Hiện nay, sự hợp tác giữa các nghệ nhân với các chuyên gia công nghệ, giữa doanh nghiệp và làng nghề đã giúp mở rộng thị trường, đẩy mạnh thương mại điện tử, góp phần nâng cao chất lượng gốm sứ Bát Tràng, tạo đầu ra ổn định và bền vững cho các sản phẩm.
Bài toán khó cho các nghệ nhân
Nâng niu chú lợn gốm Kỳ linh Kỷ Hợi 2019 trên tay, nghệ nhân Vương Thế Cường của làng gốm Bát Tràng rổn rảng trò chuyện: “Đã bốn năm nay, cứ vào dịp gần Tết Nguyên đán, tôi và các nghệ nhân trong làng lại cùng nhau sáng tác các kỳ linh con giáp của năm. Trông thế này thôi, nhưng sản phẩm được nghiên cứu rất kỹ, thuận theo ngũ hành bản mệnh là Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Riêng thời gian thiết kế, tạo hình, đổ khuôn, chọn men và nguyên liệu để luyện gốm, tất tật các công đoạn chế tác cũng mất đến vài tháng là ít. Sau đó, còn phải mời các nghệ nhân bên làng Kiêu Kỵ sang dát vàng theo yêu cầu của khách khi hoàn tất sản phẩm. Thậm chí, có khách hàng là doanh nhân, đưa ra các yêu cầu rất khắt khe, tỉ mỉ khi đặt hàng, có chứng kiến mới thấy vất vả như thế nào!”. Nói thì như vậy, nhưng nhìn vẻ mặt nghệ nhân Vương Thế Cường và mấy người thợ gốm đang vây quanh ông, chúng tôi thấy ngời lên niềm tự hào về một sản phẩm hoàn hảo.
Đó là chuyện của bây giờ, còn cách đây vài năm, việc có được ý tưởng và tạo ra sản phẩm, nhưng bán thế nào, “đầu ra” ở đâu là cả một vấn đề với nghệ nhân Vương Thế Cường cùng các bạn nghề ở Bát Tràng. Tuy nổi tiếng với những sản phẩm gốm phong thủy và có khá nhiều ý tưởng sản phẩm, song ông cũng chỉ dám làm theo đặt hàng của khách tìm đến, chứ cũng chưa mạnh dạn sản xuất đại trà. Theo ông Cường và các nghệ nhân làng nghề Bát Tràng, khó khăn lớn nhất hiện nay của họ cùng các làng nghề truyền thống nói chung là tìm thị trường tiêu thụ, nhất là các thị trường nước ngoài. Một phần nguyên nhân là bởi quy trình sản xuất của các làng nghề vẫn dựa vào các hộ gia đình là chính, khiến mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng, thiếu sự nghiên cứu về thị hiếu người tiêu dùng ở các thị trường; sản xuất thủ công, cho nên giá thành còn cao. Chính vì vậy, sản phẩm của các làng nghề nước ta, trong đó có gốm sứ Bát Tràng, đã và đang chịu sức ép rất lớn so với những sản phẩm cùng loại được sản xuất bằng công nghệ hiện đại ở các nước trong khu vực và khó thâm nhập các thị trường tiềm năng như Mỹ và các nước châu Âu.
Một nghệ nhân nổi tiếng khác của làng gốm Bát Tràng là anh Phạm Đạt, gia đình đã ba đời làm nghề, người đã khôi phục được dòng gốm tâm linh men rạn độc đáo của làng. Anh Đạt cho biết: “Trước đây, việc thiết kế, tạo sản phẩm mới rất chậm do thiếu thông tin thị trường, không dám mở rộng sản xuất sản phẩm mới. Có những lần, chúng tôi lỗ chỏng gọng, sản phẩm ế thừa, bởi thông tin thị trường mơ hồ, gây ngộ nhận. Có lẽ vì thế mà thời ấy, việc đổi mới sản phẩm khá chậm, ít có cải tiến và phần lớn chuyên tâm sản xuất theo mẫu đặt hàng của khách”. Là người say mê với nghề, nghệ nhân Phạm Đạt đã đầu tư nghiên cứu rất nhiều về công nghệ lò nung, nước men và hình thức mẫu mã để cố gắng tạo ra các loại sản phẩm mới, đa dạng hơn, thế nhưng anh vẫn khá chật vật để tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm vì định hướng thiếu chính xác. Điều đáng ngại nhất là việc hàng nhái, hàng giả ngày càng tràn lan, thậm chí có những mặt hàng được gọi là độc bản vừa được tung ra thị trường thì chỉ sau đó ít lâu đã có đầy các sản phẩm như vậy được bày bán, mời chào khách hàng khiến nhiều nghệ nhân, hộ gia đình sản xuất lâm vào thế bế tắc, không bán được hàng cho dù đã bỏ nhiều công sức, tiền của đầu tư cho sản phẩm mới.
Giới thiệu sản phẩm Kỳ linh Kỷ Hợi tại Trung tâm triển lãm gốm làng Bát Tràng của Tập đoàn 1102.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần, không chỉ Bát Tràng mà nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống trong cả nước cũng đang lâm vào tình trạng nêu trên. Phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở làng nghề còn manh mún, cho nên chưa thể có được những nghiên cứu đồng bộ về thị trường, thị hiếu tiêu dùng của khách, trong khi xu hướng thị trường thay đổi rất nhanh, nhất là về mẫu mã. Trong xu hướng hội nhập quốc tế và làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, đòi hỏi các làng nghề Việt Nam cần có những đổi mới về công nghệ sản xuất, hạ giá thành và không ngừng tăng cường mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp thị trường trong nước và nước ngoài, vừa bảo đảm bản sắc, tính truyền thống, mức độ tinh xảo, độc đáo, vừa đẩy mạnh được việc xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề, nhanh chóng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thương mại điện tử nhằm quảng bá, mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, cần thiết lập một cơ chế kiểm soát và đăng ký thương hiệu hàng hóa, kiểu dáng sản phẩm một cách nghiêm ngặt để bảo vệ bản quyền của các nghệ nhân, cũng như tính độc bản của các sản phẩm.
Đột phá về công nghệ
Việc bảo tồn và phát huy các giá trị nghề truyền thống làng nghề gốm sứ Bát Tràng trong giai đoạn hiện nay đang có nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức, vừa mở ra các thị trường, vừa tạo nên sự cạnh tranh gay gắt để khẳng định vị thế nghề và sản phẩm, nâng cao giá trị các mặt hàng cùng thu nhập cho những người làm nghề. Trong bối cảnh đó, sự ra đời của Dự án 1102 (nay là Tập đoàn 1102) ở Bát Tràng đã mang lại những chuyển biến tích cực, được coi là cuộc cách mạng trong sản xuất và kinh doanh của làng nghề truyền thống, thể hiện sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với các nghệ nhân và làng nghề.
Dự án 1102 ra đời theo ý tưởng của Quỹ Văn hóa Hà Nội đã giải quyết bài toán khó cho các nghệ nhân trong việc tìm thị trường cho sản phẩm, định hướng mẫu mã, giá cả sản phẩm phù hợp. Thường được các nghệ nhân làng gốm gọi vui tương xứng với từng con số là “độc - nhất - vô - nhị”, dự án đã nhanh chóng được chuyển đổi thành doanh nghiệp tập đoàn. Về thực chất, 1102 chuyên biệt xây dựng một hệ thống các giải pháp tiếp thị, xây dựng thương hiệu và bán hàng dựa trên nền tảng về truyền thông và thương mại điện tử, thiết kế, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ cao cấp đến cộng đồng. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn 1102 Nguyễn Trung Thành cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng đưa tất cả những sản phẩm của làng nghề Bát Tràng vào hệ thống tiếp thị sản phẩm độc đáo trên môi trường in-tơ-nét để quảng bá rộng rãi, xây dựng, tôn vinh thương hiệu sản phẩm và nhân hiệu nghệ nhân. Tham gia vào đây, nghệ nhân cũng như các cơ sở sản xuất được hưởng nhiều lợi ích, trong đó được hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ giải pháp tiếp thị số; được trao đổi trực tiếp với khách hàng, nhà đầu tư; trưng bày sản phẩm tại bảo tàng số, tìm kiếm các đơn đặt hàng cho cơ sở sản xuất”.
Thông qua một hội đồng thẩm định sản phẩm gồm các nghệ nhân và chuyên gia, sản phẩm gốm Bát Tràng được phân loại thành các dòng sản phẩm để quảng bá trên hệ thống thương mại điện tử của 1102 với các mặt hàng cao cấp mang tính độc bản chủ yếu dành cho việc đặt hàng và một dòng sản phẩm “chợ online” là hàng có sẵn. Hệ thống sẽ như một cầu nối tương tác giữa khách hàng với các nghệ nhân và những cơ sở sản xuất hai dòng sản phẩm này. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn 1102 Nguyễn Văn Lực, một chuyên gia công nghệ thông tin, đảm nhiệm việc xây dựng các giải pháp thương mại điện tử cho biết: “Ở đây, khi xây dựng, quảng bá thương hiệu gốm sứ Bát Tràng, chúng tôi quan niệm sản phẩm vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp tạo nên giá trị thương hiệu. Trong đó, sản phẩm phải do các nghệ nhân trực tiếp chế tác bằng phương pháp thủ công truyền thống, là một biểu tượng cho giá trị văn hóa, tinh thần Việt và được thực hiện theo đơn đặt hàng với số lượng hạn chế. Toàn bộ quá trình sản xuất được minh bạch hóa qua việc cấp chứng nhận tiểu sử cho từng sản phẩm và không để xuất hiện các phiên bản”.
Cùng với việc chú trọng tạo dựng hệ thống tiếp thị, thương mại điện tử, Tập đoàn 1102 đã xây dựng trung tâm nghiên cứu thị trường, thị hiếu tiêu dùng và thiết kế mẫu, đủ khả năng nắm bắt và dự báo về xu thế thị trường để các cơ sở gốm sứ chủ động trong sản xuất. 1102 cũng liên kết với Trung ương Hội Kỷ lục gia - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam và Viện Sáng tạo độc bản Việt Nam thành lập Văn phòng Trung tâm thường trực Kỷ lục - Độc bản Việt Nam tại Bát Tràng, đồng thời phối hợp Hiệp hội Làng nghề Việt Nam và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở Bát Tràng thực hiện các biện pháp ứng dụng công nghệ, xây dựng “hộ chiếu số” cho sản phẩm để phòng, chống hàng nhái, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc. Những giải pháp này được mọi người rất hưởng ứng như nghệ nhân Vương Thế Cường cho biết: “1102 đã giúp người làm gốm chúng tôi yên tâm khi sản phẩm được bảo đảm chính hãng, chính tác giả và đến được tay người tiêu dùng, góp phần bảo vệ thương hiệu gốm Bát Tràng”.
Hiện tại, Tập đoàn 1102 phối hợp một số đơn vị như Công ty gốm Gia tộc Việt của Bát Tràng đã và đang triển khai nhiều hướng kinh doanh, từng bước xây dựng một sàn giao dịch hàng thủ công mỹ nghệ cao cấp Bát Tràng có quy mô quốc gia và khu vực. Qua đó, tạo “kênh” tương tác giữa nghệ nhân và người tiêu dùng, trực tiếp giới thiệu và nhận đặt hàng những sản phẩm cao cấp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Tham vọng của 1102 là quyết tâm “thương hiệu số” làng nghề Bát Tràng trên in-tơ-nét và đặt ra mục tiêu sớm giành được 10% thị phần giao dịch thủ công mỹ nghệ của cả nước (ước tính khoảng 500 triệu USD). Tập đoàn cũng đang tập trung xây dựng hệ thống phân phối Gốm tâm linh Gia Tộc Việt có tiềm năng về giá trị kinh tế trên thị trường và phát triển dòng sản phẩm quà tặng cao cấp với Trung tâm Quà Quý 1102, hội tụ sự tham gia của hàng trăm nghệ nhân nổi tiếng của Bát Tràng và các làng nghề trong khu vực.
Mới đây nhất, chuỗi cửa hàng gốm sứ có tên gọi BatTrang Family Mart với siêu thị đầu tiên tại trung tâm làng Bát Tràng đã đi vào hoạt động nhằm đưa sản phẩm gốm sứ chính hãng đến người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu ra thế giới. Đây là mô hình kinh doanh theo chuỗi cửa hàng nhượng quyền thương hiệu, đồng bộ hóa về sản phẩm, hệ thống các cửa hàng, công nghệ quản lý, chính sách bán hàng và phong cách phục vụ trên toàn quốc. Chiến lược của Tập đoàn 1102 là hướng tới xây dựng 300 cửa hàng như vậy trong cả nước, phấn đấu trở thành liên minh sản xuất, phân phối đầu tiên tại Việt Nam áp dụng quản lý hiện đại trên nền tảng công nghệ 4.0 trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhằm mục tiêu nâng tầm thương hiệu gốm sứ quốc gia, trong đó có gốm sứ Bát Tràng. Theo kế hoạch, BatTrang Family Mart sẽ tăng cường bán hàng trực tuyến trên các website thương mại điện tử hàng đầu thế giới như Amazon hay Alibaba.
Có thể nói, với những bước đi tiên phong, mang tính đột phá dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp sản xuất, kinh doanh, tiếp thị đúng hướng, chuyên nghiệp, Tập đoàn 1102 đã và đang góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng thương hiệu gốm sứ Bát Tràng nổi tiếng trong nước và quốc tế, mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định và bền vững cho sản phẩm làng nghề.