Theo đánh giá của Tổng Cục Lâm nghiệp, Đề án được xây dựng trên quan điểm mắc ca là cây trồng nhập nội, mới được gây trồng, phát triển ở Việt Nam, do đó việc phát triển các vùng trồng phải được triển khai thận trọng, trên cơ sở khoa học, thực tiễn vững chắc và nhu cầu của thị trường, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, phù hợp với các chiến lược, quy hoạch. Triển khai hiệu quả Đề án sẽ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần ổn định dân cư, giữ vững an ninh chính trị, an toàn xã hội. Mắc ca cần phát triển thành ngành hàng sản xuất hiệu quả, bền vững, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Đến năm 2030, phấn đấu tổng diện tích mắc ca cả nước đạt từ 130.000-150.000 ha, tập trung tại vùng Tây Bắc (khoảng 75.000-95.000ha, chủ yếu tại các tỉnh Điện Biên, Lai Châu), vùng Tây Nguyên (khoảng 45.000ha, chủ yếu tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Kon Tum) và một số địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với yêu cầu sinh thái của cây mắc ca (khoảng 10.000 ha), được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương xác định quy mô và địa điểm cụ thể trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng tiềm năng, năng lực đầu tư, quỹ đất, hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường và nhu cầu thị trường.
Triển khai hiệu quả Đề án sẽ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần ổn định dân cư, giữ vững an ninh chính trị, an toàn xã hội. |
Trên cơ sở tổng kết, đánh giá hiệu quả phát triển Mắc ca giai đoạn 2021-2030, các cơ quan chức năng sẽ định hướng cụ thể về quy mô diện tích và vùng trồng mắc ca đến năm 2050, phấn đấu đạt khoảng 250.000ha; đồng thời hướng tới mục tiêu xây dựng mới khoảng 300-400 cơ sở sơ chế, chế biến, công suất mỗi cơ sở từ 100-200 tấn hạt/năm.
Ngoài ra, đề án cũng hướng tới việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng khoảng 8 nhà máy chế biến sâu các sản phẩm mắc ca có giá trị cao, công suất mỗi cơ sở từ 10.000-15.000 tấn hạt tươi/năm tại những địa phương có điều kiện thuận lợi.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các đơn vị, địa phương quản lý chặt chẽ công tác sản xuất, buôn bán giống cây mắc ca theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân sản xuất, cung ứng giống mắc ca vi phạm pháp luật.
Các đơn vị, các sở ban ngành, địa phương và các đơn vị khoa học rà soát, đánh giá, xác định quy mô và quỹ đất thuộc quy hoạch rừng sản xuất để phát triển loại cây trồng này theo phương thức trồng thuần loài; trồng xen trên đất trồng cây công nghiệp và đất trồng thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của địa phương.
Các địa phương rà soát diện tích có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với yêu cầu sinh thái của cây mắc ca tiến hành đánh giá, xác định quy mô và quỹ đất phù hợp để trồng mắc ca phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất theo quy định.
Xây dựng cơ chế, chính sách của địa phương theo hướng khuyến khích liên kết sản xuất để hình thành vùng trồng thâm canh cây mắc ca tập trung; thúc đẩy các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển mắc ca theo chuỗi giá trị, chế biến sâu, gắn với thị trường tiêu thụ.
Niềm vui của người nông dân bên trái mắc ca. |
Các đơn vị, địa phương cũng cần tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, phát triển cây mắc ca theo hướng hiệu quả, bền vững; gắn kết chặt chẽ với các chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách của Chính phủ về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…
Hiệp hội mắc ca Việt Nam khẳng định do nhu cầu sử dụng trên thế giới ngày càng tăng nên hiệu quả kinh tế trong tương lai của mắc ca là rất tươi sáng. Cùng với sự ra đời kịp thời Đề án phát triển bền vững mắc ca của Chính phủ, các ngành, các cấp và các địa phương cũng đã xác định việc đầu tư vào cây trồng mắc ca mang tính trọng điểm, ưu tiên.
Đến nay, mắc ca đã được triển khai hiệu quả tại một số địa phương, nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình đã có thu nhập cao từ mắc ca. Các địa phương, các hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ gia đình đã xác định các vùng đủ điều kiện để phát triển cây mắc ca để đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất theo chuỗi cung ứng, chế biến sâu, gắn với thị trường tiêu thụ.
Hiệp hội mắc ca Việt Nam sẽ làm tốt chức năng là cầu nối gắn kết chặt chẽ giữa các hộ dân và doanh nghiệp trong phát triển sản xuất mắc ca theo chuỗi; hỗ trợ vay vốn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, cung ứng dịch vụ giống và phân bón tạo điều kiện thuận lợi để các hộ nông dân phát triển mắc ca hiệu quả, bền vững mang lại giá trị kinh tế cao…