Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật, văn hóa
Tham dự sự kiện, có PGS, TS Nguyễn Hữu Phương, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam; ông Jörg Kinnen, Tham tán Văn hóa, Báo chí và Khoa học, Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam; cùng đông đảo công chúng yêu nghệ thuật nhiếp ảnh trên địa bàn Hà Nội.
Phát biểu tại lễ khai mạc, PGS, TS Nguyễn Hữu Phương, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam cho biết: “Trong những năm tới, Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam định hướng sẽ mở rộng phát triển từ nghệ thuật tạo hình sang nghệ thuật thị giác đương đại. Vì thế, triển lãm này là dịp để các giảng viên, sinh viên của trường học hỏi nhiều hơn về tư duy nghệ thuật nhiếp ảnh”.
Đây là lần đầu tiên nhiếp ảnh gia người Đức Adrian Sauer trưng bày các tác phẩm của mình ở Việt Nam. Hiện tại, anh đang công tác tại Trường đại học Bielefeld (Đức) với cương vị Giáo sư về Nhiếp ảnh và Hệ thống hình ảnh sáng tạo.
Các tác phẩm của Adrian Sauer từng được trưng bày ở những triển lãm nhóm và cá nhân tại nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 2023, anh sẽ được trao Giải thưởng danh giá Nhiếp ảnh Quốc tế Spectrum tại Đức.
Chia sẻ tại triển lãm “Ngôi sao sáng và tối”, nhiếp ảnh gia Adrian Sauer cho hay: Tôi vô cùng hào hứng khi lần đầu được đặt chân đến Việt Nam. Bởi đây là cơ hội quý giá để tôi chia sẻ và giới thiệu các tác phẩm của mình đến những người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh nơi đây nói riêng và cộng đồng người Việt nói chung.
Nhiếp ảnh gia Adrian Sauer giới thiệu về các tác phẩm của mình. |
Ngay từ ngày đầu khai mạc, sự kiện đã thu hút nhiều bạn trẻ đến tham dự. Bên cạnh việc quan sát, lắng nghe chia sẻ của tác giả, một số bạn trẻ còn thẳng thắn đặt ra những câu hỏi và bày tỏ cảm nhận của mình về triển lãm.
Trần Mỹ Anh, sinh viên năm cuối ngành đồ họa, Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, chia sẻ: “Triển lãm này rất thú vị, mỗi tác phẩm đều chứa đựng một câu chuyện, đem lại góc nhìn đa chiều cho người xem. Mình rất tò mò về kỹ thuật được sử dụng trong các tác phẩm, vì chúng khác với những kiến thức mà mình từng được học trước đó trên ghế nhà trường”.
Trong các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm, ánh sáng phản xạ từ các vật thể khác nhau tạo ra những hình ảnh khác biệt. Cái hay của những sáng tác này chính là kỹ thuật chụp. Chúng khiến người xem cảm giác mình đang nhìn thấy chủ đề, chủ thể và ý nghĩa đằng sau bức ảnh, chứ không chỉ đơn thuần là những gì hiện hữu trước mắt.
Xóa nhòa ranh giới giữa nhiếp ảnh và kỹ thuật đồ họa
Adrian Sauer đã tiết lộ rằng: “Nghệ thuật nhiếp ảnh là những cú chớp máy ghi lại những khoảnh khắc. Tuy nhiên, nhiếp ảnh cũng là câu chuyện về mặt kỹ thuật. Việc sử dụng máy móc, chất liệu in ấn và cách thức trình bày sẽ khiến khán giả phải tò mò và khó phân biệt đâu là vật thể có thực, đâu là vật thể được tạo hình 3D”.
Tác giả nhận thức được việc nắm bắt các thông số về kỹ thuật là điều kiện tiên quyết để cho ra đời những bức hình đẹp. Với anh, hình ảnh là kết quả của sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các nguyên tắc, tính toán khoa học và cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ.
Các tác phẩm được trưng bày tại “Ngôi sao sáng và tối” được sắp đặt theo chủ ý của nhiếp ảnh gia Adrian Sauer. Cảm hứng xuyên suốt toàn bộ triển lãm là niềm say mê với lịch sử và công nghệ của tác giả.
Tham dự triển lãm, khán giả sẽ được dẫn dắt quan sát từ những hình ảnh được chụp theo phương thức truyền thống, đến những hình ảnh có sự can thiệp rõ nét của kỹ thuật số và cuối cùng là những bức ảnh hoàn toàn được chụp dựa trên ý niệm của tác giả.
Người xem bị thu hút bởi kỹ thuật chụp và đồ họa trong mỗi tác phẩm. |
Ở tác phẩm “Ngôi sao sáng và tối”, ranh giới giữa sắc đen và trắng, giữa cái hiện hữu và cái vô hình, giữa nhiếp ảnh và kỹ thuật đồ họa dần bị xóa nhòa. Lấy cảm hứng từ hình ảnh ngôi sao 3 chiều phát sáng màu đỏ trong Hội chợ Báo chí thế giới năm 1928 tại Cologne (Đức), Adrian Sauer đã tạo ra một ngôi sao của riêng mình vào năm 2017.
Anh đã xây dựng hình khối gồm 12 đỉnh nhọn và 12 mặt. Thị giác người xem có thể bị đánh lừa bởi sự phản xạ ánh sáng giữa các bề mặt, khiến người xem lầm tưởng chúng được tạo bởi 3 khối khác nhau. Dẫu quan sát kỹ bức ảnh, khán giả cũng khó có thể hình dung và nhận biết đây là vật thể tự nhiên hay được dựng bằng đồ họa.
Bên cạnh đó, các tác phẩm như: "Cung Cộng hòa" (sáng tác vào năm 1993); "256 bậc thang xám" (sáng tác vào năm 2020) và "Gạch" (sáng tác vào năm 2021) cũng thể hiện rõ phương thức sản xuất và quan điểm sáng tạo nghệ thuật của Adrian Sauer.
Triển lãm ảnh với chủ đề “Ngôi sao sáng và tối” của nhiếp ảnh gia Adrian Sauer diễn ra từ ngày 20/4-20/5 tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam (42 đường Yết Kiêu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).