàu cảm xúc về chân dung trẻ em vùng cao. Khi đặt các hình tượng này vào không gian tranh thiếu nhi, những ánh mắt trong sáng, má đỏ hây hây, nụ cười ngượng nghịu dường như được sống trong một thế giới khác, vừa đậm vị tuổi thơ, vừa giàu sức gợi.
Triển lãm mở cửa đến hết ngày 26/12.
Một số tác phẩm tại triển lãm:
Giấc mơ tháng 4 (Nguyễn Cao Hoàng) |
Nơi đàn chim trở về (Lê Thế Anh) |
Cơm mới (Cấn Mạnh Tưởng) |
Ông già Ba Na (Vũ Thái Bình) |
Miền (Lê Thanh Bình) |
Cõi mộng (Nguyễn Ngọc Tuấn) |