Phát biểu khai mạc Triển lãm, Tiến sĩ Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh nhắc lại kỷ niệm Bác Hồ về thăm Bát Tràng (huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội) cách đây 65 năm: Vào ngày 20/2/1959, trong thời điểm cả nước đẩy mạnh xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền bắc và đấu tranh hòa bình thực hiện thống nhất nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến làng Bát Tràng thăm hỏi, động viên một số gia đình, cơ sở sản xuất, biểu dương cán bộ, nhân dân và căn dặn: "Làng Bát Tràng mới phải làm sao trở thành một trong những làng kiểu mẫu của nước Việt Nam mới, nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa".
Lời dạy của Bác mãi là nguồn động lực cổ vũ các thế hệ cán bộ, nhân dân Bát Tràng nỗ lực phấn đấu, đoàn kết xây dựng, phát triển thương hiệu “Gốm Bát Tràng” nổi tiếng trong và ngoài nước, trở thành một điểm sáng về xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội và cả nước, xứng đáng với danh hiệu “Làng nghề - Làng văn hóa - Làng du lịch Hà Nội - Bát Tràng”.
Với tinh thần đó, Triển lãm "Hồn của đất" được tổ chức để thể hiện niềm tin yêu, sự kính trọng vô bờ bến của những người con Bát Tràng đối với Bác cùng lời hứa quyết tâm thực hiện lời căn dặn cũng như mong muốn của Người lúc sinh thời.
Tiến sĩ Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh phát biểu. |
Triển lãm trưng bày hơn 300 tư liệu hình ảnh, sưu tập tác phẩm tranh, bình sứ, cùng các tác phẩm nghệ thuật gốm sứ đa dạng loại hình và màu sắc thể hiện nội dung, hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội của các họa sĩ, nhà điêu khắc nổi tiếng là thành viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và nghệ nhân Bát Tràng.
Từ những khối đất sét nguyên bản thô ráp, qua bàn tay tài hoa của những người thợ, họa sĩ, nhà điêu khắc, nghệ nhân, đã được “thổi hồn”, “mặc áo mới” để trở thành những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc.
Nội dung Triển lãm được bố cục theo ba phần:
Phần I - “Bác Hồ về thăm Bát Tràng và sưu tập tác phẩm sứ về Chủ tịch Hồ Chí Minh” giới thiệu đến công chúng các tư liệu hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bát tràng cách đây 65 năm và Sưu tập các tác phẩm sứ men lam, sứ men nhiều màu khắc họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mỗi giai đoạn và ở các sự kiện lịch sử khác nhau, như: bình sứ Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập; tranh sứ Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân; tranh đĩa sứ Bác Hồ ở Pắc Pó; đĩa sứ Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi động viên các cháu thiếu niên nhi đồng nhân dịp tết Trung thu; các bình sứ họa lại cảnh Bác Hồ về thăm Bát tràng...
Phần II - “Sưu tập tác phẩm sứ Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô” giới thiệu những tác phẩm bình, tranh chất liệu sứ men nhiều màu và men lam khắc họa hình ảnh các địa danh, con người Hà Nội, tiêu biểu như: tác phẩm Hà Nội tứ quý; tranh sứ sự kiện lịch sử 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô; sưu tập bình sứ các địa danh nổi tiếng của Hà Nội: Cầu Long Biên, Cầu Thê Húc, Chùa Một Cột, Văn Miếu Quốc Tử Giám... Từ đây, công chúng thấy được một Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến vừa hào hùng, bất khuất, vừa đẹp trang nhã, thanh lịch.
Tham quan Triển lãm "Hồn của đất". |
Phần III - “Giới thiệu các tác phẩm gốm sứ giá trị mỹ nghệ cao cấp” trưng bày các tác phẩm gốm sứ nghệ thuật của các họa sĩ trong Hội Mỹ thuật Việt Nam. Mỗi tác phẩm đều như những tiếng lòng mà các nghệ sĩ, nhà điêu khắc muốn gửi gắm, truyền tải đến thế hệ trẻ mai sau, gắn với thông điệp về hòa bình, truyền thống dân tộc, tình yêu con người, tình yêu gia đình, tình yêu quê hương, đất nước.
Qua đó, Triển lãm “Hồn của đất” góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, những tinh hoa của nghề gốm sứ cổ truyền, khẳng định tình yêu với Bác Hồ, với Thủ đô Hà Nội và Tổ quốc thân yêu của những người con Bát Tràng, quyết tâm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh để đưa những sản phẩm gốm sứ Bát Tràng đến gần hơn với công chúng, để mỗi người Việt Nam thêm yêu quý, trân trọng di sản, bản sắc văn hóa dân tộc.
Triển lãm kéo dài đến hết tháng 10/2024.