Triển lãm “Bản thể” - Câu chuyện về những người phụ nữ truyền cảm hứng

NDO - Nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh, ca sĩ Lê Cát Trọng Lý, nhà hoạt động xã hội Helly Tống, diễn viên Kaity Nguyễn, kỹ sư Viviana Koudounas,... cùng nhiều gương mặt phụ nữ truyền cảm hứng của Việt Nam và Italia đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo để làm nên triển lãm “Bản thể”.
0:00 / 0:00
0:00

Triển lãm do Đại sứ quán Italia tại Hà Nội và Bảo tàng Nghệ thuật Hồn Đất Việt Bát Tràng (Bát Tràng Museum) phối hợp tổ chức. Lễ khai mạc triển lãm vừa diễn ra ngày 21/4 tại không gian Casa Italia (18 Lê Phụng Hiểu, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Triển lãm “Bản thể” - Câu chuyện về những người phụ nữ truyền cảm hứng ảnh 1

Triển lãm thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.

Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Italia tại Việt Nam Antonio Alessandro cho biết: Triển lãm “Bản thể” là sự kiện tiêu biểu nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Italia.

“Tôi đánh giá rất cao ý tưởng của triển lãm. Dù cách xa nhau về mặt địa lý nhưng Italia và Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng, đặc biệt là ở sự tôn trọng đối với tinh hoa văn hóa truyền thống và sáng tạo dựa trên cảm hứng văn hóa dân tộc. Và ở triển lãm này, các bạn có thể thấy rõ sự kết hợp giữa văn hóa Italia và Việt Nam”, Đại sứ Antonio Alessandro nhấn mạnh.

Trong không gian triển lãm được sắp xếp theo nhiều lớp với sự kết hợp của ánh sáng, công nghệ trình chiếu cùng vải, gương và inox, người xem được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật độc đáo do nghệ sĩ PSI (Phạm Hà Phương) thực hiện. Cô được biết đến là một chuyên gia trang điểm giàu tình yêu và đam mê nghệ thuật. “Bản thể” có thể xem là triển lãm nghệ thuật đầu tiên của một nghệ sĩ trang điểm tại Việt Nam.

Hướng đến tôn vinh vẻ đẹp và giá trị của người phụ nữ, triển lãm “Bản thể” quy tụ 21 chân dung phụ nữ nổi bật từ nhiều ngành nghề khác nhau, có nhiều đóng góp cho xã hội và cộng đồng, đại diện cho nhiều thế hệ phụ nữ Việt Nam và Italia. Bản thể mỗi nhân vật được tạo nên bởi những câu chuyện chân thật, giàu sức lay động trong cuộc sống, sự nghiệp, cùng những trải nghiệm tinh thần mang dấu ấn riêng.

Nghệ sĩ PSI chia sẻ, triển lãm được cô cùng các cộng sự tập trung thực hiện trong ba tháng, nhưng ý tưởng về triển lãm đã được cô “thai nghén” từ cách đây ba năm. “Chính những người phụ nữ chung quanh tôi, từ những người gần gũi nhất như mẹ, bà nội đến những ca sĩ, diễn viên, doanh nhân... những người mà tôi có cơ hội gặp gỡ, cộng tác trong suốt 15 năm làm nghề đã mang đến nguồn cảm hứng sáng tạo để tôi thực hiện triển lãm này. Mỗi người đều có những câu chuyện riêng nhưng đều gặp nhau ở sự lan tỏa những cảm hứng tích cực cho xã hội”, PSI chia sẻ.

Để tái hiện sống động từng bản thể, PSI đã sử dụng kỹ thuật Life-casting để tạo ra bản sao ba chiều của cơ thể người sống. Đây là kỹ thuật mà cô đã được tiếp cận và trau dồi trong quá trình học tập tại nước ngoài. 21 nhân vật được lấy dấu khuôn trực tiếp, sau đó được tạo thành tác phẩm với những chất liệu khác nhau như thạch cao, gốm, sơn mài, nhựa… tạo nên tính đa dạng vốn đã rất khác biệt của bản thể.

Ông Vũ Khánh Tùng, Giám đốc Bát Tràng Museum - đơn vị đồng tổ chức chịu trách nhiệm giám tuyển nghệ thuật của triển lãm cho biết: Để mang đến sự đa dạng và mới mẻ cho những tác phẩm bản thể của nghệ sĩ PSI, triển lãm có sự góp sức, đồng hành của nhiều đơn vị, như Hanoia với hai tác phẩm bằng chất liệu sơn mài, nghệ nhân Phùng Thị Thịnh với bốn tác phẩm bằng gốm Bát Tràng, nghệ sĩ thị giác Cabe Studio với những hình ảnh visual art chiếu lên bản thể, Origin Movement với những thước phim tài liệu, nhiếp ảnh gia Lê Lai với các bức ảnh chụp chân dung nhân vật...

Điều thú vị là mỗi bản thể được nghệ sĩ lựa chọn thể hiện theo những cách riêng. Nếu với Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khanh là sự đặc tả về khuôn mặt thì với doanh nhân Nguyễn Thị Nhung là sự đặc tả đôi bàn tay. Nếu với người mẫu Trang Phạm là hình ảnh về đôi chân thì với nhà thiết kế thời trang Jenny K Tran lại là tấm lưng trần...

Và đặc biệt hơn, với những mã QR gắn riêng theo từng tác phẩm, công chúng còn có cơ hội được hiểu rõ hơn đời sống nội tâm, câu chuyện cuộc đời hay quan điểm sống của từng bản thể được phản ánh. Có những chia sẻ thật sự gợi lên nhiều suy ngẫm.

Chẳng hạn, cách so sánh của nhà hoạt động xã hội Helly Tống về cuộc đời: “Cuộc đời này giống như một bài toán, nếu chúng ta không giải được bài toán đó thì bằng cách này hay cách khác hoàn cảnh của chúng ta cứ lặp đi lặp lại, chỉ thay đổi con người, chỉ thay đổi bối cảnh, chỉ thay đổi những nhận dạng bên ngoài...”.

Hay quan điểm về mối quan hệ của bản thể với nghề diễn của Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khanh: “Với người nghệ sĩ, họ có càng nhiều bản thể trong con mắt cảm nhận của khán giả khi nhìn thấy những hình tượng nhân vật sáng tạo của họ. Và khi tôi có cơ hội hóa thân vào một cuộc đời mới, thì đấy là một bản thể mới, trên cơ sở bản thể gốc cha mẹ sinh ra”...

Đến với triển lãm, có nhiều tác phẩm gợi nhắc người xem nhớ tới những chiếc mặt nạ Venice nổi tiếng của Italia vốn được làm thủ công cầu kỳ bằng thạch cao, da, giấy bồi theo kỹ thuật truyền thống.

Chính sự gặp gỡ giữa ý tưởng dựng “bản thể” con người thành tác phẩm nghệ thuật của một nghệ sĩ hoá trang Việt Nam cùng những chiếc mặt nạ Venice đã tạo nên sự kết hợp độc đáo, thú vị và đầy ngẫu hứng giữa nghệ thuật đương đại và di sản văn hoá truyền thống xứ sở Nam Âu.

Triển lãm “Bản thể” mở cửa đón công chúng đến hết ngày 7/5/2023.

Triển lãm “Bản thể” - Câu chuyện về những người phụ nữ truyền cảm hứng ảnh 2

Nghệ sĩ PSI chia sẻ về ý tưởng triển lãm.

Triển lãm “Bản thể” - Câu chuyện về những người phụ nữ truyền cảm hứng ảnh 3

Triển lãm mang đến nhiều trải nghiệm tương tác cho người xem với sự kết hợp của kỹ thuật ánh sáng, công nghệ trình chiếu, nghệ thuật sắp đặt.

Triển lãm “Bản thể” - Câu chuyện về những người phụ nữ truyền cảm hứng ảnh 4

Tác phẩm bản thể về nhà thiết kế thời trang Jenny K Tran.

Triển lãm “Bản thể” - Câu chuyện về những người phụ nữ truyền cảm hứng ảnh 5

Tác phẩm bản thể về bà Phạm Thị Kim Quy (nội trợ).