Sản xuất chiếm hơn 30% giá trị toàn ngành
Theo số liệu mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, hiện cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi. Trong đó, năm 2021, tỷ lệ nông nghiệp ứng dụng CNC trong trồng trọt đối với những loại cây trồng chủ lực chiếm tỷ lệ gần 56%. Về chăn nuôi, tổng đàn vật nuôi chủ lực ứng dụng CNC chiếm hơn 63%. Đến năm 2025, Bình Dương đặt mục tiêu đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC chiếm hơn 30%, diện tích đất trồng nông sản đạt tiêu chuẩn GAP chiếm 20%, số trang trại chăn nuôi được cấp chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAHP) chiếm 30%.
Một trong những đơn vị đi đầu trong khai thác lợi thế ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp của Bình Dương là khu nông nghiệp ứng dụng CNC An Thái (huyện Phú Giáo), do Công ty CP Nông nghiệp U&I (Unifarm) làm chủ đầu tư, với tổng diện tích gần 412ha.
Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp U&I Phạm Quốc Liêm cho biết, hiện khu nông nghiệp ứng dụng CNC An Thái sản xuất 100% diện tích của khu. Cụ thể: Giống chuối già hương được trồng với tổng diện tích hơn 195ha, năng suất bình quân 50 tấn/năm, lãi khoảng 150 triệu đồng/ha/năm. Thị trường tiêu thụ trong nước khoảng 50%, còn lại 50% xuất khẩu sang thị trường các nước Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong đó đã có 66ha chuối được chứng nhận đủ tiêu chuẩn GlobalGAP.
Bên cạnh đó, giống dưa lưới của Hà Lan, Israel và Nhật Bản được trồng với tổng diện tích 11,52ha, năng suất bình quân 100 tấn/ha/năm, được tiêu thụ 50% trong nước và 50% xuất khẩu. Đây là loại cây trồng có giá trị kinh tế, đòi hỏi công nghệ và kỹ thuật sản xuất cao. Hay như cây nhãn với diện tích gần 12ha, được trồng từ năm 2015 với hai giống nhãn Edaw và thanh nhãn. Trong đó, nhãn Edaw có nguồn gốc Thailand, hiện là giống nhãn có nhu cầu xuất khẩu lớn nhất thế giới, còn thanh nhãn là một giống nhãn mới có nhiều ưu điểm như cơm dày, ráo, thơm, hạt nhỏ. Dự án được trang bị hệ thống tưới nhỏ giọt của Israel, đạt tiêu chuẩn VietGAP… Ngoài ra, giống bơ mới có khả năng chịu nhiệt (do Viện Cây ăn quả Miền Nam chọn lọc) cũng được trồng thử nghiệm với diện tích 1,95ha. “Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm những loại cây trồng mới như đu đủ Solo Sunsire của Hawaii, các loại rau ăn lá để đa dạng hóa các đối tượng cây trồng, sẵn sàng chuyển đổi cây trồng theo nhu cầu thị trường”, ông Phạm Quốc Liêm nhấn mạnh.
Tương tự, HTX Nông nghiệp CNC Kim Long (ấp Cà Na, xã An Bình, huyện Phú Giáo) trồng 18ha dưa lưới, đạt sản lượng trung bình 1.200 tấn/năm. Giám đốc HTX Nguyễn Hồng Quyết cho hay, nhờ áp dụng trồng dưa lưới trong nhà kính nên sản phẩm của HTX đạt được chất lượng cao với tiêu chuẩn VietGAP, tiêu thụ ổn định trên thị trường cả nước, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 100 lao động với thu nhập bình quân từ 7 đến 10 triệu đồng/người/tháng.
Anh Phạm Văn Hiên, xã viên HTX Nông nghiệp CNC Kim Long chia sẻ: “Khi chưa tham gia HTX, gia đình canh tác và chờ đợi thương lái đến thu mua, được giá cao thì mừng, giá thấp phải chịu vì không nắm bắt được tình hình thị trường. Khi tham gia rồi thì được hướng dẫn tổ chức sản xuất, cung ứng vật tư đầu vào và được ký hợp đồng tiêu thụ. Ngoài ra, xã viên còn nắm bắt được nhu cầu thị trường, từ đó có kế hoạch sản xuất rải vụ, tránh được tình trạng sản xuất ồ ạt cùng một thời điểm dẫn đến tình trạng được mùa, rớt giá”.
Nhân rộng các mô hình
Để hỗ trợ các HTX nông nghiệp phát triển bền vững và ứng dụng CNC, Liên minh HTX tỉnh Bình Dương đã ban hành nhiều chính sách như hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học góp phần giảm chi phí sản xuất; tăng cường đầu tư, nâng cấp về cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho nông nghiệp, nông thôn; nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, trẻ hóa. Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động hỗ trợ tài chính, tín dụng để gia tăng sức mạnh kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Trên địa bàn tỉnh hiện có HTX cây ăn quả Tân Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên) và ổi Thanh Kiên (huyện Phú Giáo) tham gia Đề án Hỗ trợ xây dựng hợp tác sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thực hiện, với tổng số tiền gần 450 triệu đồng. Hiệu quả bước đầu giảm chi phí đầu vào từ 18 - 22%, nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho thành viên và người lao động.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương Phạm Văn Bông, đến nay, Bình Dương đã có bốn khu nông nghiệp CNC gồm: Tiến Hùng (huyện Bắc Tân Uyên); Tân Hiệp - Phước Sang (huyện Phú Giáo); Vĩnh Tân (thị xã Tân Uyên) và An Thái (huyện Phú Giáo), giúp Bình Dương trở thành địa phương có nhiều khu nông nghiệp CNC nhất cả nước.
Giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp theo ba trục sản phẩm chủ lực gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới, nhằm hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa lớn đạt năng suất, chất lượng cao, an toàn, hiệu quả.
Để góp phần thực hiện mục tiêu trên, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương thực hiện quy hoạch vùng sản xuất theo hướng chuyên canh, sản xuất tập trung. Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phát triển nông nghiệp CNC cho nông dân, tạo ra đội ngũ nông dân và doanh nhân chuyên nghiệp có trình độ, kỹ năng.
Đặc biệt, chú trọng chuyển giao và nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC hiệu quả đến người sản xuất, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh việc liên kết giữa “4 nhà” (nhà nông - Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp). “Thời gian tới, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp làm nông nghiệp CNC, ngoài hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi 3,2%/năm, tỉnh còn hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đặc biệt là quan tâm hỗ trợ HTX để có đầu ra cho sản phẩm”, ông Phạm Văn Bông nêu rõ.
Thực tế, thời gian qua, các mô hình đầu tư sản xuất ứng dụng công nghệ cao tại Bình Dương được vay vốn với mức lãi suất ưu đãi bằng 70% lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh. Hạn mức vay ưu đãi từ 80% - 90% tùy theo quy mô của phương án đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng CNC.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho biết, việc phát triển mạnh về nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp CNC đang góp phần làm gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Đây là nhờ sự chủ động hợp tác chặt chẽ, linh hoạt giữa ngành khoa học và nông nghiệp, tích cực triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển khoa học - công nghệ, tạo tiền đề cho việc đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển đồng bộ nông nghiệp, nông dân và nông thôn.