Nét gốm mới ở Bát Tràng

Trong “cái khó ló cái khôn”, anh Nguyễn Huy Hoàng, một người trẻ say mê gốm, đã tìm được hướng đi riêng, làm mới mình, mới nghề, từ đó không chỉ vượt qua khó khăn mà còn đạt doanh thu đáng kể trong mùa dịch.

Tạo hình chi tiết tại xưởng Việt Hoàng.
Tạo hình chi tiết tại xưởng Việt Hoàng.

1/Đến làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) những ngày cuối năm, không khỏi ngạc nhiên vì không khí ảm đạm khác thường. Năm nay tiếp tục do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng người đi mua, đi xem và các xe chở hàng liên tỉnh giảm trông thấy. 

“Năm nay ế ẩm lắm chú, ngoài cửa hàng trưng bày vẫn chất đống mà không có khách lẻ xem mấy. Mọi năm cứ gần hết tháng 11 âm là các nơi đặt hàng, xe tải về chở đi từ lâu rồi. Thế mà năm nay qua đầu tháng Chạp rồi vẫn chậm lắm. Kho vẫn nhiều hàng tồn nên chúng tôi cũng không muốn sản xuất thêm”, bà chủ cửa hàng gốm sứ Hải Anh chia sẻ. 

Quả thực, khi phóng viên Thời Nay đi khảo sát từ đầu tới cuối làng, những cửa hàng trưng bày to nhỏ các loại gốm, sứ đều gặp phải tình trạng ế ẩm chung. Thi thoảng một cửa hàng có đơn chở bình, lọ hoa bằng xe lam cho khách hàng cá nhân. Lác đác vài xe tải 5 tấn đang chất số lượng lớn bình, chậu hoa các loại. Nhưng theo các gia đình nghệ nhân lâu năm, số lượng như thế chưa bằng ¼ so mọi năm.

Thực tế chẳng mấy khả quan này không chỉ do dịch Covid-19 mà còn đến từ việc chậm thay đổi trong cách nghĩ, cách làm. Các sản phẩm sứ bày biện trong hầu hết cửa hàng ở Bát Tràng nhìn từ bên ngoài tưởng đa dạng, nhưng xem xét kỹ, lại chưa có nhiều cải tiến về mầu sắc, họa tiết và kiểu dáng so những năm trước. 

2/Nếu đến thăm Bát Tràng ngày nay, khách hàng sẽ “choáng ngợp” trước lượng lớn các mẫu đồ sứ làm từ đất trắng, chiếm tới 90% số lượng sản phẩm bày bán trong cửa hàng, từ những chiếc chén hạt mít cho tới những chiếc bình cỡ đại… Tuy nhiên, những sản phẩm gốm làm từ đất đỏ (đất sét) lại hết sức còn chưa đa dạng, chủ yếu làm chum, vại, chậu cây, đèn, lư hương… 

Nhận thấy tiềm năng từ gốm đất đỏ còn rất rộng mở, nghệ nhân trẻ Nguyễn Huy Hoàng, chủ đơn vị sản xuất gốm Việt Hoàng đã mạnh dạn đổi mới, đi tiên phong sản xuất một sản phẩm là chum phiên bản giới hạn, đặc biệt với họa tiết trống đồng Âu Lạc. “Mới thành lập khoảng một năm rưỡi, nhưng chúng tôi xác định chum gốm làm từ đất đỏ là sản phẩm chủ đạo. Đất trắng để làm đồ sứ, đất đỏ thì làm đồ gốm. Đất đỏ rất phù hợp làm sản phẩm như chum, vại để ngâm rượu do đặc tính có thể khử andehit, thẩm thấu được tốt nhất. Ngày trước các cụ làm sản phẩm gốm trơn, mộc nhưng chúng tôi hiện tại có nhiều cải tiến. Trước hết, chúng tôi bổ sung thêm hai nắp cho kín hơn, đồng thời bổ sung hoa văn theo họa tiết trống đồng Đông Sơn-Âu Lạc trên nắp và thân chum”, anh Hoàng chia sẻ. 

“Nhiều nơi khác phải tráng men để ngăn thẩm thấu rượu ra ngoài, do chất đất chưa được xử lý tốt. Lâu ngày lớp men sẽ bị ăn mòn, xù xì và bị ngấm nước ra ngoài. Nhưng đất đỏ của Bát Tràng rất mịn và không thẩm thấu, không chứa tạp chất nên việc tráng men là không cần thiết. Để làm một cái chum tốt, đầu tiên đất sét được cho vào bể để máy quấy đều, đánh mịn và sau đó đổ ra khuôn. Khi thành hình sản phẩm trước khi nung, anh em thợ sẽ miết tay, tỉa lại chi tiết thủ công. Ngoài hoa văn trống đồng, chúng tôi cũng thêm nhiều họa tiết truyền thống, như hoa cúc, chim muông, đặc biệt là cá chép và hoa sen. Hiện tại, sản phẩm độc đáo nhất của chúng tôi mang tên “niên niên hữu dư”, loại chum có dát vàng do các nghệ nhân làng Kiêu Kỵ thực hiện”, anh Hoàng phân tích. 
 
Theo tác giả chia sẻ, chữ “cá” chữ Hán là “ngư”, âm đọc là “yu” đồng âm với “dư” trong dư dả. Do vậy, tranh “niên niên hữu dư” với sự xuất hiện của cá chép và hoa sen mang ý nghĩa đem đến cho gia chủ nhiều tiền của, tài lộc. Hiện tại, cơ sở Việt Hoàng chỉ sản xuất 100 chum to “niên niên hữu dư” và mỗi chum đều được đánh số riêng. “Với những đặc điểm độc đáo, giàu chất nghệ thuật kết hợp truyền thống như vậy, mỗi sản phẩm phải mất gần một tuần mới hoàn thành và có giá tới 20 triệu đồng/chum nhưng vẫn được đặt hàng trước, ra đến đâu hết đến đó”, anh Hoàng bày tỏ. 
 
Dù tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ, nhưng thành quả từ những người “dám nghĩ, dám làm” như anh Hoàng cho thấy, khi những giá trị truyền thống và kết hợp yếu tố sáng tạo mới, hoàn toàn có thể thành một giải pháp khả thi, giúp làng nghề linh hoạt, thích ứng yêu cầu mới ngày càng khắt khe của khách hàng và khó khăn của thời cuộc.